Làm sống lại quá khứ hào hùng
Phục chế phim ở Việt Nam không phải ngành nghề phổ biến. Tuy nhiên, điều đó không khiến Viên Hồng Quang chùn bước. Từ những bản phục chế đầu tiên thời lượng 4-5 phút, cho tới cả một tác phẩm điện ảnh được phục chế màu sống động, chiếu trước hội trường lớn là hành trình nỗ lực suốt hơn 4 năm của Hồng Quang.
Xuất phát điểm là sinh viên ngành công nghệ thông tin Đại học Bách khoa Hà Nội, tình yêu lịch sử dẫn lối Hồng Quang gắn bó với công việc phục chế màu cho các tư liệu cũ. Từ năm 2019 đến nay, Viên Hồng Quang đã “tô” màu cho hàng trăm bức ảnh, nhiều video phỏng vấn các nhân vật lịch sử, trong đó có những thước phim giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được phục chế màu. |
Trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, Viên Hồng Quang mày mò phục chế các video tư liệu lịch sử bằng trí tuệ nhân tạo. Từ suy nghĩ vừa làm vừa nghiên cứu, anh nảy ra ý tưởng phục chế phim ngắn. Từ vài giây phim tài liệu với khoảng 24-25 hình chạy liên tiếp, Hồng Quang dần dần thử sức với những video có thời lượng dài hơn.
“Khi phục dựng tư liệu lịch sử, dù khó khăn về kinh phí nhưng tôi tâm niệm nếu không làm việc mình có thể làm, sau này sẽ hối hận. Tiền bạc có thể kiếm lại được, nhưng nếu lãng quên những bài học lịch sử ta sẽ phải trả giá đắt”.
Viên Hồng Quang
Video phục chế màu hoàn chỉnh đầu tiên mà Quang đăng lên mạng xã hội là tư liệu về cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1966 do Viện Nghe nhìn quốc gia Pháp thực hiện. Nội dung phỏng vấn trích từ bộ phim Hai miền Việt Nam. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại với phóng viên người Pháp câu nói: “Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một”.
“Chỉ một ngày sau khi đăng tải video phỏng vấn phục chế màu trên các nền tảng mạng xã hội, sản phẩm của tôi nhận được hàng chục nghìn lượt tương tác, bình luận tích cực. Có những trang đăng lại video, đạt tới cả chục triệu lượt xem. Đó là nguồn khích lệ để tôi tiếp tục những dự án phục chế lớn hơn”, Hồng Quang nhớ lại.
Những hình ảnh, video về nhân vật lịch sử như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng… được Viên Hồng Quang dành tâm sức để phục dựng dưới dạng tư liệu màu. Gom những sản phẩm đầu tiên, Viên Hồng Quang cho ra đời bộ sưu tập tư liệu mang tên Lịch sử thường thức. Anh muốn đưa lịch sử đến với người trẻ thông qua những thước phim màu phục chế.
Bản màu của phim tài liệu nổi tiếng Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân được chiếu lần đầu tại chính mảnh đất Quảng Trị anh hùng. |
Trong hơn 4 năm theo đuổi đam mê, anh chủ yếu tiếp cận nguồn phim tư liệu từ internet. Một số video được tải về từ kho tư liệu mở của các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP, Reuters. Trong đó, Hồng Quang tìm thấy các thước phim màu đẹp và quý, đặc biệt là nhiều tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khó khăn lớn của công việc phục chế là tôn trọng dữ liệu lịch sử, nhất là những chi tiết về trang phục. Bởi thế, có nhiều phần mềm tô màu cho phim nhưng Viên Hồng Quang không thể phó mặc cho công nghệ. Anh tâm niệm, trước khi bắt tay làm với máy, phải tìm hiểu thông tin lịch sử kỹ càng. “Phim phục chế dễ tạo ấn tượng với khán giả, nhưng chỉ cần một chi tiết sai sẽ dẫn đến nhận thức lệch về lịch sử”, Quang nói. Anh cũng chú trọng màu sắc phục dựng càng tự nhiên, chân thật càng tốt để nhân vật, câu chuyện vượt qua khoảng mờ của lịch sử.
“Quá trình phục chế cũng cho tôi cơ hội tiếp cận nhiều câu chuyện cảm động. Có những cảnh bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 chuẩn bị cắm cờ Tổ quốc tại cứ điểm vừa giành được bị trúng đạn và ngã xuống. Ngay lập tức, đồng đội phía sau lại tiến lên giữ cho lá cờ đứng thẳng. Đó là khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng sâu đậm về ý chí chiến đấu của thế hệ cha anh. Tôi quyết định phải làm mọi giá để những thước phim đó sống lại”, Hồng Quang tâm sự.
Anh nhận ra sự khốc liệt của chiến tranh không chỉ nằm ở những con số thống kê sau cuộc chiến. Người trẻ phải biết được những khoảnh khắc hy sinh không tiếc máu xương của thế hệ cha ông.
Hai dự án phục chế đáng nhớ
Năm 2021, Viên Hồng Quang bắt tay phục dựng một bộ phim tài liệu hoàn chỉnh - Vĩ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân. Khi ấy, anh vô tình xem được đoạn video phỏng vấn năm 1967, ghi lại hình ảnh một cậu bé 9 tuổi, sống ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Câu nói Cháu không sợ Mỹ của cậu bé khi nhìn thẳng vào ống kính gây ấn tượng mạnh với Hồng Quang.
Sau tìm hiểu, anh biết đó là cảnh trong phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân của đạo diễn Hà Lan Joris Ivens, từng gây chấn động dư luận phương Tây.
Anh Viên Hồng Quang chụp ảnh cùng phu nhân cố GS Tôn Thất Tùng - bà Vi Thị Nguyệt Hồ. |
Ký ức về quá trình phục dựng bộ phim nổi tiếng được Viên Hồng Quang kể lại với PV Tiền Phong đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2024). Anh nhớ lại, bản phim phục chế màu về mảnh đất thép Vĩnh Linh được chiếu lần đầu vào tháng 11/2022, trong sự kiện do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức.
Khán giả đặc biệt của phim là các nhân chứng, nhân vật của phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân, trong đó có bà Nguyễn Thị Xuân Phượng- phiên dịch viên cho đoàn làm phim - và ông Phạm Công Đức là nhân vật "em bé 9 tuổi cầm súng" trong phim.
“Đó là sản phẩm phục chế đầu tiên của tôi được chiếu trước đông đảo khán giả. Khi phim kết thúc, tôi nghe thấy nhiều tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng khóc. Nhiều học sinh, sinh viên cũng xúc động. Giây phút đó quá ý nghĩa”, Hồng Quang chia sẻ.
Dự án tiếp theo của anh vừa được khởi động vào tháng 4, gắn với bộ phim tài liệu nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thủy - Hà Nội trong mắt ai. Việc phục chế màu cho phim hoàn toàn phi lợi nhuận, nhằm cải tiến về chất lượng hình ảnh và âm thanh của phim. “Chúng tôi không chỉ mong muốn được phục hồi lại những sắc màu tự nhiên và chân thực của bộ phim, hy vọng mang đến cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ những trải nghiệm điện ảnh hoàn toàn mới mẻ và đầy cảm xúc với dòng phim tài liệu và chủ đề lịch sử”, Hồng Quang nói.
Anh tự hào khi khán giả trẻ có thể được nhìn những thước phim thật đẹp về Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.
Buổi chiếu thử đầu tiên được tổ chức vào ngày 9/8 tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương. Khi Hồng Quang và nhóm phục chế tới xin phép đạo diễn Trần Văn Thủy trước ngày chiếu thử, đạo diễn gạo cội đã khóc vì những thước phim của ông được “tô màu” sinh động bởi tâm huyết của người trẻ.
Dự kiến, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), nhóm dự án phục chế sẽ tổ chức buổi chiếu bản phim Hà Nội trong mắt ai được cải tiến thêm về màu sắc, âm thanh. Đó là món quà tri ân quý giá của người trẻ dành cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.