Sứ mệnh lớn
ĐBQH có vị trí, vai trò rất quan trọng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước, thay mặt cử tri quyết định những vấn đề quan trọng, ông có thể kể một vài nhiệm vụ của ĐBQH?
Nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội là lập hiến, lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt là quyết định về ngân sách, tăng thuế hay không tăng thuế, đặt ra thuế gì, tức là tạo nguồn thu; chi tiêu như thế nào; thứ ba là giám sát. Từng ĐB phải ý thức vai trò đó của Quốc hội, cũng là của mình để xứng đáng hơn với vai trò là đại diện cho cử tri và người dân.
Tôi cho rằng, để đổi mới hoạt động, Quốc hội phải chủ động trong vấn đề lập pháp, tránh tình trạng chương trình xây dựng pháp luật chủ yếu do Chính phủ làm, có cái gì làm cái đó.
Theo đó, cần nâng cao vai trò của Ủy ban Pháp luật, coi đây là cơ quan tham mưu tổng hợp của Quốc hội, để làm hai việc: Chủ động trong xây dựng pháp luật từng năm và nhiệm kỳ; Rà soát để pháp luật thực sự mang tính hệ thống, tránh chồng chéo.
Bên cạnh đó, cần thành lập một Ủy ban Ngân sách (hoặc nâng cấp từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách). Cơ quan này chỉ tập trung vào làm ngân sách, tham gia ngay từ quá trình làm dự toán. Không để tình trạng làm dự toán xong xuôi như “ván đã đóng thuyền rồi” mới trình thẩm định. Có như vậy, Quốc hội mới có vai trò quyết định, năm tới ngân sách tập trung cho ngành gì, địa phương nào.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng số ĐB chuyên trách lên cao hơn, quan điểm của ông là gì?
Tôi nghĩ tăng là cần thiết. Nhưng kỳ họp phải thay đổi, khi Quốc hội họp toàn thể thì không cần họp dài. Họp quyết định những vấn đề quan trọng thì thời gian ngắn hơn. Giữa thời gian đó nên để cho ĐB chuyên trách làm việc, sau đó báo cáo Quốc hội. Trong 500 ĐB nên có 200 ĐB chuyên trách.
Tôi đồng ý trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, số chuyên trách có thể nâng lên 40%. Nhưng phải thực sự là những người chuyên nghiệp, tức là ngay từ đầu chọn nghề ĐBQH! Sự chuyên nghiệp này thể hiện ở chỗ gắn bó với cử tri, gắn bó với dân, chứ không phải chỉ “cố thủ” ở Trung ương.
Muốn chuyên nghiệp thì phải có điều kiện làm việc chuyên nghiệp. Nhưng chúng ta để chuyên trách giống như ông chuyên viên ngồi ở các ủy ban thì cũng chẳng khác gì bệnh viện chỉ lấy bác sỹ đa khoa, không có điều dưỡng, y tá, hộ lý. Bác sỹ nhận bệnh nhân, vệ sinh, tiêm thuốc, làm tất cả thì phí bác sỹ.
Yêu cầu quan trọng nữa là không hành chính hóa. Đại biểu chuyên trách trung ương và địa phương có địa vị pháp lý như nhau, chỉ khác là khi anh được phân công làm nhiệm vụ gì, ví dụ phó chủ nhiệm ủy ban, anh được phụ cấp về công việc của anh, chứ không phải đó là chức vụ quản lý.
Tránh tình trạng Ủy ban hiện nay có đến mấy cấp hàm nọ hàm kia, ngoài chủ nhiệm còn có phó chủ nhiệm rồi ủy viên thường trực, ĐB chuyên trách, ĐB kiêm nhiệm. ĐBQH này có thể “chỉ đạo” ĐBQH kia. Chính cái hàm hành chính làm chúng ta đi lệch lạc, không loại trừ người ta chọn đó là con đường để thăng quan tiến chức cho nhanh.
Xếp hàng phát biểu thì lãng phí
Cách đại biểu đăng ký phát biểu như hiện nay có phát huy được trí tuệ đại biểu không, thưa ông?
Chuyên trách phải đúng nghĩa. ĐB chuyên trách nghiên cứu rất sâu nhưng khi ra Quốc hội, cũng xếp hàng 7 phút như người khác thì lãng phí quá. Tôi biết, nhiều ủy viên chuyên trách ở các ủy ban nghiên cứu rất sâu, họ dành toàn bộ thời gian cho công việc đại biểu, còn một ông giám đốc sở thì làm sao có toàn bộ thời gian như vậy.
Cho nên quyền phát biểu cũng phải khác nhau, phải để họ thể hiện. Và trong một số nội dung thảo luận phải khuyến khích chuyên trách phát biểu tranh luận, qua đó ĐB khác có thể biết cái nào đúng cái nào sai, để quyết. Ví dụ hôm nay thảo luận Luật Căn cước công dân, tôi nghe ĐB phát biểu, tôi thấy sáng tỏ vấn đề...
Nhưng trong khi ĐB tích cực tham gia phát biểu ý kiến, có những ĐB hầu như 5 năm chẳng phát biểu gì, ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Cái đó thì cử tri sẽ phán xét chứ tôi cũng không thể phán xét được gì. Và tôi nói, cái gốc vấn đề làm sao ĐBQH gắn với cử tri. Sự tồn tại của họ giống như cá với nước. Đừng để ĐB chỉ gắn với Ba Đình, như thế không còn là ĐB nữa.
ĐB Trần Du Lịch
Đại biểu mà chỉ gắn với cấp trên thôi thì còn đâu là ĐB dân cử nữa.
ĐB Trần Du Lịch
ĐB chuyên trách ứng cử ở đơn vị nào, một tháng phải về làm việc ở đó bao nhiêu ngày, anh phải gắn với cử tri, những vấn đề của địa phương đó anh phải nắm bắt được, phải có tiếng nói. ĐB mà chỉ gắn với cấp trên thôi thì còn đâu là ĐB dân cử nữa. Nhưng mà lâu nay cá không cần nước, cần cái khác thì làm sao được. Và khi anh chọn một nơi ứng cử rồi, lần sau anh phải bám trụ ở đó; không thể có chuyện anh lại chạy tỉnh nọ tỉnh kia, không bám trụ được lại chạy chỗ khác!
Như ông đề xuất, có thể tăng đến 40% ĐBQH chuyên trách, liệu có dẫn đến bộ máy QH cồng kềnh hơn, chi phí gia tăng hay không?
Đúng là nếu giữ cơ chế hiện nay mà tăng chuyên trách là lãng phí tiền của dân. Cho nên phải thay đổi, như tôi vừa đề cập. Phải tăng hiệu quả, tăng chất lượng chứ không phải tăng bộ máy không làm gì.
Văn phòng của Đoàn ĐBQH nên được xem như một chi nhánh của Văn phòng Quốc hội ở địa phương, mỗi ĐBQH chưa thể có một văn phòng riêng thì các ĐBQH địa phương đó có một văn phòng chung.
Đoàn ĐBQH không phải là một định chế trong hệ thống mà là tập hợp các ĐB hoạt động trên một địa bàn để có sự phối hợp với nhau. Cũng không nên hành chính hóa trưởng, phó đoàn như những người quản lý. Trưởng, phó đoàn không có quyền ra lệnh cho ĐBQH. Chỉ có cử tri mới là người được “ra lệnh” cho ĐBQH.
Cảm ơn ông!