Làng chè bảo bối trăm tuổi độc nhất Thủ đô

Làng chè bảo bối trăm tuổi độc nhất Thủ đô
Những cây chè có tuổi thọ 60-70 năm thì khá nhiều, còn những cụ chè cổ có tuổi đời lên đến hàng 100 năm còn khoảng 120-130 cây. Những cây chè bảo bối này chỉ để người dân trong thôn dùng, để biếu khách quý chứ nhất quyết không bán cho các vị đại gia.

Chè bảo bối: Mỗi nhà một cụ

Về thôn Giếng Cốc xã Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội), nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi hầu như nhà nào cũng có cây cao quá nóc nhà. Đó là các 'cụ chè' của làng với tuổi đời lên đến hàng trăm năm.

Ông Nguyễn Văn Lương người dân Giếng Cố tự hào: “Dân ở đây không giàu, nhà lầu xe hơi cũng hiếm, nhưng các 'cụ chè bảo bối' thì nhiều. Cụ chè nhà tôi đã được trên trăm tuổi rồi đó”.

Giải thích về tên gọi 'cụ chè bảo bối', ông Lương cho biết, các cây chè đều được truyền từ đời này sang đời khác, người dân quý chè hơn quý vàng mà mỗi nhà chị có một cây nên được coi như bảo bối trong nhà.

Ông Lương kể, hàng chục năm trước, nơi đây được gọi là vùng trồng chè nổi tiếng, nguời dân dựa vào cây chè để làm kinh tế nhà nào trong vườn cũng có vài chục cây, thậm chí nhà nhiều còn có hàng trăm cây. Nhưng gần đây, cây chè không còn mạng lại giá trị kinh tế nên nhiều gia đình đã chặt bỏ dần.

Tuy nhiên, sống và gắn bó với cây chè nhiều năm, người dân cũng quen với văn hóa uống chè xanh, vui cũng ngồi nhâm nhi bên chén nước chè, tám chuyện với mọi người, khi buồn phiền cũng nhấp ngụm nước chè để ngẫm lại chuyện buồn đã quá. Với người dân làng Giếng Cốc, có thể đói cơm nhưng chè thì không thể thiếu. Do đó, mỗi nhà giờ vẫn còn giữ lại một cây chè, coi nó là bảo bối truyền đời, ông cho hay.

“Nhà tôi ngày trước có cặp chè song sinh nằm ngay góc vườn, nhưng đến khi làm cổng phải chặt bỏ mất một cây đi mà tiếc đứt ruột. Đến bây giờ, mỗi khi ra nhìn góc vườn thấy thiếu vắng mất một cây là người lại bần thần như mất hồn”, ông nói.

Ông Nguyễn Hữu Thư, người sở hữu cụ chè lên đến hơn 200 năm tuổi cũng chia sẻ, thôn Giếng Cốc có khoảng hơn 200 hộ dân thì có tới 120-130 cây chè cổ, mỗi nhà hầu như còn giữ lại một cây để hái lá hãm nước uống nên lá chè nhiều khi được người dân quý hơn cơm gạo.

“Người dân trong thôn có văn hóa uống nước chè cổ thụ từ mấy trăm năm nay nên mỗi khi nhà này hết, cây không cho đủ lá để hãm nước uống thì sang nhà hàng xóm vay tạm vài nhánh chè chứ nhất quyết không chịu dùng các loại chè khác. Hoặc khi thèm quá lại chạy sang hàng xóm xin tạm một ngụm nhấp miệng”.

chè bảo bối, thần dược, thôn giếng cốc, cụ chè, chè cổ, truyền đời, 100 năm tuổi, ngôi làng
Mỗi cụ chè bảo bối ở trong làng có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm

Để giữ và bảo tồn được những cụ chè này, giúp cây chè không bị tổn thương và chết, dân làng thôn Giếng Cốc tuyệt nhiên không bao giờ đem dao, kéo ra đẵn cành, cắt cành. Ai nấy đều thuộc lòng nguyên tắc, mỗi lần hái lá, bẻ cành đều phải dùng bằng tay.

“Mọi người trong làng không ai giải thích được tại sao các cụ chè lại kỵ với dao, kéo. Chỉ biết, nhà nào mà dùng dao chặt cành, cắt tỉa lá chè là một thời gian sau cụ chè đó lăn đùng ra chết ngay”, ông Thư cho hay.

Nước chè bảo bối tốt như 'thần dược'

Ông Phùng Văn Lộc, người sở hữu hai cụ chè bảo bối ngon nổi tiếng trong thôn chia sẻ, nhà ông nếu nói đến chè 60-70 năm tuổi thì có cả vườn khoảng gần 100 cây. Còn nói đến cụ chè thì chỉ còn 2 cây duy nhất. Lá của hai cây này đem đi hãm nước uống có hương vị thơm ngon nổi tiếng trong làng.

Những cây chè 60-70 năm tuổi con tôi đang đánh gốc bán cho dân giàu ở Hà Nội về mua với giá 1 triệu đồng/cây. Riêng hai cụ chè kia thì gia đình giữ lại, nhất quyết không bán kể cả người mua có trả giá cao”, ông Lộc chia sẻ.

chè bảo bối, thần dược, thôn giếng cốc, cụ chè, chè cổ, truyền đời, 100 năm tuổi, ngôi làng
Nhiều người dân làng cho biết, nước chè bảo bối tốt như thần dược, giúp dân làng khỏe mạnh

Theo ông Lộc, các cụ chè bảo bối ở vùng này giống cũng chẳng khác gì giống chè của các vùng khác, chỉ là giống chè bình thường. Tuy nhiên, chè ở thông Giếng Cốc được trồng trên đất đá ong, nước pha chè được lấy từ giếng đá ong trong mát, ngọt lịm nên khi hãm, nước chè luôn có vị đặc biệt mà các vùng khác không có.

“Nói là có hai cụ chè bảo bối trong vườn, nhưng các cụ không cho nhiều lá. Do đó, gia đình cũng phải uống dè xẻn để mỗi khi Tết đến, tôi còn hái được một ít đem biếu người thân và các vị khách quý của gia đình”, ông nói.

Nói về chén nước chè của thôn làng Giếng Cốc, ông Lương cũng thừa nhận rằng chè ở thôn là chè sạch 100%, không có thuốc bảo vệ như những loại chè dân trồng thương mại, đặc biệt, chè cũng thuộc diện cổ thụ, có nhiều dưỡng chất cực tốt cho sức khỏe con người.

“Nhiều người còn nói chuyện uống nước chè nhiều có thể phòng được các bệnh ung thư. Do đó, người dân nơi đây coi nước chè như thần dược, phòng được đủ các bệnh”. Ông Lương nói và chia sẻ ngay về câu chuyện trong gia đình mình, nhờ vào những chén chè xanh mà các thành viên trong gia đình ông luôn cảm thấy sảng khoái, cơ thể được khỏe mạnh, không mắc phải bệnh tật gì.

“Ngày trước thời còn trẻ, cứ mỗi lần đi làm ruộng về, trong người cảm thấy mệt mỏi tôi lại vào nhà làm một cốc nước chè xanh pha kèm chút đường là người lại tỉnh táo ngay lập tức, cảm giác như vừa lấy lại được sức khỏe sau một ngày làm việc vất vả”, ông Lương tâm sự.

Theo ông Lương, không biết công dụng của loại chè cổ thụ trong vườn nhà tốt đến đâu, nhưng người dân ở thôn từ trẻ em cho tới các cụ cao niên luôn có một niềm tin vào thứ nước chè thần dược. Do đó, họ luôn lạc quan, yêu đời, tránh khỏi được không ít loại bệnh tật.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG