Lãnh đạo Cục Kiểm lâm nói gì về trùm gỗ Phượng 'râu' bị bắt?

TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, liên quan đến vụ trùm gỗ Phượng “râu” (Đắk Nông) bị bắt, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho biết, sẽ xử lý nghiêm nếu cán bộ kiểm lâm dính líu, tiếp tay cho sai phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra khu vực chứa gỗ của trùm Phượng "râu"

Theo ông Tùng, trong vụ việc trùm gỗ Phan Hữu Phượng (biệt danh là Phượng “râu”) và các đồng phạm ở Đắk Nông bị bắt mới đây, khi có thông tin, Cục đã cử người vào chỉ đạo Vườn Quốc gia Yok Đôn cùng kiểm lâm địa phương, kiểm tra, liệu có việc phá rừng trong khu vực Vườn hay không.

Cùng đó, Cục Kiểm lâm cũng phối hợp với lực lượng công an trực tiếp khám xét, kiểm đếm số gỗ tại xưởng của Phượng “râu” để phân loại, đối chiếu hồ sơ; tích cực phối hợp với phía công an điều tra, xử lý vụ việc.

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm, để vụ việc liên quan đến Phượng “râu” xảy ra một thời gian dài, có trách nhiệm của kiểm lâm địa phương. Là người từng có thời gian công tác tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, nên ông Tùng cho biết: “Anh em kiểm lâm của Vườn thường xuyên phải đối đầu với các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản như Phượng “râu”. Việc này, khác với vai trò của kiểm lâm ở huyện, tỉnh”- ông Tùng nói.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng, quan điểm của Cục là nếu kiểm lâm của Vườn (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp) dính líu, tiếp tay cho những hành vi sai phạm, Tổng cục sẽ xử lý nghiêm. Còn lực lượng kiểm lâm địa phương, Cục sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương xử lý và theo dõi vấn đề này.

Theo ông Tùng, nơi lán trại của Phượng “râu” thuộc khu vực tiểu khu 464 (thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn), gần với đồn biên phòng 747, đều giáp với vành đai biên giới Việt Nam và Campuchia, là nơi kiểm soát chặt chẽ của lực lượng biên phòng.

Liên quan đến nhận định, đường gỗ đi từ lán trại của Phượng “râu” ở tiểu khu 464, giáp đồn biên phòng 747 về bãi tập kết của tại thị trấn Ea T'Linh huyện Cư Jút (Đắk Nông) có nhiều trạm biên phòng, kiểm lâm, nhưng vẫn bị “qua mặt”,  ông Tùng cho biết, có hai con đường để đưa gỗ về địa điểm nói trên.

“Một đường sẽ không đi qua trạm chốt nào của kiểm lâm và một đường có đi qua một trạm kiểm lâm của Vườn. Tuy nhiên, đây là đường biên giới, kiểm lâm của Vườn không có chức năng, hoặc có chốt, trạm để dừng xe ở ngoài đường, mà chỉ quản lý trong rừng. Việc này khác với các trạm, chốt kiểm lâm có chức năng kiểm soát vận chuyển trên đường”- ông Tùng nói.

Trùm gỗ Phượng "râu" đã bị bắt

Theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua cũng như tới đây vẫn tiếp tục rất khó khăn, vất vả, đặc biệt khu vực Tây Nguyên được xem là trọng điểm, cần ưu tiên.

Dẫu vậy, để xảy ra những vụ vi phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng có nguyên nhân sâu xa từ việc năng lực của một số cán bộ kiểm lâm địa phương còn hạn chế; một số ít cán bộ kiểm lâm bị mua chuộc, tha hóa…ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm cũng cho rằng, với 63 chi cục, gần 500 hạt kiểm lâm hiện đều do các tỉnh quản lý trực tiếp, từ công tác cán bộ, đến tài chính hoạt động… Cục có vai trò kiểm tra, giám sát và đôn đốc lực lượng kiểm lâm địa phương bám sát địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh với các đối tượng vi phạm khai thác rừng trái phép...

Do vậy, theo ông Tùng, để giảm thiểu, ngăn chặn các vụ vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ rừng, không chỉ có lực lượng kiểm lâm, mà thật sự vào cuộc của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương. Đặc biệt, đối tượng tội phạm như Phượng “râu”, một mình lực lượng kiểm lâm không thể xử lý nổi.

“Cũng cần phải nói rõ, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không riêng ngành kiểm lâm, bởi theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư T.Ư Đảng, trách nhiệm này thuộc về các cấp chính quyền địa phương”- ông Tùng nói.