Lắng nghe âm thanh ma quái phát ra từ lỗ đen khổng lồ trên vũ trụ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - NASA đã công bố một đoạn âm thanh đầy ám ảnh về các sóng âm thanh phát ra từ một lỗ đen siêu lớn, nằm cách xa chúng ta 250 triệu năm ánh sáng.

Hố đen nằm ở trung tâm của cụm thiên hà Perseus, và các sóng âm thanh phát ra từ nó đã được nâng tần số để thính giác của con người có thể nghe thấy được.

Âm thanh từ lỗ đen vũ trụ được NASA công bố vào tháng 5, là một loại tiếng hú lạ lùng, ma quái. Đây là lần đầu tiên những sóng âm thanh này được tách ra và nâng lên tần số có thể nghe được.

Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra sóng âm lan truyền qua một lượng lớn khí xung quanh lỗ đen siêu lớn ở trung tâm của cụm thiên hà Perseus vào năm 2003.

Con người sẽ không thể nghe thấy trực tiếp những âm thanh này bởi các sóng này có tần số âm thanh thấp nhất trong vũ trụ từng được con người phát hiện, thấp hơn nhiều so với giới hạn thính giác của con người. Những âm thanh này nằm ở 57-58 quãng tám so với nốt đô giữa (C4).

Các nhà khoa học đã “âm thanh hóa” dữ liệu thu được bằng cách tăng tần số lên 4 tỷ lần so với ban đầu, để tai người có thể nghe thấy chúng.

Việc ghi lại và công bố âm thanh của hố đen thuộc chòm sao Perseus là một trong các hoạt động của Tuần lễ Hố đen (Black Hole Week) năm 2022.

NASA cũng công bố âm thanh thu lại được trong quá trình chuyển từ dữ liệu ánh sáng trong tia năng lượng bắn ra từ hố đen của thiên hà M87, cách Trái Đất 53,5 triệu năm ánh sáng.

Một dự án “âm thanh hóa” vũ trụ khác đã được thực hiện bởi Erin Kara, nhà vật lý thiên văn của Viện Công nghệ Massachusetts.

Theo Sciencealert
MỚI - NÓNG