Vườn cà phê rộng 10.000m2 của gia đình ông Giàng Seo Pao (57 tuổi, ngụ thôn 5) đang rất xanh tốt, quả chi chít đầy cành, báo hiệu một mùa bội thu. Vườn còn được trồng xen sầu riêng và bơ, những loại cây ăn quả rất phù hợp với khí trời và chất đất bazan màu mỡ ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng. Ông Pao phấn khởi nói: Có căn nhà trú mưa, che nắng, mọi phương tiện sinh hoạt đều đầy đủ, ngoài ra còn có những khoản tích lũy phòng lúc ốm đau, hoạn nạn, như vậy là yên tâm rồi.
Chàng trai người Mông múa khèn |
Ông kể quê hương ông ở Hà Giang đồi núi trập trùng, đất xen lẫn với đá, chỉ có thể trồng lúa, mì và nuôi lợn, gà nên cuộc sống khó khăn lắm. Cách đây chừng 20 năm, gia đình ông cùng một số hộ khác rời quê di cư tự do vào Tây Nguyên. Ban đầu họ băng rừng lội suối vào tận tiểu khu 179 (thuộc địa bàn huyện Lâm Hà, nay là huyện Đam Rông) để phá rừng, lập vườn trồng lúa, ngô, khoai, mì. Không điện, đường, trường, trạm, nhiều người còn bị bệnh sốt rét “quật” nên cuộc sống rất thiếu thốn, con cháu thất học. “Chúng tôi phải xin hạt thóc giống của người dân địa phương về trồng mà vẫn không đủ ăn, phải lên rừng bẻ măng, đào củ dong, kiếm dây mây đem đi bán để mua thức ăn hằng ngày”, ông Pao hồi tưởng.
Trưởng thôn Sùng A Sáng (42 tuổi) cũng chia sẻ quê anh ở vùng đất khô cằn, sỏi đá thuộc huyện Bắc Hà (Lào Cai), nơi chủ yếu trồng ngô, nhiều người biết nấu rượu ngô, thổi khèn, làm mèn mén. Đến khi di cư vào Lâm Đồng, thời gian đầu, bà con cũng chỉ trồng ngô và đi làm thuê đổi gạo sống qua ngày. Dần dà người Mông có những thay đổi để phù hợp với nơi ở mới, chẳng hạn chấm dứt chuyện du canh du cư, học cách trồng cà phê để tăng thu nhập…
Cũng theo lời trưởng thôn, khói thuốc lá rất độc hại, gây bệnh cho cả người hút và người hít phải khói thuốc. Rượu thì các ông chồng uống vào sẽ say xỉn, không lo làm ăn, lại còn hành hạ vợ con khiến tình cảm gia đình bị rạn nứt. Vì thế, thôn đề ra quy ước “Không uống rượu, không hút thuốc lá, không tệ nạn xã hội” và vận động mọi người cùng thực hiện.
Ông Lý Sèo Quảng cho hay vào dịp lễ lớn, cả thôn tưng bừng với tiếng khèn và tiếng reo hò từ các hội thi ném pao, ném còn, đánh quay… Hầu như nhà nào cũng có các món ăn truyền thống như mèn mén, thắng cố, thịt gác bếp, nhưng không có cảnh tụ tập rượu chè.
Từ năm 2002, Lâm Đồng di dời 70 hộ người Mông đang phá rừng làm rẫy, du canh du cư trong các cánh rừng thuộc xã Liêng Srônh về khu định canh định cư thôn 5 xã Rô Men. Nhà nước đã đầu tư đồng bộ điện, đường, trường, trạm và có nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân làng Mông dần ổn định cuộc sống. Đến nay toàn thôn có hơn 170 hộ với khoảng 800 nhân khẩu.