Trại khỉ của Tân Hội Đông gần Cửa khẩu Kà Tum bị nghi là điểm tập kết thú hoang nhập lậu từ Campuchia và được hợp thức hóa bằng giấy phép xuất khẩu từ Lào |
Trại nuôi động vật hoang dã của Công ty TNHH Tân Hội Đông vừa trở thành một trong những trại nuôi thú hoang đầu tiên ở Việt Nam có giấy chứng nhận phù hợp với Công ước về Buôn bán Quốc tế Động-Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES).
Nhưng ít ai biết trại này (Tọa ở một nơi hẻo lánh ngay sát cửa khẩu Kà Tum, tỉnh biên giới tây nam Tây Ninh) là điểm trung chuyển quan trọng nhất của một trong những đường dây buôn lậu thú hoang xuyên quốc gia lớn và tinh vi nhất ở Việt Nam từ trước đến nay.
Theo mô tả của một tờ báo trong nước, chuồng trại của Cty TNHH Tân Hội Đông áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong quy trình gây nuôi, tái tạo các loài rắn, rùa, đặc biệt là các loài linh trưởng dùng để thí nghiệm và nghiên cứu vaccine phòng chữa bệnh cho người.
Tin trên loang ra sau khi giám đốc một công ty sinh học Mỹ gửi bố cáo đề ngày 1/7/2007 về việc nhóm chuyên gia của công ty sẽ đến Cửa khẩu Kà Tum để thị sát trại nuôi thú hoang của đối tác là Cty TNHH Tân Hội Đông.
Nhưng ông Donald A.Bradford, Chủ tịch Tập đoàn Primate Products, chắc không biết Tân Hội Đông và mạng lưới của nó suốt một gian dài dùng giấy tờ giả mạo để nhập một trong những loài thú hoang đang được các phòng thí nghiệm sinh học khắp thế giới săn lùng.
Một quan chức của một tổ chức bảo tồn quốc tế có trụ sở ở Hà Nội nhận xét, nếu vụ việc được xác định là đúng, đây gần như là vụ hy hữu ...
Ông Trần Quý, Giám đốc Cty Thương mại Biên mậu Trung - Việt (gọi tắt là Trung Việt), cảnh báo, nếu không sớm quy hoạch và nhân nuôi, sẽ đến lúc Việt Nam không có nguồn khỉ đuôi dài để phục vụ phát triển công nghệ sinh học.
Cũng theo ông Trần Quý, Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu khỉ đuôi dài.
Chỉ riêng thị trường Mỹ, theo một nhóm trên diễn đàn bảo tồn của chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, năm 2004, Việt Nam xuất 2.700 con. Sang năm 2005, con số đó lên hơn 4.300.
Vấn đề là “Từ nhiều năm nay, Chính phủ cấm khai thác khỉ đuôi dài từ nguồn tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam”, ông Đỗ Quang Tùng, Phụ trách CITES Việt Nam, nói với phóng viên Tiền phong vào một ngày cuối tháng 7/2007.
Vậy khỉ xuất từ Việt Nam chỉ có thể được khai thác từ nước ngoài. Vấn đề là chúng được khai thác thế nào, hợp pháp hay bất hợp pháp.
Ông Trần Quý vừa là Giám đốc Trung Việt đồng thời là Giám đốc Cty TNHH Tân Hội Đông |
Liều lĩnh
TS Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Thú y Vùng VI (RAHO-6), cho biết, việc xuất khỉ đuôi dài có từ hơn 10 năm nay.
Ở Việt Nam có hai doanh nghiệp gần như độc quyền xuất là Cty liên doanh Nuôi&Phát triển Khỉ Việt Nam (NAFOVANNY) và Cty TNHH Tân Hội Đông mà tập đoàn Mỹ đang tìm cơ hội hợp tác.
NAFOVANNY là nhà xuất khẩu khỉ đuôi dài lớn nhất thế giới với sản lượng xuất 8.000 - 9.000 con/năm. Đối trọng với doanh nghiệp có 14 năm kinh nghiệm này không ai khác chính là Cty TNHH Tân Hội Đông, một “sân sau” của Trung Việt.
Nhiều lúc, không rõ có phải vì quá tin tưởng vào vị thế tưởng vững như núi Thái Sơn của mạng lưới buôn lậu thú hoang hay không, ông Trần Quý không ngần ngại che giấu vị thế sân sau của mình là Cty TNHH Tân Hội Đông.
Ông Trần Quý từng ký tên vào một văn bản hợp đồng với một đối tác với tư cách giám đốc Cty TNHH Tân Hội Đông mặc dù ông vẫn đang là Giám đốc Trung Việt.
Dù mới thành lập năm 2005, nhưng Cty TNHH Tân Hội Đông nhanh chóng thành đối tác với doanh nghiệp Mỹ, Primate Products Inc. Liên doanh tiềm năng đến mức có thể qua mặt NAFOVANNY hùng mạnh.
Một cơ sở nghiên cứu tế bào mầm với tổng vốn đầu tư ban đầu 8 triệu USD và nguồn khỉ đuôi dài từ Tân Hội Đông sẽ đặt ở chân núi Bà Đen, Tây Ninh.
Nếu thành công, nó sẽ trở thành mũi nhọn công nghệ sinh học không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực.
Ngay từ năm 2003, sau khi ra khỏi ngành an ninh, ông Trần Quý vạch kế hoạch xây dựng một trại chuyên nhân nuôi khỉ đuôi dài quy mô lớn ở Cát Bà (Hải Phòng) để đối trọng với NAFOVANNY hùng mạnh trong miền Nam.
Để thực hiện dự án mà nhiều nhà môi trường cho là ấu trĩ và thiếu trách nhiệm ấy, Trung Việt được Bộ NN&PTNT bật đèn xanh bằng việc cho phép nhập 5.000 khỉ đuôi dài từ Lào (Công văn số 1261/BNNPTNT ngày 26/5/2003).
Tuy nhiên, UBND TP Hải Phòng không phê duyệt dự án vì các nhà môi trường phản đối kịch liệt, bởi Vườn Quốc gia Cát Bà đang được đệ trình UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cũng may cho Trung Việt, giấy phép của Bộ NN&PTNT cho phép họ bán hết 5.000 con khỉ nhập cho NAFOVANNY. Hỏng dự án ở Cát Bà, Trung Việt có cớ đưa đàn khỉ nhập từ Cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh) vào Nam.
Lãnh đạo NAFOVANNY sau này chia sẻ với chúng tôi rằng họ đồng ý mua khỉ của Trung Việt là do gợi ý của lãnh đạo Bộ NN&PTNT. Song suốt quá trình mua, NAFOVANNY không nhận được giấy phép của nước xuất khẩu số khỉ đó là Lào.
“Có giấy phép xuất xứ mới yên tâm”, ông Cao Văn Tiễn, Giám đốc NAFOVANNY, nói. Họ cử người ra Bắc gặp Cục Kiểm lâm và “xin mãi mới được”. Nhưng đến bây giờ NAFOVANNY vẫn chưa biết bộ giấy phép ấy là giả mạo.
Từ Cầu Treo, tháng 10/2004, Trung Việt chuyển địa điểm nhập khỉ vào Cửa khẩu Kà Tum, Tây Ninh, giáp giới với Campuchia. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến cuộc di chuyển này.
Thứ nhất, nguồn khỉ mà Trung Việt nhập vào Việt Nam từ thuở khai sinh doanh nghiệp này đầu thập niên 2000 cho đến giờ thực chất đến từ Campuchia chứ không phải Lào.
Thứ hai, cho đến năm ngoái, khách hàng tiêu thụ chính sản phẩm của Trung Việt là NAFOVANNY tọa ở Đồng Nai, cách Tây Ninh không xa. Không hiểu sao NAFOVANNY chỉ thích mua khỉ đuôi dài của Campuchia. (Chúng tôi sẽ đi sâu vào vấn đề này vào một dịp khác).
Ông Trần Văn Trọng, Phó Giám đốc Chi cục Hải quan Kà Tum, cho biết, chỉ trong hai năm 2005 - 2006, mạng lưới của Trung Việt nhập tổng cộng 15.850 con khỉ qua cửa khẩu Kà Tum.
Nằm mơ NAFOVANNY cũng không thể nhập được số khỉ lớn như thế. Theo TS Nguyễn Xuân Bình, 6 tháng đầu năm 2007, NAFOVANNY chỉ (làm thủ tục kiểm dịch) nhập vẻn vẹn được 400 con từ Campuchia.
Đi tìm lời giải cho câu hỏi “Bí quyết gì khiến Trung Việt có thể nhập được lượng khỉ khổng lồ như vậy?”, chúng tôi tìm cách tiếp cận với hồ sơ xuất xứ khỉ đuôi dài.
Cũng giống ở Cầu Treo (Hà Tĩnh), các cơ quan chức năng mà chúng tôi đến làm việc đều cho biết, toàn bộ số khỉ trên được nhập bằng giấy phép xuất khẩu từ Lào.
Lẩn tránh
Ngạc nhiên là, không cơ quan công quyền nào mà chúng tôi đến cung cấp hoặc cho chúng tôi xem bản copy giấy phép xuất khẩu của Lào.
Tại Trung tâm Thú y Vùng 6, TS Bình, Phó Giám đốc Trung tâm, nói ông không trực tiếp phụ trách mảng kiểm dịch động vật xuất khẩu mà là Giám đốc Đồng Mạnh Hòa.
Hôm đó ông Đồng Mạnh Hòa ra Hà Nội công tác, TS Bình chỉ cung cấp cho chúng tôi các văn bản liên quan đến kiểm dịch. Còn giấy phép của Cơ quan thẩm quyền Lào, ông kiên quyết không cung cấp và bảo phải có chỉ đạo của cấp trên.
Chúng tôi liên lạc được với lãnh đạo Cục Thú y trung ương qua điện thoại và được lãnh đạo đồng ý. Nhưng khi TS Bình gọi điện hỏi lại, vị lãnh đạo đó lại bảo không.
Đến Chi cục Hải quan tỉnh Tây Ninh, chúng tôi đăng ký làm việc với ông Nguyễn Văn Đơn, Chánh Văn phòng, xin cấp giấy phép xuất khẩu khỉ của phía Lào.
Ông Đơn bảo xuống Chi cục Hải quan Kà Tum sẽ có. Nhưng khi đến, ông Trần Văn Trọng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Kà Tum, lại lý luận Chi cục không có loại văn bản ấy: “Chúng tôi chỉ cần có giấy phép của Cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam là đủ”.
Nhưng sau đó, ông lại phải có ý kiến đồng ý của Chi cục Hải quan tỉnh (mới cấp-PV).
Đăng ký làm việc với các cơ quan của Bộ NN&PTNT thì được hướng dẫn đến Cục Kiểm lâm. Chúng tôi có hai buổi làm việc với lãnh đạo Cục và Cơ quan Thẩm quyền CITES Việt Nam.
Tại các buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Cục trưởng Kiểm lâm, ông Đỗ Quang Tùng - Phụ trách CITES Việt Nam, ông Nguyễn Phi Truyền, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm, và bà Hà Thị Tuyết Nga - cán bộ CITES Việt Nam (phụ trách thanh kiểm tra CITES, chính sách, đối ngoại), hứa sẽ cung cấp copy các giấy phép của Cơ quan thẩm quyền CITES Lào.
Nhưng tới thời điểm này, chưa bản copy giấy phép nào của Cơ quan thẩm quyền CITES Lào nào được cung cấp.
Ông Trần Quý và ông Kiên (giám đốc một tập đoàn là cổ đông của Trung Việt), cũng hứa như đinh đóng cột sẽ cho xem giấy phép xuất khẩu khỉ của Lào. Rốt cục cũng biệt vô âm tín.
Cuối cùng, sau nhiều lần đề nghị, Cục Kiểm lâm cũng cấp bản copy giấy phép xuất khẩu khỉ của Lào nhưng không phải của Cơ quan thẩm quyền CITES Lào mà là của Cơ quan thẩm quyền Lào cho chúng tôi.
Đấy là giấy phép khi Lào chưa gia nhập CITES (trước ngày 30/5/2004). Giấy phép này có hợp pháp?
Và để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Trung Việt đã nhập khẩu khỉ đuôi dài hợp pháp hay không? Trại khỉ Tân Hội Đông có xuất xứ như thế nào?, tôi đã lần mò sang đầu mối của giấy phép đó là Lào.
Đón đọc kỳ 2: Truy tìm trên đất Lào