Làm rõ sự thật hay “rách đâu vá đấy”?

Làm rõ sự thật hay “rách đâu vá đấy”?
TP - Tại phiên toà sơ thẩm ngày 5/7, Chánh án TAND huyện Kiên Hải (Kiên Giang) ông Phạm Đình Thi một lần nữa quyết định trả hồ sơ đề nghị Viện KSND huyện này điều tra bổ sung vụ “cố ý gây thương tích” xảy ra tại xã An Sơn ngày 2/8/2011 vì “chứng cứ không đủ buộc tội cho bị cáo”.
Bị cáo Trần Toàn không thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu và kêu oan
Bị cáo Trần Toàn không thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu và kêu oan.

Trong vụ án này, bị hại không biết ai là người trực tiếp gây thương tích; các lời khai của bị hại mâu thuẫn, không rõ ràng. Kết luận giám định pháp y cho rằng thương tích do vật tày có cạnh sắc gây nên, nhưng chiếc xà beng do CQĐT thu giữ không phải là vật tày có cạnh.

Theo hồ sơ, vật chứng là cây xà beng không có mối liên hệ với bị cáo Trần Toàn. Biên bản thu giữ cây xà beng và một số vật chứng có dấu hiệu hợp thức hoá…

Vào khoảng 20h ngày 2/8/2011 tại ấp An Cư, xã An Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) xảy ra vụ đánh nhau giữa hai nhóm thanh niên làm Nguyễn Đăng Phùng (SN 1985) bị thương. Ngày 13/2/2012, Ngô Văn Bạc (SN 1982) bị khởi tố, bắt giam.

Sau khi bị bắt hơn 2 tháng, Bạc phản cung. Trước đó Bạc khai chỉ có một mình Bạc đánh Phùng gây thương tích trên đầu. Sau đó, Bạc lại khai có thêm Trần Toàn tham gia. Từ lời khai của Bạc, ngày 6/6/2012, CQĐT khởi tố, bắt tạm giam Trần Toàn (SN 1984), một ngư phủ không biết chữ. Mặc dù kêu oan, Toàn vẫn bị CQĐT cáo buộc đã dùng xà beng đánh vào đầu Phùng, gây thương tích 9%.

Biên bản xác định hung khí ngày 3/8/2011 do cán bộ điều tra Công an huyện Kiên Hải lập, có đóng dấu của Công an xã An Sơn, không có cây xà beng. Trong số các hung khí thu được gồm 3 cây dao, 2 cây bu-xong và cây gỗ, bị cáo Ngô Văn Bạc xác định đã dùng khúc gỗ ngang 3cm, dài khoảng 1m là hung khí đánh vào đầu bị hại Phùng.

Trong vụ án này, có 3 bản kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y tỉnh Kiên Giang. Bản kết luận ngày 11/11/2011 không nêu cây xà beng, chỉ ghi vật gây thương tích là “vật tày có cạnh”; sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên 11%.

Bản kết luận giám định bổ sung ngày 28/5/2012 không đề cập đến vật gây thương tích, chỉ bổ sung tỷ lệ thương tích. Ngày 2/8/2012, cơ quan này tiếp tục giám định bổ sung (sau khi Toàn bị bắt tạm giam) với vật chứng là một cây xà beng, một khúc gỗ và 2 cây bu-xong; kết luận lần này ghi: “Vết thương vùng đỉnh trán phải do vật tày có cạnh gây nên, phù hợp với cây xà beng gởi giám định”.

Một cán bộ Viện Kiểm sát nhận xét: Về mặt từ ngữ có sự mâu thuẫn; vết thương là do vật tày, nhưng lại phù hợp với “vật sắc nhọn” là không rõ nghĩa. Trong trường hợp này, lẽ ra phải trưng cầu giám định dấu vân tay, vết máu, hung khí gây án… ở Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh hoặc Viện kỹ thuật hình sự Bộ Công an, chứ không trưng cầu giám định pháp y. Giám định pháp y chỉ được phép kết luận vết thương do vật tày hay vật sắc nhọn, hay vật có đường kính gì đó… gây nên, chứ không được phép kết luận cụ thể nó là cái gì.

Theo hồ sơ vụ án, quá trình thụ lý giải quyết vụ án, CQĐT không chứng minh được nguồn gốc cây xà beng được bị can lấy ở đâu; sau khi gây án xong, cây xà beng đã được cất giấu, vứt bỏ thế nào; không chứng minh được mối liên hệ giữa bị can và hung khí gây án, cũng như vết thương trên đầu bị hại. Mãi đến ngày 10/5/2012 (hơn 9 tháng sau khi vụ án xảy ra) vật chứng, trong đó có cây xà beng, mới được làm thủ tục nhập kho.

Với hàng loạt mâu thuẫn giữa các tài liệu và những dấu hiệu vi phạm tố tụng như vậy, nhiều người theo dõi vụ án đặt câu hỏi: Liệu việc điều tra bổ sung có giúp làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, hay lại vẫn chỉ là “rách đâu vá đấy”?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG