Lần đầu hiệu trưởng đối thoại với học sinh: Thổ lộ chuyện khó nói

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong vòng hơn gần 3 giờ đồng hồ sáng 24/9, hơn 1.000 học sinh Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội) đã đối thoại với hiệu trưởng về chuyện yêu đương, áp lực học tập, kỳ vọng được thay đổi phương thức kiểm tra, dạy học…
Lần đầu hiệu trưởng đối thoại với học sinh: Thổ lộ chuyện khó nói ảnh 1
Học sinh đặt câu hỏi, trao đổi trong buổi đối thoại

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi cho biết, sau nhiều năm làm hiệu trưởng, đây là lần đầu tiên ông đối thoại với học sinh của trường để lắng nghe tâm tư, mong muốn của các em. Từ đó, thầy cô, nhà trường có sự chia sẻ, đồng hành cũng như hỗ trợ học sinh trong học tập lẫn cuộc sống.

Từ sáng sớm, hơn 1.000 học sinh đã ngồi ngay ngắn dưới sân trường để dự buổi đối thoại với người đứng đầu nhà trường. Dù lần đầu được tổ chức nhưng học sinh các khối lớp không ngần ngại “hỏi khó”, bày tỏ mong muốn với của mình. Có học sinh nói: Chúng con mong muốn có nhà vệ sinh sạch đẹp, khang trang hơn trong năm học mới? Trả lời vấn đề này, thầy Trung cho biết, nhà vệ sinh của trường là nỗi buồn, sự trăn trở của thầy trong suốt những năm qua. Vì trường chưa được đầu tư xây mới nên cơ sở vật chất khá tồi tàn. Khi tiếp quản trường, có được nguồn kinh phí đầu tiên để sửa chữa, cải tạo, việc đầu tiên nhà trường làm là ưu tiên xây dựng khu vệ sinh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế vì học sinh đông, số lượng phòng vệ sinh lại quá ít. Để đảm bảo sạch sẽ, trường thuê riêng 1 lao công chỉ làm nhiệm vụ lau dọn nhà vệ sinh.

Em Nguyễn Khánh Linh 11A2 cho rằng, học sinh hiện chịu nhiều áp lực học tập, nhất là chuyện giáo viên hỏi bài cũ đầu giờ. Thầy cô có thể đa dạng hoá phương thức dạy học, thu hút học sinh hơn không? Về vấn đề này, thầy Lê Xuân Trung tiết lộ, thầy từng nói với giáo viên, học sinh đến lớp có khi không thuộc bài môn này, môn kia là bình thường vì các em phải học cùng lúc quá nhiều môn. Chưa kể, cuộc sống còn phải dành thời gian cho giải trí, làm việc nhà. Khi tới lớp, thầy cô không nên quá gây áp lực học tập, có nhiều phương thức dạy học, hỏi bài để học mà chơi, chơi mà học. Tuy nhiên, đã là học sinh, các em phải xác định nhiệm vụ học tập là trọng tâm, dành nhiều thời gian, tâm sức để đọc kiến thức sách vở cũng như học lẫn nhau trong cuộc sống.

Có học sinh bày tỏ mong muốn, nhà trường phải xây dựng được Phòng tư vấn tâm lý học đường để là nơi “xả” mọi buồn vui khó nói. Về vấn đề này, thầy Lê Xuân Trung cho biết: Trường từng có tổ tư vấn tâm lý nhưng hoạt động rệu rã, học sinh cũng chưa tin tưởng tìm đến. Thời gian tới, nhà trường sẽ nỗ lực thiết lập lại phòng tư vấn tâm lý học đường, để các con có nơi giãi bày những điều khó nói.

Về chủ đề tình bạn, tình yêu học đường, khi được hỏi: Ai trong số chúng ta từng bị bắt nạt? Điều bất ngờ rất nhiều cánh tay đã giơ lên. Học sinh cho biết, mình từng bị bạn bè bắt nạt ở trong hoặc ngoài nhà trường nhưng các em đã lựa chọn phương thức tìm đến thầy cô, cha mẹ để chia sẻ và cần sự giúp đỡ. Trao đổi về vấn đề này, thầy hiệu trưởng mong muốn học sinh được chia sẻ những vấn đề khó khăn gặp phải trong quá trình học tập để nhà trường có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ học sinh kịp thời.

Có học sinh mạnh dạn bày tỏ mong muốn: Được làm hiệu trưởng 1 ngày. “Nếu được làm hiệu trưởng, em sẽ lắp điều hoà ở tất cả phòng học đồng thời khảo sát ý kiến học sinh đánh giá giáo viên. Khi đó, bọn em mong muốn được lựa chọn giáo viên dạy học tốt nhất cho từng môn học. Yêu cầu giáo viên đổi mới, đa dạng hoá phương thức dạy học. Ví dụ, giao dự án học tập, trắc nghiệm, tổ chức trò chơi, làm bài tập nhóm… để tạo hứng thú cho học sinh”, Vũ Lê Hoàng Anh, học sinh lớp 12A5 nói.

Khép lại buổi trò chuyện gần 3 giờ đồng hồ, hiệu trưởng trường THPT này tâm sự với học trò cũng như đội ngũ giáo viên, quan điểm của thầy là không có học trò nào hư, bỏ đi mà thầy cô chưa có phương pháp, tình yêu thương, bao dung học sinh. Trường học phải tôn trọng nét riêng, năng lực của từng em khác nhau.

Trả lời câu hỏi: Hiệu trưởng mong muốn thấy điều gì ở học sinh của trường, ông Lê Xuân Trung đề cập đến 5 yếu tố gồm: Sức khoẻ, ngoại ngữ, sự tự tin, tình yêu thương – lòng nhân ái và sống có đạo đức.Thầy muốn thấy nhất ở học sinh chính là mỗi ngày các em khoẻ mạnh tới trường. Chỉ khi khoẻ mạnh, các em mới có thể vui vẻ tham gia nhiều sân chơi cũng như học tập. Tuy nhiên, hiện nay, học sinh dùng mạng xã hội rất nhiều, ông bà, cha mẹ không quản lý được đòi hỏi các em phải tự giác, ý thức dành thời gian vừa phải trên mạng xã hội để học, ăn ngủ đúng giờ. “Các em không kỳ thị, nói xấu đặc biệt không dùng bạo lực cả thực tế ngoài đời và cả trên các trang mạng xã hội. Đó là những điều thầy mong mỏi”, một trong những điều ông Trung tâm sự với học sinh.

Về nội dung yêu đương, người đứng đầu nhà trường cho rằng, học sinh THPT ở độ tuổi 15-17 có những rung động đầu đời trong sáng, ngây thơ rất đáng được tôn trọng. Có lẽ, không ai có thể cấm cản các con có những tình cảm đẹp đẽ đó. Tuy nhiên, học sinh cần biết tiết chế, gìn giữ để tránh gây hậu quả, nhất là học sinh nữ, tránh tình trạng phải nghỉ học đột ngột để sinh con, nạo phá thai ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản về sau.

MỚI - NÓNG