nở rộ Mặc trang phục ngoại tại điểm du lịch văn hóa:

Làm phai nhạt bản sắc

TP - Cộng đồng mạng xôn xao về việc nhiều du khách mặc trang phục dân tộc nước ngoài chụp ảnh tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang, Lào Cai... Điều này dấy lên lo ngại trong việc giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa, đặc biệt là việc giữ gìn bản sắc dân tộc.

“Nở rộ” thuê trang phục ngoại lai

Hà Giang là một trong những điểm du lịch ngày càng hút khách, trong đó có trải nghiệm đi thuyền trên dòng sông Nho Quế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, con sông mềm mại quanh chân núi lại gắn với hình ảnh du khách diện trang phục Mông Cổ, Tân Cương…

Tương tự, nhiều du khách tới bản Cát Cát, đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai) thuê đồ và chụp ảnh theo phong cách Tây Tạng. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, dọc đường vào bản tấp nập những cửa hàng cho thuê trang phục nước ngoài. Một tiệm chụp ảnh có tiếng ở đây chuyên nhận gói chụp theo phong cách Mông Cổ. Cơ sở kinh doanh này có hơn 10 bộ trang phục để đáp ứng nhu cầu thuê của khách du lịch, song luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Chi phí cho một bộ ảnh dao động từ 1.500.000-3.000.000 đồng. Du khách có thể tự đặt trang phục với giá khoảng 400.000 đồng/người. Dịch vụ làm tóc, trang điểm theo tạo hình phụ nữ Mông Cổ, Tây Tạng cũng khá hút khách.

Làm phai nhạt bản sắc ảnh 1

Cần quảng bá mạnh mẽ hơn về trang phục truyền thống Ảnh: LỘC LIÊN

Nhiều ý kiến cho rằng việc mặc trang phục truyền thống của nước ngoài tại địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam sẽ “không phù hợp”, thiếu tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc. “Đáng ra người Việt phải mặc trang phục dân tộc Việt Nam, trang phục truyền thống của người Việt. Đây là hành động nông nổi”, PGS.TS Ngô Văn Giá, nguyên trưởng Khoa Viết văn - Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội nêu.

“Đáng ra người Việt phải mặc trang phục dân tộc Việt Nam, trang phục truyền thống của người Việt. Việc mặc trang phục nước ngoài ở một số điểm du lịch nổi tiếng là hành động nông nổi”. PGS.TS Ngô Văn Giá

Nhu cầu mặc trang phục dân tộc nước ngoài xuất phát từ việc giới trẻ chưa có đủ hiểu biết, yêu mến với văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng. “Không chỉ giới trẻ mà nhiều người thuộc thế hệ trước cũng không hiểu biết rõ về trang phục truyền thống dân tộc. Mỗi người cần thể hiện trách nhiệm, vai trò trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc bằng cách tìm hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống”, nhà thiết kế (NTK) chuyên phục dựng cổ phục Nguyễn Đức Lộc nói.

Việc nghiên cứu, sản xuất và quảng bá trang phục truyền thống Việt còn chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế NTK Nguyễn Đức Lộc đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần chung tay với các cá nhân, đơn vị, tổ chức nâng cao ý thức, sự hiểu biết từ đó quảng bá nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc.

“Khi hiểu và yêu văn hóa dân tộc, người dân sẽ tự giác thuê, mặc các trang phục truyền thống và chụp hình tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ tích cực cho những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống”, anh đề xuất.

Kịp thời chấn chỉnh

Tình trạng cho thuê, bán trang phục nước ngoài “nở rộ” tại các địa điểm du lịch đến từ sự quản lý lỏng lẻo, chưa sát sao của các nhà quản lý văn hóa của các địa phương. “Các cơ quan quản lý phải khẩn trương làm việc với các cơ sở cho thuê, bán trang phục dân tộc nước ngoài, bởi điều này liên quan đến thuần phong mỹ tục, gìn giữ bản sắc văn hóa. Cần cấm những cơ sở kinh doanh không hiểu biết về văn hóa, làm phai nhạt bản sắc văn hóa”, ông Ngô Văn Giá đề nghị.

Làm phai nhạt bản sắc ảnh 2

Dịch vụ chụp ảnh theo phong cách Mông Cổ ở bản Cát Cát hút khách du lịch nhưng dấy lên lo ngại làm phai nhạt bản sắc dân tộc

Ngay khi nắm được thực trạng và qua kiểm tra thực tế, Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang chỉ đạo chính quyền địa phương tuyên truyền các hộ kinh doanh không cho thuê trang phục cổ trang, trang phục nước ngoài mà tập trung vào trang phục các dân tộc của tỉnh Hà Giang, trường hợp cách tân vẫn phải bảo đảm phù hợp.

“Trước đây một số hộ kinh doanh nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Khi được tuyên truyền, họ rất vui vẻ hưởng ứng chủ trương chỉ cho thuê trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam và tỉnh Hà Giang”, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang chia sẻ. Các hộ kinh doanh đã cam kết ngừng cho thuê trang phục nước ngoài.

Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cũng kêu gọi du khách đặt may những bộ trang phục của các dân tộc thiểu số, giúp du khách đến Hà Giang tự tin mặc khi chụp ảnh. Việc này góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời giới thiệu văn hóa, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Giang.

“Mong du khách khi đến Hà Giang sẽ lựa chọn những bộ trang phục đẹp của các dân tộc, thay vì mặc những bộ cổ trang, hay mặc quá hở hang… Trang phục có thể cách điệu nhưng vẫn phải giữ được bản sắc. Mỗi khi có dịp quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong nước cũng như nước ngoài, tôi luôn tự tin mặc, giới thiệu bản sắc văn hóa của các dân tộc Hà Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế. Việc làm này khiến tôi thấy tự hào vô cùng”, bà Triệu Thị Tình bày tỏ.