Dân phượt biết đến bản Phiêng Cành, còn đa số người dân Mộc Châu cũng chỉ biết tới bản Tà Số mà không hề biết đến xóm “Nguyên Thủy” lọt thỏm giữa vùng núi non có tiếng là xa xôi này. Cái tên “Nguyên Thủy” do dân phượt đặt, còn Hang Táu là tên gọi của người dân bản địa ở đây.
Gian nan đường đi
Nếu không có hướng dẫn viên bản địa, chúng tôi không thể tìm được ngôi làng nguyên thủy này. Ðường sá cực kỳ khó, chủ yếu là đường đất, đá lởm chởm kèm nhiều đoạn dốc ngược. Chúng tôi tới đây vào ngày nắng ráo đã vất vả như vậy, ngày mưa chắc phải quay về. Từ ngoài đường cái đi vào làng khoảng 6km, con đường đất đỏ sau nhiều trận mưa xối xả trơ đá, kèm rãnh, hố lớn tạo thành những “sống lưng trâu”. Lối mòn quanh co đó chỉ rộng chừng 60-80cm, xe máy chỉ đi được khoảng 3km, sau đó phải xuống đi bộ. Có những đoạn dốc dựng đứng, hẹp, chênh vênh bên vực núi. Chúng tôi không thể đi xe máy nhưng những người dân sở tại thì vẫn “phi” được vào tận làng.
Chính vì đường sá như vậy, nên hầu như không ai biết tới sự tồn tại của ngôi làng này. Ông chủ homestay nơi chúng tôi trọ ở tiểu khu 19/5, Thị trấn Nông trường Mộc Châu, người đã sinh sống ở đây hơn 50 năm, cho biết hồi ông tới Mộc Châu định cư, nơi đây vẫn còn rất hoang vu, hổ, báo, nai, hoẵng vẫn đi lại. Tuy nhiên ông chưa từng biết đến ngôi làng nguyên thủy này.
Vượt nhiều đoạn dốc, qua những nương ngô, vạt mận xanh mướt, Hang Táu hiện ra dưới thung lũng trong khung cảnh thật yên bình. Những chú lợn con nhẩn nha kiếm ăn, những chú bò thong dong gặm cỏ, lũ trẻ nô đùa bên những mỏm đá giữa thung lũng bao la, không một bóng người qua lại. Giữa thung lũng là đồng cỏ, bao quanh là núi đá và cánh rừng xanh. Cổng làng chỉ giản đơn là vài thanh gỗ nâu sần sùi, chủ yếu để ngăn gia súc chạy ra khỏi làng. Lối vào là những miếng gỗ tạo thành chiếc cầu nhỏ vắt qua đá để đi bộ và cho xe máy vào làng. Khi chúng tôi đang lò dò thì một thanh niên trong làng phóng xe máy vèo qua chiếc cầu gỗ nhỏ ra khỏi làng.
Người dân hiền hòa
Tiếp đón chúng tôi là anh Mùa A Tro, 46 tuổi, trưởng xóm Hang Táu. Anh cho biết, nơi đây có thể gọi là xóm, làng nhưng thực tế là một cụm dân cư riêng lẻ thuộc bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La. Xung quanh xóm có bản Phiêng Cành, bản Tà Phìn, xa hơn chút là xã Tân Lập, 100% người dân trong thôn là người Mông.
Anh Tro cho biết, ngôi làng này mới được người bên ngoài biết đến khoảng 2 năm trở lại đây. Một số nguồn tin xác nhận, ngôi làng này được một nhóm phượt, trong đó có Duy “la cà” phát hiện ra khoảng 2 năm trước. Bố của anh Tro là người khai phá đầu tiên. Vốn sinh sống ở bản Tà Số, khoảng những năm 1970, ông đi lạc vào thung lũng này, thấy nó đẹp quá, bèn vào phát nương, trồng ngô, nuôi lợn, rồi ở lại sinh con đẻ cái. Hiện nay, trong làng có 17 hộ dân (mỗi hộ có khoảng 5-7 nhân khẩu) thì có tới 7 hộ là anh em ruột nhà anh Tro, các hộ còn lại là anh em trong họ.
Thực ra, đây chủ yếu là nơi chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, tối đến nhiều người lại quay về bản Tà Số, nơi họ có ngôi nhà chính. Chỉ cuối tuần, trẻ con không phải đi học, cả gia đình mới ngủ lại đây.
Với cuộc sống quần cư như thế này, tôi hỏi: “Việc cưới vợ, gả chồng của dân làng thế nào?”; Anh Tro bảo: “Cưới xin thì vẫn phải lấy người ngoài họ chứ”. Hiện anh Tro đã có cháu nội, cháu ngoại.
Anh Tro kể, ngày xưa chưa có đường và cũng chưa có xe máy. Từ đây về bản Tà Số cách 3km, anh phải đi bộ một tiếng rưỡi. Ở đây, lợn, gà ăn ngô là chính, dân làng không cho mang đồ ăn lạ từ ngoài vào vì sợ dịch bệnh.
Anh Tro tâm sự, anh hài lòng với cuộc sống nơi đây, dù thiếu thốn đủ thứ. Thế nhưng khi có du khách tới thăm làng, gặp đúng giờ ăn trưa, gia đình anh vui vẻ mổ gà, mổ lợn đãi khách.
Khi hỏi anh có mong muốn gì không, anh chỉ mong ước có con đường “ngon lành”, chứ đường giờ vẫn gập ghềnh, khó đi. “Cuộc sống dù khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nhưng tôi không muốn thay đổi gì cả”, anh Tro nói.
Người dân nơi đây còn trồng một loại lúa đặc biệt, có khả năng phát triển trên những vùng đất cao, không cần đến nước. Hạt lúa tròn to, có mùi rất thơm, đồ xôi cực dẻo và ngon.
Ngoài cây lương thực, người Mông ở đây còn trồng nhiều cây gai để lấy sợi dệt vải. Thân cây gai thu hoạch xong, làm dập để tách phần sợi tập trung ở vỏ ngoài, sau đó đem phơi khô và xử lí qua nhiều công đoạn, rồi mới dệt thành vải.