Thời xa xưa, tuần trăng mật có một sự hấp dẫn và quyến rũ kỳ lạ với những cặp vợ chồng mới cưới bởi sự hạn chế quan hệ tình dục trước hôn nhân. Việc hai vợ chồng sau khi cưới mới thực sự có sự tiếp xúc về cơ thể và tình dục đã tạo nên một sự hấp dẫn kỳ lạ.
Ngày nay, sự quyến luyến về cảm xúc gắn với đời sống tình dục trong tuần trăng mật đã giảm, bởi rất nhiều cặp vợ chồng đã trải nghiệm tình dục trước hôn nhân. Tuần trăng mật trong hôn nhân ngày nay thiên về trạng thái cảm xúc của cuộc sống chung giữa hai vợ chồng mới cưới: ở đó có sự tự do, chưa phải lo toan, chăm sóc con cái, v.v.
Tuy nhiên, “tuần trăng mật” của mỗi cặp vợ chồng có thể không kéo dài lâu. Đó là khi khủng hoảng hôn nhân hậu trăng mật xảy ra.
Chia sẻ với người hưởng lợi của Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt”, tiến sĩ – chuyên gia tâm lý học Nguyễn Bá Đạt cho biết, khủng hoảng hôn nhân sau tuần trăng mật xét dưới góc độ tâm lý có thể là sự ngỡ ngàng, bàng hoàng trong cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng sau đám cưới. Sự khủng hoảng này nếu ở mức độ nhẹ có thể giúp các cặp vợ chồng nhận ra khía cạnh thứ hai của cuộc sống: “màu xám” và mặt tối của hôn nhân. Việc này giúp họ thấu hiểu bản chất của hôn nhân và điều chỉnh kịp thời về hành vi để đạt được sự hòa thuận và hạnh phúc.
Nhưng nếu khủng hoảng hôn nhân hậu trăng mật diễn ra ở mức độ nặng thì có thể khiến cho cảm xúc căng thẳng và thất vọng len lỏi vào mỗi người, làm giảm niềm vui và hạnh phúc trong hôn nhân, thậm chí dẫn đến ly hôn.
Vậy điều gì xảy ra khiến cho khủng hoảng hôn nhân đến sớm ngay sau tuần trăng mật như vậy? Dưới đây là ba nhóm nguyên nhân chính:
- Trước khi cưới, mỗi người đều có một cuộc sống riêng với sự tự do nhất định, nhất là những người không ở cùng gia đình: từ giờ giấc sinh hoạt đến thói quen ăn uống, v.v. Nhưng sau khi cưới, sự tự do này bị ảnh hưởng nhất định, và có độ vênh giữa hai vợ chồng trong hành vi, nếp sống. Nhiều cặp vợ chồng giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả và tốt đẹp để duy trì hạnh phúc. Nhưng không ít cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc này. Họ không đồng thuận về cách thức tổ chức cuộc sống chung dẫn đến những cảm xúc hẫng hụt dần dần xuất hiện và gặm nhấm cuộc sống chung.
- Trong giai đoạn yêu đương, khi hai người sống ở hai ngôi nhà khác nhau, thỉnh thoảng đi ăn tối cùng nhau, nắm tay nhau đi chơi, thăm thú nơi này nơi kia, v.v làm cho cảm xúc yêu đương dâng trào và cuốn hút nhau. Nhưng khi về sống chung với nhau, cảm xúc này dần vơi đi và thay vào đó là cảm xúc… bình thường. Trong trạng thái cảm xúc như vậy, nhiều cặp vợ chồng đã diễn giải theo hướng tiêu cực.
- Cuộc sống bộn bề với nhiều thứ phải lo, nhất là công việc, khiến thời gian hai vợ chồng trẻ dành cho nhau để kết nối hai người và tận hưởng cuộc sống chung trong giai đoạn tuần trăng mật không được nhiều. Điều này khiến cho mỗi người cảm thấy hôn nhân chỉ là việc thực hiện trách nhiệm, vai trò nhằm làm hài lòng nhau một cách gượng ép.
Giai đoạn đầu của hôn đáng lẽ phải là giai đoạn tích trữ năng lượng yêu đương, niềm vui và hạnh phúc để giúp hai vợ chồng kết nối với nhau, thấu hiểu và cảm nhận về nhau một cách đầy đủ. Đó cũng là cách để có thể chấp nhận và yêu nhau nhiều hơn. Nhưng nếu khủng hoảng hôn nhân hậu trăng mật xảy ra thì sẽ dẫn đến sự nghi ngờ, hẫng hụt, nghiêm trọng hơn là sự thất vọng về hôn nhân. Những cảm xúc này nếu không hoá giải kịp thời sẽ gây ra những hậu quả lớn, khiến tình yêu trong hôn nhân sớm bị phai mờ và nảy sinh mẫu thuẫn, xung đột…
Tuần trăng mật mang lại nhiều giá trị và ý nghĩa đối với cuộc sống hôn nhân. Để cuộc khủng hoảng hôn nhân không xảy ra sớm sau tuần trăng mật, các cặp vợ chồng có thể thực hiện các cách sau:
(1) Sống trọn vẹn với nhau trong giai đoạn đẹp nhất của vòng đời hôn nhân.
(2) Thử nghiệm những vai trò và hành vi mới và thảo luận với nhau về cách thức thực hiện cũng như kết quả. Chẳng hạn như vai trò làm chồng, làm vợ, vai trò quản lý tài chính, v.v.
(3) Dành cho nhau thời gian nhiều nhất có thể để làm những việc cả hai vợ chồng thích thú.
(3) Trải nghiệm trọn vẹn và đầy đủ nhất về đời sống tình dục để hoà quyện với nhau.
(4) Nói chuyện và chia sẻ với nhau về việc sinh em bé đầu lòng.
(5) Tránh những hành vi nguy cơ làm hại hôn nhân.
Với những cách thức như vậy, mỗi cặp vợ chồng son sẽ kéo dài được tuần trăng mật và đẩy lùi khủng hoảng hôn nhân.
Dự án "Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt" năm 2022 do Quỹ Vì tầm vóc Việt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Dược phẩm Hoa Linh phối hợp triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH và BAC A BANK. Dự án nhằm mục tiêu cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người lao động trong các nhà máy – khu công nghiệp và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Một trong các hoạt động của dự án là truyền thông và tư vấn trực tuyến về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động nhằm giúp họ vượt qua các khó khăn về tâm lý ở giai đoạn hậu Covid cũng như các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình.