Đối thoại để cải cách
Để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, vào năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35, rồi Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có Bản cam kết về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Kể từ tháng 10/2016, cứ vào chiều thứ 6 hàng tuần, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan liên quan lại tổ chức “gặp gỡ doanh nhân”. Mục đích các cuộc gặp gỡ này nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mỗi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp kiến nghị, đồng thời tạo sự tương tác hai chiều cho doanh nghiệp và chính quyền tỉnh.
Mô hình này đã giúp rút ngắn khoảng cách của doanh nghiệp với lãnh đạo UBND tỉnh. Qua đó, lãnh đạo tỉnh có thể tiếp nhận được ý kiến của mỗi doanh nghiệp tránh việc phải trải qua những khâu thủ tục hành chính có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng như trước đây. Đồng thời cũng tạo được sự gần gũi, chia sẻ giữa lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư FDI, DDI trên địa bàn tỉnh, giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thẳng thắn trình bày những vướng mắc, khó khăn trong quá trình đầu tư tại tỉnh.
Từ các cuộc đối thoại này sẽ giúp chính quyền tỉnh hiểu doanh nghiệp hơn, giải quyết được nhiều vấn đề phát sinh, đem lại hiệu quả thiết thực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Bên cạnh đó, việc “gặp gỡ” định kỳ cũng là dịp để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với nhau. Những ý tưởng kinh doanh mới cũng được nêu ra để được trao đổi, góp ý để ý tưởng biến thành hiện thực, đưa sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả hơn.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho rằng, việc duy trì thường xuyên chương trình gặp gỡ sẽ tạo nên kênh kết nối quan trọng giữa doanh nghiệp và chính quyền, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Đây sẽ là nơi đưa ra những sáng tạo, những sáng kiến cải cách, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, tăng cường đối thoại, tương tác hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp để tạo ra những cải cách mới.
Vừa quản lý, vừa phục vụ
Trao đổi với PV, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mô hình “gặp gỡ doanh nhân” không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh, mà còn giúp lãnh đạo địa phương này có cơ hột tiếp cận những thông tin và kiến thức thị trường từ doanh nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại các cuộc đối thoại này, lãnh đạo tỉnh có thể lắng nghe những chia sẻ thẳng thắn, giãi bày những nội dung mà trong các cuộc họp không tiện đề cập. Để từ đó giúp lãnh đạo tỉnh hiểu doanh nghiệp hơn, giải quyết được nhiều vấn đề phát sinh và đem lại hiệu quả thiết thực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Những phản ánh, tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh trực tiếp trao đổi, giải quyết tại chỗ hoặc thống nhất trả lời và hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại buổi gặp gỡ. Trên thực tế, không ít những khó khăn, vướng mắc kéo dài đã được giải quyết dứt điểm.
Đối với những ý kiến, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, hoặc thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, địa phương...thì UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức và UBND các huyện, thành, thị hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc để kịp ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển.
Cụ thể, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp tập trung ở một số sở, ngành đã được UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ giải quyết theo thẩm quyền, như các Sở Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Cục Thuế tỉnh; UBND huyện Vĩnh Tường, UBND huyện Bình Xuyên... Thông quá các kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, từ đó cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh trước đây và nay là Trung tâm hành chính công đã công khai địa chỉ tiếp nhận thông tin và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trước ngày thứ 5 hàng tuần và gửi các cơ quan chuyên môn. Các sở, ban, ngành tiếp thu, giải quyết thấu đáo các khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đặc biệt, sau mỗi buổi gặp gỡ, các ngành chức năng phải tự nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý, vừa phục vụ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Những phản ánh, tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh trực tiếp trao đổi, giải quyết tại chỗ hoặc thống nhất trả lời và hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại buổi gặp gỡ. Trên thực tế, không ít những khó khăn, vướng mắc kéo dài đã được giải quyết dứt điểm.