Làm mới kinh điển theo kiểu 'Trư Bát Giới'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trư Bát Giới trong “Tây Du Ký” sẽ như thế nào khi bị “bứng” khỏi hành trình thỉnh kinh đánh quái và đẩy vào thế giới tương lai khi mà công nghệ đã phát triển vượt bậc? Đạo diễn đã làm thế nào để khán giả không phản đối chuyện phim “quá sai nguyên tác” mà vẫn hào hứng tiếp nhận, chưa kể, bộ phim còn càn quét một loạt giải thưởng điện ảnh danh giá?

Thay đổi để nhân vật “sống”

“Trư Bát Giới: Đại náo thế giới mới” là bộ phim hoạt hình lấy cảm hứng từ tiểu thuyết kinh điển “Tây Du Ký”. Ngay từ khi ra rạp, nó đã được đánh giá là thành công nhất trong số phim hoạt hình Đài Loan (Trung Quốc) từ 10 năm đổ lại đây.

Ngoài giải Kim Mã dành cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2023, tác phẩm này còn liên tiếp gặt hái được những thành công ở các liên hoan phim lớn như: Liên hoan phim AnimaVerso Festival (Brazil), Liên hoan phim Mùa Đông (Mỹ), Liên hoan phim Quốc tế Vancouver (Canada), Liên hoan phim Golden Kuker Sofia (Bulgaria)…

Các nhà phê bình phim thậm chí đã cho rằng “Trư Bát Giới” phiên bản Khưu Lập Vĩ đã tạo nên đỉnh cao mới cho phim hoạt hình Đài Loan (Trung Quốc).

Làm mới kinh điển theo kiểu 'Trư Bát Giới' ảnh 1

Trư Bát Giới phiên bản hoạt hình thu được thành công ngoài mong đợi

Tờ Seattle’s Child nhận định: “Trư Bát Giới gây kinh ngạc bởi phần hình ảnh tuyệt đẹp kết hợp cái nhìn u tối, hoành tráng về một xã hội tương lai đầy màu sắc”. Nhà phê bình Jeryl Koh cũng dành lời khen ngợi: “Đây chắc chắn là một trong những phim hoạt hình đáng xem nhất năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại”.

Trư Bát Giới của thì tương lai tất nhiên không giống Trư Bát Giới đi thỉnh kinh của những năm phong kiến. Cái giống nhất của lão Trư nay với lão Trư xưa có lẽ chỉ là tính ham ăn biếng làm, còn thì tài năng, tính nết, bối cảnh, thậm chí tinh thần nghĩa hiệp của Trư Bát Giới thì tương lai đều khác xa phiên bản cũ. “Ai rồi cũng lớn, ai rồi cũng khác”, có lẽ là một cách lý giải của đạo diễn họ Khưu dành cho nhân vật kinh điển này.

Được coi là một phiên bản “Tây Du Ký phong cách cyberpunk (khoa học viễn tưởng)”, “Trư Bát Giới: Đại náo thế giới mới” được đầu tư lớn về phần nhìn, nhằm xây dựng một thế giới giả tưởng choáng ngợp cho khán giả mọi lứa tuổi.

Hơn thế nữa, sự xuất hiện của Hứa Quang Hán (ngôi sao đang lên của điện ảnh Hoa ngữ) trong vai trò lồng tiếng cho Trư Bát Giới cũng là một điểm cộng khiến bộ phim hoạt hình này trở thành quả bom phòng vé.

“Điều tôi ngạc nhiên nhất là khán giả không phản ứng gay gắt khi một nhân vật kinh điển bị “làm khác” đi. Người ta vốn rất dễ bài xích những cái mới, những thử nghiệm, những thứ chưa từng quen thuộc trong khả năng tiếp nhận của họ. Nhưng điều này đã không xảy ra với bộ phim.

Khán giả tiếp nhận dễ dàng, và đầy thích thú, giống như thế này mới là Trư Bát Giới mà họ muốn, thế này mới là Trư Bát Giới của gen Z, của thời đại công nghệ số. Tôi nghĩ, làm mới, làm khác, để câu cũ tiệm cận với hơi thở thời đại mới là cách kéo dài sự sống của một tác phẩm kinh điển”, nhà phê bình Nguyễn Đăng Khôi nhận xét.

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên nhân vật Trư Bát Giới được làm mới. Kể từ năm 1986, khi bộ phim “Tây Du Ký” của đạo diễn Dương Khiết lên sóng, đã có hơn mười phiên bản Trư Bát Giới khác nhau lần lượt được “làm lại”, trong đó một số Trư Bát Giới rất khác so với nguyên tác như: Trư Bát Giới do Từ Tranh thể hiện, là Trư Bát Giới thông minh nhất, cũng là Trư Bát Giới đẹp trai nhất, hay là Trư Bát Giới của Lê Diệu Tường trong phim “Tây du ký” TVB với câu cửa miệng “tự cổ đa tình không dư hận, thử hận miên miên vô tuyệt kỳ” (từ ngàn xưa kẻ đa tình chỉ lưu lại mối hận, nỗi hận này kéo dài không bao giờ nguôi), trở thành một trong những phiên bản được khán giả yêu thích nhất.

Công thức làm mới thất bại ở Việt Nam

Trong số các tác phẩm văn học kinh điển ở Việt Nam, được làm lại nhiều nhất chính là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng sự thật đáng buồn là chưa từng có “Kiều” nào đạt được thành công như mong đợi.

Làm mới kinh điển theo kiểu 'Trư Bát Giới' ảnh 2
Phim “Kiều” chuyển thể từ tác phẩm cùng tên chỉ được nhắc vì nhiều cảnh nóng

Đầu tiên, phải kể đến phiên bản Kiều hiện đại của đạo diễn Othello Khánh trong “Sài Gòn nhật thực” (2007), trong đó Kiều là một nữ diễn viên nổi tiếng nhưng vẫn rơi vào cảnh bán mình để trả nợ cho gia đình. Các nhân vật Kim, Trọng Hải, bà Tú... được lấy cảm hứng từ Kim Trọng, Từ Hải, Tú bà...

Bộ phim được coi là một thảm họa phòng vé vì ngôn ngữ điện ảnh yếu, câu chuyện cải biên không thuyết phục khiến khán giả xem phim chỉ chăm chăm so sánh với nguyên tác.

14 năm sau “Kiều @” của đạo diễn Đỗ Thành An tiếp tục ra rạp và chỉ trụ được 6 ngày đã phải rút lui vì chất lượng không đi cùng quảng cáo. Bất chấp kỹ thuật one-shot (một cú máy) dài hơn 90 phút, bộ phim về đôi ả Tố Nga bỏ quê xuống phố lập nghiệp đã vấp phải phản ứng dữ dội của khán giả. Cốt truyện nhàm chán, cách kể rườm rà và hình ảnh “quê mùa” khiến “Kiều @” nhanh chóng bị lãng quên.

Mới đây nhất (2021), là “Kiều” của Mai Thu Huyền. Mặc dù chỉ lựa chọn một lát cắt của cuộc đời Kiều để đưa lên màn ảnh khi nhân vật này được Thúc Sinh cứu khỏi lầu xanh và đối mặt với cơn ghen từ Hoạn Thư nhưng số phận của bộ phim cũng không khá hơn “hai người chị em” của nó. “Kiều” bị chê dở trên khắp các mặt báo, thất bại về doanh thu và nhận lại sự tẩy chay của khán giả bởi “phim chả có gì ngoài cảnh nóng”.

“Không phải ai cũng có khả năng đứng trên vai người khổng lồ. Cover (làm lại) mà không hay, không hấp dẫn thì chỉ khiến khán giả quay lưng, nhà sản xuất lỗ vốn. Vấn đề chính ở đây theo tôi không phải cải biên thế nào, phóng tác ra sao, giữ lại bao nhiêu phần trăm nguyên tác, mà chỉ là làm thế nào cho hay thôi. Khi anh hay, khán giả sẽ tha thứ mọi sai lệch”, nhà phê bình Nguyễn Đăng Khôi kết luận.

MỚI - NÓNG