Bác sỹ làm ơn cho tôi biết, làm thế nào để cháu nhà tôi chịu ăn thịt? Ăn quá nhiều bí xanh có khiến sức khỏe của cháu bị ảnh hưởng xấu không thưa bác sỹ? (Lê Hương Linh, 31 tuổi, Thái Bình)
Trả lời:
Chào bạn!
Trẻ em đang độ tuổi này cần đầy đủ các chất dinh dưỡng để phát triển cơ thể, nhất là các sản phẩm đạm động vật. Đây là nguồn dinh dưỡng giúp trẻ xây dựng cơ bắp, tăng trưởng cân nặng, chiều cao và phát triển trí tuệ. Do đó, bạn cần tạo thói quen ăn thịt cho bé. Tuy nhiên vì bé sợ ăn thịt nên việc làm này cần phải kiên trì từng bước, không nóng vội, không ép buộc bé nếu không sẽ bị phản tác dụng.
Bé sợ ăn thịt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như thời kỳ ăn dặm không được ăn các món chế biến từ thịt, người chăm sóc làm các món ăn từ thịt không hợp khẩu vị với bé hoặc bé bị cho ăn nhiều món có thịt quá gây ác cảm. Nguyên nhân cũng có thế do sau ốm, cơ thể bé đang nhạy cảm, lại bị tiếp xúc với các món khó tiêu hay mùi vị mà bé cảm thấy khó chịu, gây sự kinh sợ đối với các món này.
Để bé có thể ăn được thịt, bạn cần cho bé làm quen dần dần và bạn cần tìm hiểu các vấn đề sau:
- Bé sợ tất cả các loại thịt hay chỉ sợ một số loại nhất định như thịt lợn, thịt bò…?
+ Nếu bé sợ tất cả các loại thịt: Bé sợ mùi thịt hay sợ phải ăn thịt? Nếu bé sợ mùi thịt, bạn có thể chế biến chúng cùng với các món rau thơm ngon như súp rau thập cẩm, súp nấm hương… Nếu bé sợ phải ăn, nhai thịt, bạn nên xay nhuyễn, băm nhỏ hoặc bắt đầu cho bé làm quen bằng các món cháo, canh, súp có nước thịt. Các món để bé làm quen với thịt nên bao gồm các thức ăn bé vốn đã yêu thích như bí xanh. Một số món bạn có thể tham khảo như: Bí xanh luộc cùng nước thịt, canh bí xanh nước dùng thịt, xương sườn hầm bí xanh…
+ Nếu bé chỉ sợ một số loại thịt: Bạn hãy cho bé làm quen các loại thịt động vật khác, dần dần cho bé tập ăn các loại thịt còn lại. Ví dụ: Nếu bé sợ các loại thịt đỏ (thịt bò, lợn…), bạn cho bé ăn thịt trắng trước như thịt cá, thịt gà… và ngược lại. Nếu bé không thích các loại thịt này, bạn có thể bắt đầu bằng các món trứng có mùi vị hấp dẫn như canh riêu trứng, trứng xào giá, trứng xào đậu….
- Bé sợ ăn thịt sau một đợt ốm: Có thể trong hay sau đợt ốm, bé phải ăn/ngửi một món thịt nào đó mà bé không thích, từ đó sinh ác cảm. Bạn cần tránh tuyệt đối cho bé ăn món đó hoặc nhìn/ngửi thấy chúng. Bạn nên thay thế bằng việc cho bé ăn các món có mùi vị, màu sắc khác món mà bé ghét.
- Bé sợ ăn thịt do trước kia bị ép ăn nhiều quá: Bạn cho bé ăn ít, chế biến lẫn với các món rau củ mà bé thích, không để bé nhìn thấy mâm cơm có quá nhiều thịt. Bạn có thể tạo sự hào hứng cho bé bằng cách cho bé ăn cùng bạn bè, tạo không khí vui vẻ, thi đua ăn.Tuyệt đối không ép bé ăn nếu bé sợ.
- Bé sau khi ăn thịt bị khó chịu trong bụng (đầy bụng, khó tiêu...): Điều này có thể do các bệnh về tiêu hóa, vì vậy bạn nên cho bé đi khám để bác sỹ chẩn đoán và điều trị
Về bí đao, đây là một loại quả có nhiều tác dụng tốt như giải độc, thanh nhiệt, cung cấp chất xơ giúp trẻ tránh táo bón. Ngoài ra bí còn giúp lợi tiểu, chống đái giắt, đái buốt... Tuy nhiên, cũng vì tính lạnh của bí đao nên bạn không nên cho bé dùng nhiều bởi bé có thể bị tiêu hóa kém hay lạnh bụng, tiêu chảy… Ngoài ra, hàm lượng calo trong bí đao rất thấp (chỉ 12 Kcal/100g), do đó, ăn bí đao trường diễn không thể cung cấp đủ calo cho bé. Khi chế biến món ăn, bạn nên phối hợp bí với các loại nguyên liệu giàu dinh dưỡng như sườn, thịt, phô mai…
Chúc bé nhà bạn hay ăn chóng lớn!
Bác sỹ Uông Thành
Đơn vị tư vấn chuyên môn:
Website: www.methongthai.vn
Email: tuvan@methongthai.vn
Số điện thoại: 04.628.151.22/ 0943.48.49.50
Địa chỉ: Phòng 2203 nhà 24T2 đường Hoàng Đạo Thúy, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội