Lãng phí mua sắm trang thiết bị y tế- Bài 1: Mua máy để... bỏ kho!

TP - Ngày 15/9/2015, Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Lắk công bố kết luận thanh tra số 38 về việc mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) tại Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác. Qua đó phát hiện số TTBYT hư hỏng, không đồng bộ trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng phải “đắp chiếu”. 
Bệnh viện Tây Nguyên mua máy tính từ năm 2010 tới nay xây chưa xong.

Đầu Âu, đuôi Á

Sở Y tế Đắk Lắk có 48 đơn vị trực thuộc, gồm 1 trường trung cấp y, 2 chi cục, 20 bệnh viện, 25 trung tâm. Trên cơ sở hồ sơ tài liệu do các đơn vị cung cấp, với thời hạn 45 ngày, Thanh tra tỉnh chỉ làm việc với 33/48 đơn vị đã chi trên 147,88 tỷ đồng mua TTBYT trong 3 năm 2012 - 2014, để rà soát về trình tự, thủ tục mua sắm, kiểm tra thực tế nhãn mác và hiện trạng việc quản lý, sử dụng TTBYT. Qua đó cho thấy có nhiều dấu hiệu làm trái trong các vụ mua sắm này.

Khi mua TTBYT theo kiểu chỉ định thầu, nhiều đơn vị chỉ nộp các bản báo giá chiếu lệ cho có. Nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa không ghi rõ quy cách, kích thước và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Với hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi, một số đơn vị đã không cung cấp được tờ khai hải quan, hoặc nộp các tờ khai hải quan bị tẩy xóa phần giá trị tính thuế và phần thuế nhập khẩu. Nhiều loại TTBYT có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sai với hợp đồng đã ký kết.

Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333, ngày 19/11/2014 ký hợp đồng mua 2 máy đo điện tim giá 120 triệu đồng của Cty TNHH TM TTBYT Tây Nguyên, thời gian thực hiện hợp đồng là 60 ngày. Nhưng tới giữa tháng 5/2015, khi đoàn thanh tra đến, máy vẫn chưa dùng được do “bên bán chưa cài đặt xong phần mềm đọc kết quả điện tim”.

Bệnh viện Đa khoa huyện Ea HLeo năm 2012 đấu thầu lắp đặt hệ thống khí y tế, hợp đồng ghi nhãn hiệu SMYTH của Mỹ giá 234 triệu đồng, thực tế kiểm tra cho thấy máy không có nhãn mác. Năm 2014, bệnh viện trang bị tiếp máy hút ẩm công nghiệp theo hợp đồng là “công nghệ Nhật Bản chính hãng”, kiểm tra thực tế thấy dán nhãn hiệu Trung Quốc.

Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk, năm 2013 trang bị máy giúp thở kèm máy khí nén khí, giá 558,6 triệu đồng, hợp đồng ghi hãng sản xuất Heyer - Đức. Kiểm tra chỉ thấy màn hình sản xuất tại Đức, còn cục nén khí sản xuất tại Trung Quốc, bộ phận làm ẩm khí sản xuất tại New Zealand.

Ngoài ra, Bệnh viện Tâm thần tỉnh có máy hút dịch điện Đài Loan, ghi hợp đồng sản xuất năm 2012, nhưng trên nhãn thể hiện máy sản xuất tháng 9/2010. Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, năm 2012 ký hợp đồng mua TTBYT hơn 651 triệu đồng, không ghi model, hãng sản xuất và xuất xứ TTBYT. Khi giao hàng, đối tác là Cty CP đầu tư và công nghệ Bắc Hà đã thay máy siêu âm kỹ thuật số của Ý bằng máy siêu âm xuất từ Mỹ, thay máy đo bụi của Nhật bằng máy Trung Quốc v.v...

Nơi thiếu, nơi mua rồi... bỏ không!

Qua tìm hiểu thực tế, và ngay cả bác sĩ ở khoa Nhi BV ĐK tỉnh Đắk Lắk thừa nhận nhiều loại máy cấp cứu cần thiết, điều trị cho trẻ em, như: máy thở, máy truyền dịch, monitor v.v... còn thiếu. Trong khi đó, rất nhiều loại TTBYT trên toàn tỉnh đã bàn giao từ lâu, tới nay vẫn chưa sử dụng, đã hỏng, hoặc thiếu đồng bộ không dùng được. 

Đơn cử, Bệnh viện huyện Ea Hleo có hệ thống ô xy đã lắp, lúc dùng lúc không, 3 máy châm cứu mua rồi để đó. Trung tâm Huyết học & Truyền máu có máy miễn dịch hồng cầu dùng một thời gian rồi thôi, do lỗi phần mềm. 

Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Mgar có máy soi cổ tử cung giá 90 triệu đồng không sử dụng do “chưa có bác sỹ chuyên khoa sản” ở khoa khám; bàn mổ phẫu thuật chỉnh hình mua giá 382 triệu đồng không dùng được vì thiếu kinh phí mua máy C.Arm đồng bộ.

Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, năm 2012 được trang bị nhiều loại máy trị giá hơn 870 triệu đồng, đến nay các máy siêu âm xách tay 2 đầu dò, máy đo bụi môi trường cá nhân, máy điện tim vẫn chưa sử dụng. Còn máy phân tích huyết học và máy sinh hóa bán tự động giá 170 triệu đồng đã “đắp chiếu” từ tháng 9/2014 tới nay.          

Bệnh viện Đa khoa huyện M Đrắk, năm 2014 được trang bị một nồi hấp tiệt trùng 120 lít do Trung Quốc sản xuất giá 65 triệu đồng, tới nay vẫn “đậy vung để đó do công suất trên điện áp nguồn lớn”. Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ có máy đo điện tim mua năm 2012, năm 2013 bị hỏng, đem đi sửa chữa đến nay vẫn chưa mang về. Máy khí dung, nồi hấp tiệt trùng, bộ dụng cụ cắt Amidan mua từ năm 2012-2014 tới nay vẫn cất trong kho.

Bệnh viện Đa khoa Krông Năng có nhiều loại TTBYT mua đã lâu không sử dụng được vì thiếu đồng bộ, như dao mổ điện cao tần của Ý giá 210 triệu đồng, bàn mổ đa năng của Đài Loan giá 335 triệu, máy gây mê kèm thở của Đức giá 900 triệu v.v...

Tỉ lệ TTBYT được cấp từ các nguồn dự án của Chính phủ do Sở Y tế làm cơ quan đầu mối “đắp chiếu” lại càng lớn. Thanh tra tỉnh tiến hành kiểm tra 6/21 trạm y tế xã phường trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã phát hiện rất nhiều máy móc chưa sử dụng hoặc chất trong kho, trong đó có nhiều TTBYT có giá trị cao như: máy xét nghiệm sinh hóa, máy đo điện tim, máy siêu âm trắng đen... 

Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin báo cáo nhiều loại TTBYT tổng giá trị 1,9 tỷ đồng mà dự án cấp như: máy sinh hóa tự động, máy thở, máy phá rung tim, máy X quang di động, bộ nội soi trực tràng... không sử dụng được vì thiếu hóa chất, hư hỏng, thiếu thiết bị bảo vệ.

Giải trình với Thanh tra tỉnh, các đơn vị còn giải thích lý do “đắp chiếu” TTBYT là do đơn vị chưa có người sử dụng đủ chứng chỉ hành nghề theo quy định, một số danh mục kỹ thuật y tế mà Trạm y tế có thể thực hiện được thì không được thanh toán bảo hiểm y tế...

Gần 3 tỷ đồng mua máy tính... bỏ kho

Dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (BV TN) được tỉnh Đắk Lắk quyết định đầu tư xây dựng từ tháng 4/2009 với quy mô 800 giường bệnh, tổng mức đầu tư trên 1.098 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, giao Sở Y tế làm chủ đầu tư. Quá trình xây dựng, tỉnh cho phép Sở Y tế tách riêng chi phí mua sắm TTBYT, đề xuất thêm một dự án nữa cần tới 777 tỷ đồng để mua sắm TTBYT.

Khoa cấp cứu Nhi bệnh viện tỉnh thiếu rất nhiều máy.

Đến hết kế hoạch năm 2015 nguồn vốn bố trí cho dự án được gần 751,5 tỷ đồng. Công trình BV TN dang dở có khả năng tới năm 2017 mới đi vào hoạt động, con đường nối từ quốc lộ vào BV TN tới nay nhiều đoạn vẫn hoang vắng lầy lội...


Theo tìm hiểu, năm 2010, Sở Y tế quyết định việc dùng tiền gói thầu số 10 của dự án xây BV TN  (vốn không có nội dung mua sắm máy vi tính thiết bị văn phòng), để mua 111 máy tính bàn tổng trị giá trên 2,8 tỷ đồng, với giá hơn 23 triệu đồng/máy, từ Cty cổ phần Chương Dương (TP HCM)- đơn vị trúng gói thầu này với tổng giá trị 150.999 triệu đồng cho cả 2 phần việc xây dựng và lắp đặt thiết bị, dù họ không có ngành nghề lắp đặt thiết bị và kinh doanh máy vi tính.

Theo hợp đồng, công trình phải hoàn thành trước 27/2/2012. Mặc dù gói thầu này tới nay vẫn chưa được nghiệm thu bàn giao, nhưng Sở Y tế đã thanh toán cho nhà thầu trên 128,7 tỷ đồng, đạt 85,3% giá hợp đồng, trong đó đã trả tiền mua máy vi tính trên 2,25 tỷ đồng, dù đống máy này hiện vẫn còn chất trong kho của Cty cổ phần Chương Dương...

Trao đổi với phóng viên, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, Sở đã báo cáo về vấn đề trên với UBND tỉnh, nguyên nhân vì các lý do khách quan. Ngày 12/10/2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 7513 đồng ý với đề xuất cho Sở tiếp tục bảo quản cẩn thận số máy vi tính này để lắp đặt đưa vào sử dụng khi công trình hoàn thành dự kiến quý III/2016. Quan điểm của Sở đối với cả chuyện vi tính và kết quả thanh tra trên là đều sẽ “họp, rút kinh nghiệm”! 

Kết quả thanh tra cho thấy đây là sự lãng phí rất lớn, cố ý làm trái trong việc mua sắm các loại TTBYT chắp vá, hư hỏng, chưa sử dụng, thế nhưng khi kết luận vẫn chỉ xem đó là “khuyết điểm”, “sai sót”. Điều lạ nữa là Chánh Thanh tra khi kiến nghị xử lý chỉ yêu cầu “họp, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan” để báo cáo kết quả về Thanh tra tỉnh trước ngày 15/11/2015. Việc mua 111 dàn máy vi tính trị giá hơn 2,8 tỷ đồng từ năm 2010 tới nay vẫn chưa lấy về, Sở Y tế cũng chỉ xin “rút kinh nghiệm”.

(Còn nữa)