Làm sao để trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục?

TPO - Chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng về việc các bé trai, bé gái bị xâm hại, lạm dụng tình dục, lỡ mang thai ở tuổi vị thành niên, chúng ta không khỏi giật mình. Từ trường học đến gia đình đã trang bị kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho con trẻ, học sinh đến đâu? Mới đây, sự việc hàng loạt học sinh nữ lớp 3 bị thầy chủ nhiệm sàm sỡ lại càng khiến dư luận bất ngờ và sửng sốt.

Trước đó, nhiều bậc cha mẹ thường chỉ dạy con cách quan sát khi sang đường, không sờ tay vào ổ điện,... nhưng chẳng mấy ai chú tâm cách dạy con tự bảo vệ bản thân cho đến khi chúng đã lớn, hoặc đôi khi là quá muộn. Rất nhiều người chủ quan cho rằng, họ không hề nghĩ việc này có thể xảy ra với con cái của họ. Bởi vì chẳng bao giờ họ để con chơi với người lạ, các bậc cha mẹ này luôn cho rằng họ coi chừng, chăm sóc con cái rất cẩn thận. Trong khi thực tế, không phải ai cũng có thể kiểm soát được tất cả các hoạt động và những người tiếp xúc với con. Rất nhiều đứa trẻ bị xâm hại tình dục đều sống ở những khu phố có tình hình an ninh ổn định. Kể cả gia đình có nền tảng giáo dục tốt, học ở các ngôi trường tốt. Chúng bị xâm hại trong thời gian vui chơi, giờ nghỉ ngơi, ngay sân sau nhà, bên nhà hàng xóm, trên đường đi học về,... Đáng buồn là phần lớn các trường hợp trẻ bị chính người quen biết, ruột thịt của mình xâm hại. Giật mình hơn nữa khi các em bị chính thầy giáo chủ nhiệm sàm sỡ.

Dạy trẻ chưa đến nơi đến chốn

Nghe con trai học lớp 5 đặt câu hỏi: “Mẹ ơi, làm cách nào để trứng và tinh trùng gặp nhau? Bạn nữ bao nhiêu tuổi có thể mang thai và sinh con hả mẹ? Tại sao cô giáo con không giải thích nhiều câu hỏi khó hiểu mà các bạn nêu ra?... Nghe con trai 10 tuổi hỏi về chuyện nhạy cảm, khó trả lời ngay, chị Thu Hương (nhà ở TPHCM) giật mình, bối rối. Sau khi gạn hỏi cậu con nhỏ tuổi nhưng vóc dáng khá cao to, chị biết con mình mới học về chủ đề giáo dục giới tính với bài “Sự sinh sản”. Vì truyền đạt kiến thức chung chung theo sách giáo khoa, thiếu dẫn chứng cụ thể, giải thích nửa vời, thiếu cơ sở khoa học nên học trò thắc mắc, nêu nhiều vấn đề nhạy cảm khiến cô giáo lúng túng, không thể trả lời ngay.

Làm sao để trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục? ảnh 1 Ảnh minh họa: IBTimes UK

Theo các nhà giáo dục, trong chương trình mới, học sinh lớp 4-5 đã được tiếp cận với các vấn đề về giới tính, sự phân biệt giữa nam và nữ, được học về “Sự sinh sản”, “Vệ sinh tuổi dậy thì”… Dù đã có chủ trương giáo dục giới tính cho học sinh bậc tiểu học càng sớm càng tốt nhưng nhiều giáo viên lẫn phụ huynh vẫn có ý kiến, quan điểm khác nhau. Có không ít ý kiến nghi ngại, cho rằng giáo dục kiến thức giới tính quá sớm giống như con dao hai lưỡi và phương pháp dạy không phù hợp, nửa vời sẽ dễ kích thích trẻ quan tâm đến chuyện tế nhị này nhiều hơn, khó kiểm soát.

Tuy nhiên, kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy, họ dạy chuyện này cho học sinh rất sớm và cách dạy về giới tính rất tự nhiên, không khiên cưỡng như ở ta. Vấn đề đặt ra là giáo dục, truyền đạt kiến thức, kỹ năng sống, cách phòng vệ tránh bị xâm hại như thế nào để ở mỗi độ tuổi, lớp học các em lĩnh hội nó một cách đúng đắn, khoa học nhất. Theo một số hiệu trưởng trường tiểu học ở TPHCM, học sinh cuối cấp tiểu học, nhất là nữ sinh dậy thì rất sớm, vì thế rất cần giáo dục giới tính, phòng chống bị xâm hại, lạm dụng tình dục cho các em, nếu để lớn hơn thì quá muộn! Do chế độ dinh dưỡng, tác động phim ảnh, mạng xã hội…, học trò thời @ dậy thì sớm hơn, tò mò về giới tính và tự tìm hiểu khám phá đề tài nhạy cảm này nhiều hơn so với trước đây. Vì thế, trước mắt ngành giáo dục phải tiên phong đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục về giới tính cho phù hợp với từng lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin đa chiều của các em.

Làm sao để trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục? ảnh 2 Trẻ nên được dạy các kỹ năng bảo vệ bản thân từ khi còn nhỏ.

Song song đó, các bậc cha mẹ cũng phải quan tâm bảo vệ con mình bằng cách đồng hành, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa rủi ro, nguy cơ xâm hại luôn rình rập. Cụ thể, ở tuổi trước khi đi học lớp 1, cha mẹ nên chỉ cho con hiểu, chú trọng các bộ phận trên cơ thể quan trọng và tuyệt đối không cho người lạ đụng chạm, sờ mó vào, trừ cha mẹ, bác sĩ khám bệnh… Khi con mình lớn hơn hãy giúp con tự vệ, tạo ra kháng thể phòng tránh sự xâm hại, biết cách sống an toàn.

Sớm tố giác hành vi xâm hại tình dục

Gần đây, bộ phim “Hope” của Hàn Quốc dựa trên câu chuyện có thật về một bé gái 8 tuổi bị xâm hại tình dục được rất nhiều người quan tâm đặc biệt. Không chỉ bàn luận, chia sẻ câu chuyện để cảnh báo về nỗi đau mà ai cũng có thể nếm trải, họ cùng gióng lên hồi chuông báo động không thể dung thứ cho tội ác xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng. Nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực trẻ em, các nhà tâm lý học đã nhắn nhủ phụ huynh hãy dành thời gian quan tâm, bảo vệ con trẻ trong vòng an toàn, tránh xa nguy cơ rình rập của nạn xâm hại tình dục. Theo lời kêu gọi tha thiết của TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội), các bậc phụ huynh hãy tạm ngưng việc học thêm của con để dạy chúng sống an toàn, biết cách phòng vệ như thoát hiểm, bảo vệ bản thân...Phải chăng, nhiều bà mẹ, ông bố sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để bắt con học thêm, nhồi nhét kiến thức đủ kiểu, mong con thành tài, thành siêu nhân nhưng lại xem nhẹ việc bảo vệ bản thân non nớt, dễ bị xâm hại của chúng?

Th.S Lê Minh Huân (Phòng tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Lý Phong, quận 5 TPHCM) cảnh báo: “Rất ít học sinh nhận biết rõ, hiểu đầy đủ về các bộ phận riêng tư trên cơ thể và nơi nào đụng chạm vào sẽ không an toàn. Thậm chí, các em còn lúng túng, rối trí không biết xử lý đối với những hành vi vô tình hay cố ý đụng chạm vào cơ thể sẽ mất an toàn, nguy cơ bị xâm hại cao”.

Làm sao để trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục? ảnh 3

Các chuyên gia về tâm lý cảnh báo thực trạng có rất nhiều học sinh từng bị người quen hay dòng họ bà con, kể cả người lớn tuổi lạm dụng tình dục ở mức độ từ nhẹ đến nặng nhưng thường giấu kín nỗi đau, sợ nói ra sự thật. Thậm chí, nhiều nữ sinh ở các vùng quê bị xâm hại tình dục đến mang thai ở tuổi 13-15 nhưng câm nín chịu đựng, không dám tố giác kẻ lạm dụng, cưỡng bức tình dục. Vì thế, khi người lớn phát giác sự việc thì các em đã bị tồn thương nặng, bị sốc về tâm lý, sang chấn tinh thần nghiêm trọng.

Trẻ hào hứng trong giờ dạy kỹ năng sống

Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh cần phải được dạy những kỹ năng để chủ động phòng tránh vấn nạn này ngay từ nhà trường.

Một vài chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh đã được đưa vào trường học. Các em được tham gia vào nhiều trò chơi, được thảo luận nhóm để tìm hiểu về các bộ phận quan trọng nhất của cơ thể mình, được trang bị các kiến thức cơ bản về bảo vệ và cách phòng tránh xâm hại tình dục.

Một phụ huynh cho biết: “Theo tôi, cần dạy các con cách phân biệt các hành vi được gọi là xâm hại tình dục và các hành vi không phải xâm hại để có những hiểu biết đúng đắn; nhận biết các dấu hiệu của hành vi xâm hại tình dục và các cách bảo vệ bản thân khi nhận thấy các dấu hiệu từ đối tượng đó.”

“Trước đây, tâm lý người lớn thường hay e ngại việc dạy cho con những kiến thức về giáo dục giới tính. Hiện nay, vấn đề này cần để cho các cháu tiếp cận nhiều hơn nhằm tránh được các nguy cơ bị xâm hại”, cô giáo Ngô Thị Hồng Lương, Trường Tiểu học Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.

Mới đây, tại trường này đã diễn ra một buổi dạy kỹ năng sống đem lại cho các em học sinh sự hào hứng.

Đầu giờ, cô giáo Nguyễn Thị Phương Linh - chủ nhiệm lớp cho các em xem một đoạn phim hoạt hình kể về câu chuyện hai em bé sang nhà một chú hàng xóm để chơi. Tuy nhiên, người hàng xóm này sau đó đã có hành vi sờ soạng vào bộ phận nhạy cảm của một trong hai em đó khiến em này khó chịu.

Làm sao để trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục? ảnh 4 Cô giáo nói về các tình huống nguy hiểm trẻ có thể dễ bị xâm hại tình dục - Ảnh: Đình Tuệ.

Ngay sau đó, cô giáo đặt câu hỏi: Các con sẽ xử trí như thế nào nếu rơi vào hoản cảnh của em bé kia? Nhiều em giơ tay xin phát biểu, có em nói sẽ chạy nhanh về nhà vì sợ hãi và không nói cho bất cứ ai biết. Một em khác thì mạnh dạn cho rằng: “Em sẽ bảo chú hàng xóm đó không được sờ vào mông em như thế nữa, nếu chú còn làm thế cháu sẽ mách bố mẹ cháu”…

Sau khi thu thập đủ ý kiến phát biểu của học sinh, cô giáo phân tích: Trường hợp các em sang nhà hàng xóm chơi và bị người hàng xóm đó cố tình động chạm, sờ soạng vào các bộ phận kín của mình, các em cần yêu cầu người đó dừng ngay lập tức việc đó lại. Nếu vẫn không được thì cần hét thật to rồi chạy về nhà báo cho bố mẹ biết. Sau đó sẽ không sang nhà người đó chơi nữa.

Đồng thời, cô Phương Linh chỉ cho các em một trong các cách để chạy “thoát thân” nếu bị kẻ xấu tiếp cận và khống chế: "Khi có một người lạ mặt đến gần và đưa cho các con một đồ vật, đồ ăn nào đó các con có được cầm và ăn không? Tất cả lớp đồng thanh: “Không ạ”. Giả sử kẻ xấu cố tình ôm chặt lấy các con rồi tìm cách đưa đi khi đoạn đường đó vắng người thì các con sẽ làm như thế nào?

Em Ngô Vĩnh Lâm mạnh dạn nói: “Em sẽ vùng vẫy, cào cấu và đấm đá vào các bộ phận như mắt, bụng, cổ người đó để chạy về nhà ạ”. Còn em Nguyễn Ngọc Diệp lại đặt câu hỏi: “Nếu chúng con đã chạy rồi mà kẻ xấu đó vẫn cố tình đuổi theo thì nên làm như thế nào?”.

“Một trong các nguyên tắc các con cần nhớ là, khi bị kẻ xấu khống chế thì cần giãy giụa, vùng vẫy nhưng phải hét thật to “Cứu cháu với” để thu hút sự chú ý của người khác. Khi chạy thì cần hô hét lớn và tìm đến các chú Công an, các bác bảo vệ mặc đồng phục ở ven đường để nhờ trợ giúp.

Bài học là luôn giữ khoảng cách an toàn với người lạ. Không được đi một mình ở những đoạn đường vắng mà không có bố mẹ, người thân đi cùng. Nếu cảm thấy mình gặp nguy hiểm và bị xâm hại thì cần tâm sự với bố mẹ ngay để tìm hướng giải quyết”, cô giáo Phương Linh cho hay.

(Tổng hợp theo Đời sống & Pháp lý, Sài Gòn Giải Phóng)
MỚI - NÓNG