Đình chỉ 17 đăng kiểm viên và 2 dây chuyền đăng kiểm
Trả lời Tiền Phong về việc, sau kế hoạch cao điểm, xe cơi nới, quá tải lại lộng hành, CSGT giải quyết ra sao, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đối với công tác kiểm tra, xử lý xe cơi nới chở quá tải, không chỉ thực hiện đợt cao điểm này, mà sẽ tiếp tục làm thường xuyên. Theo đó, kết quả kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT toàn quốc từ 20/6 - 27/6, lực lượng CSGT đã xử lý 7.640 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; phạt tiền gần 30 tỷ đồng. Xử lý vi phạm về tốc độ 6.509 trường hợp, phạt tiền gần 10 tỷ đồng.
Núi Đinh, Vĩnh Phúc bị tàn phá. Ảnh: Nhóm PV |
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã xử lý 2.696 trường hợp, phạt tiền gần 12 tỷ đồng đối với phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ.
Trong đó, chở hàng quá tải trọng có1.734 trường hợp; xe quá khổ 335 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 284 trường hợp; cưỡng chế việc tháo, cắt thùng xe 118 trường hợp; thông báo tới cơ quan đăng kiểm 45 trường hợp; hạ tải 535 trường hợp.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch UBATGT Quốc gia |
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay, Cục CSGT thay đổi phương pháp xử lý. Cục CSGT thống nhất phối hợp với công an tỉnh, các huyện, xã thực hiện công tác điều tra cơ bản. Bước đầu thực việc này khá tốt. “Theo đó, khi phát hiện tổ chức, doanh nghiệp nào hay chở quá tải, cơi nới thùng, lực lượng công an vận động để họ tự khắc phục cắt thùng”, Thiếu tướng Đức nói.
Ông Trần Anh Quân - Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe Cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, đã đình chỉ 17 đăng kiểm viên cùng 2 dây chuyền kiểm định.
Cụ thể, Cục đăng kiểm thường xuyên thực hiện công tác thanh kiểm tra. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, Cục Đăng kiểm tiến hành tạm đình chỉ 17 đăng kiểm viên; tạm đình chỉ chức danh nhân viên nghiệp vụ kiểm định đối với 2 nhân viên; tạm đình chỉ hoạt động kiểm định 2 dây chuyền kiểm định đối với 2 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới và tạm đình chỉ kiểm định xe cơ giới đối với 1 đơn vị đăng kiểm trong thời gian 2 tháng.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm đã chủ động liên hệ với đại diện Cục CSGT, đề nghị cung cấp danh sách 45 phương tiện đã xử lý trong đợt kiểm tra để yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới cung cấp hồ sơ kiểm định như, kết quả kiểm định, hình ảnh thực tế phương tiện vào kiểm định.
Ông Trần Anh Quân thông tin thêm, thực hiện Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm triển khai nhiều giải pháp để tăng cường kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để đảm bảo quy trình kiểm định chặt chẽ, công khai minh bạch.
Hiện, công tác kiểm định xe cơ giới tham gia giao thông đã và đang được thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ thông qua: Giám sát qua camera IP: 100% các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã được trang bị hệ thống camera IP giám sát với đường truyền tốc độ cao. Toàn bộ hình ảnh trong quá trình kiểm định được truyền về Cục Đăng kiểm và lưu trữ tại đơn vị kiểm định tối thiểu 30 ngày.
Khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm trong quá trình hoạt động sẽ yêu cầu đơn vị đăng kiểm cung cấp hồ sơ và thành lập đoàn thanh tra xuống kiểm tra trực tiếp, các sai phạm được phát hiện sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Chống lưng, buông lỏng kiểm soát
Đội CSGT số 12, Phòng CSGT Hà Nội cắt thùng xe cơi nới |
Ở diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Trên dưới 10% xe quá tải hiện nay là xe chở từ trong mỏ, xe chở quặng. Phải thẳng thắn, đa số các xe này được bảo kê nên mới vẫn cố tình chở quá tải. Số xe liều lĩnh chở quá tải là rất ít. Điều này cho thấy, một số tỉnh thể hiện sự buông lỏng trong kiểm soát tải trọng xe”. Theo báo cáo, trạm cân tải trọng lưu động trước mỏ đá Kiện Khê, tỉnh Hà Nam bị hỏng. Nhưng khi được yêu cầu thực hiện nghiêm túc kiểm soát xe qua lại, hơn 20 xe được đưa qua cân cho thấy tất cả đều vi phạm.
Đại diện Tổng cục Đường bộ thẳng thắn, “số xe ngang ngược, coi thường quy định, vẫn chở quá tải là do có sự chống lưng nên mới dám cố tình”, vị đại diện nói.
Bên cạnh đó, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch UBATGT Quốc gia, đề nghị cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp phép khai thác khoáng sản, mỏ đất, đá, cát sỏi… cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt quy trình đối với đơn vị doanh nghiệp khai thác. Đối với doanh nghiệp khai thác, cần thực hiện việc cam kết đối với quá trình khai thác, vận chuyển.
Theo đó, đơn vị khai thác phải có trách nhiệm kiểm tra khối lượng khoáng sản trước khi rời khai trường theo quy định tại Nghị định 158 của Chính phủ. Bên cạnh đó, khi lực lượng chức năng, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện phương tiện có dấu hiệu cơi nới thùng, chở quá tải, vi phạm Luật Giao thông thì kiến nghị cơ quan cấp phép khai thác mỏ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến hoạt động xe cơi nới thùng, chở vật liệu quá tải, chúng tôi đã liên hệ với cơ quan chức năng để làm rõ việc quản lý khai thác tài nguyên, quản lý phương tiện, tuy nhiên có nơi bặt vô âm tín, điển hình như UBND tỉnh Hoà Bình.
Về việc 4 người tử vong xảy ra ở quả đồi bị xẻ thịt, xây biệt thự ở núi Đinh, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi nhận được thông tin của PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã có Văn bản 4387, ngày 30/6, gửi Sở TT&TT tỉnh này, đề nghị trả lời nội dung báo Tiền Phong về vụ việc 4 người tử vong xảy ra tại núi Đinh, xã Kim Long, Tam Dương. Tuy nhiên, đến nay, báo Tiền Phong chưa nhận được hồi âm từ Sở TT&TT Vĩnh Phúc.
Trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Hà Thị Son, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông thường, xe cơi nới ngoài hành vi vi phạm lỗi “tự ý thay đổi kích thước thùng xe” sẽ vi phạm thêm các lỗi như: “chở hàng vượt trọng tải cho phép”, “chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng”, “chở hàng vượt quá bề rộng thùng xe; chở hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe”…
“Quan sát bằng mắt thường, người dân có thể phát hiện phương tiện nào cơi nới, chở hàng quá tải, quá kích thước, lẽ nào cơ quan chức năng không phát hiện? Đây là dấu hiệu của việc “buông lỏng của cơ quan có thẩm quyền”, Luật sư Son nói.
Mãi lộ, bắt người đưa nhưng không xử lý được kẻ nhận
Vụ logo xe “vua” với 9 người đưa hối lộ lãnh án tù vụ án “mua bán logo xe vua” tại Đồng Nai, TPHCM từng gây xôn xao dư luận từ năm 2015.
Vụ án từng gây bức xúc dư luận khi có người môi giới, đưa hối lộ nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được người nhận hối lộ. Trong khi đó, Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân và các đồng phạm khác trong vụ án khai đưa hối lộ cho 80 cán bộ CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương để cán bộ CSGT bỏ qua lỗi xe quá tải của các tài xế mua logo.
Tháng 5/2022, TAND TPHCM đã tuyên phạt Nguyễn Cảnh Chân (cựu cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) 7 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Văn Thới bị tuyên phạt 13 năm tù, Trần Quốc Thái 9 năm tù, Lê Thị Cẩm Vân 3 năm 6 tháng tù và năm bị cáo khác nhận mức án từ 1 đến 3 năm tù, cùng về tội “Đưa hối lộ”.