Jenny Hà:

Làm ăn ở Mỹ phải 'trầy vi'

Jenny Hà
Jenny Hà
TP - Cô nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ không chỉ bởi danh hiệu Hoa hậu cuộc thi Ms World America 2018 mà còn bởi hành trình khởi nghiệp đầy nghị lực. 

Sau 17 năm trên đất Mỹ, Jenny Hà đang làm chủ hệ thống làm đẹp sinh lời. Cô còn là một trong những giảng viên đào tạo thợ xăm thẩm mỹ đầu tiên trong cộng đồng người Việt.

Jenny Hà tên thật là Hà Thị Kim Ngân. Khi còn ở Việt Nam, cô đã chứng tỏ niềm đam mê nghệ thuật, văn hóa giải trí và có một số thành tích được ghi nhận: Giải ứng xử hay nhất trong cuộc thi diễn viên triển vọng 1997, giải đôi mắt đẹp của cuộc thi Hoa hậu Biển 1998 tại Nha Trang. Người đẹp từng sinh hoạt và làm MC cho trung tâm ca nhạc Bến Thành Audio, tham gia một số bộ phim và MV ca nhạc tại Việt Nam như:  Phim truyện nhựa “Mặt trận không tiếng súng” đóng với Trương Ngọc Ánh. Phim truyền hình “Dòng đời” đóng với Võ Sông Hương hay phim hài tết Sutzo sút zô đóng với các cầu thủ nổi tiếng thời ấy như Hồng Sơn, Huỳnh Đức…

Vỡ mộng “thiên đường”

Ở tuổi 20, cô  theo chồng bỏ cuộc chơi, sang Mỹ định cư, tại tiểu bang Louisiana. Người đẹp đặt chân đến xứ sở cờ hoa đúng ngày lễ độc lập của nước Mỹ, ngày 4 tháng 7 năm 2001. Vì không sống tại California, cái nôi nghệ thuật của người Việt ở hải ngoại nên Jenny Hà không có cơ hội tiếp tục niềm đam mê nghệ thuật. Cô còn nguyên cảm giác của những ngày đầu trên xứ người: “Một sự thay đổi lớn với tôi. Bởi khi ở Việt Nam tôi cũng như nhiều người trẻ mơ tưởng tới Mỹ là tới thiên đường. Đến đây mới hay thiên đường không tìm thấy”.

Kinh nghiệm sống còn non, xa lạ với phong tục tập quán,ngôn ngữ… cô đối mặt với thách thức hòa nhập và mưu sinh. Khi Jenny Hà tới một văn phòng xin việc, cô ngộ ra: Muốn đi làm văn phòng phải có bằng cấp. Tuy còn trẻ nhưng đã lập gia đình, theo đuổi sự nghiệp học hành vài năm, với cô là nhiệm vụ bất khả thi. Suy đi tính lại, Jenny Hà quyết định lựa chọn con đường đã được nhiều người Việt sang Mỹ định cư khai phá: Làm đẹp cho chị em phụ nữ. Nhưng khác với đa phần người Việt chỉ đi vào lĩnh vực làm đẹp móng tay, móng chân (nghề nail), Jenny Hà hướng tới làm đẹp khuôn mặt phụ nữ.

Sau đó, Jenny may mắn gặp được một vài người Việt Nam nhiệt tình, họ đã dẫn cô đi tìm hiểu thủ tục mở tiệm. Yêu cầu đầu tiên, cô phải chuẩn hóa bằng cấp. Khi ở Việt Nam, Jenny Hà đã học tất cả những môn làm đẹp dành cho chị em và được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên chứng chỉ ở Việt Nam lại không có ý nghĩa ở Mỹ. Nhưng cô đánh liều mang tất cả chứng chỉ trong nước đến cơ quan chức năng và trình bày hoàn cảnh của mình: Không có điều kiện đi học nhưng rất cần một công việc để nuôi bản thân, nuôi gia đình. Cô mong muốn được trợ giúp. Những lời chân thành của Jenny  đã khiến những người Mỹ có thẩm quyền thấu cảm, họ đưa cho cô một xấp tài liệu, bảo cô về nhà ôn luyện, tới ngày thi thì tới. Nhờ thế cô miễn được khóa học với học phí cả chục ngàn đô la, một số tiền không nhỏ với người phụ nữ trẻ bỡ ngỡ trên đất khách.

Nhưng học trên tài liệu để đi thi không dễ, bởi thời điểm đó ngôn ngữ là rào cản với Jenny. Cô lại gặp được một vợ chồng người Việt lớn tuổi có văn hóa, có tri thức. Họ thương cô như con gái nên chủ động dành thời gian mỗi tối giúp cô dịch tài liệu từ tiếng Anh ra tiếng Việt. Jenny Hà thức khuya dậy sớm ôn luyện, cô đã thi đậu ngay trong lần thi đầu tiên, chuẩn hóa  bằng cấp để mở cơ sở kinh doanh làm đẹp.

Làm ăn ở Mỹ phải 'trầy vi' ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ

Tiên phong dạy xăm trong cộng đồng Việt

Như đã nói ở trên, người Việt Nam qua Mỹ thường mở tiệm làm đẹp móng tay, móng chân vì dịch vụ này người bản địa ít làm, ít cạnh tranh. Tiệm của Jenny Hà hoàn toàn mới, khách hàng được trải nghiệm đầy đủ mọi dịch vụ: Làm đẹp lông mi, lông mày, chăm sóc da mặt, làm đẹp móng tay, móng chân… Ngay tại thành phố nơi cô sống cũng ít có những cơ sở đầy đủ dịch vụ làm đẹp như vậy: “Ở thời điểm 2002, phun xăm lông mày còn là dịch vụ mới mẻ. Dân bản xứ lúc đó cũng chưa biết xăm lông mày, phun lông mày là thế nào”, cô nhớ lại. 

 “Người ta học một tiếng, tôi phải học nhiều tiếng. Sau giờ học căng thẳng, tôi trở về khách sạn tiếp tục nghiền ngẫm, mở từ điển ra tra, có khi thức tới sáng mà vẫn không hiểu được một số từ”.

Jenny Hà

Jenny Hà đề cao chất lượng dịch vụ, cô tham gia chăm sóc tất cả gói làm đẹp của “thượng đế”. “Tiếng lành đồn xa”, hệ thống ngày càng đông khách: “Khác với người bản xứ họ mở tiệm rồi mướn người làm. Với tôi, tiệm như đứa con đầu lòng khiến tôi đặt hết tâm sức chăm chút”. Sau một tháng, tiệm làm đẹp của cô đã mướn thêm 2 người làm, tháng sau thêm 3 người nữa, tất cả đều là người Việt Nam: “Ở đây rất khó khăn để kiếm thợ, tôi ra chợ dán giấy tìm kiếm người. Một số người Việt cũng ra chợ tìm kiếm việc. Nên chúng tôi gặp nhau, cùng làm việc”, cô chia sẻ.

Coi trọng chất lượng dịch vụ nên khi mang thai và sinh con, Jenny Hà sang tiệm cho một người bạn, cô dồn vốn mở cây xăng. Khi con cái cứng cáp, cô  quay lại xây dựng hệ thống làm đẹp mới. Sau vài năm, Jenny mở rộng kinh doanh, lập tiếp tiệm làm đẹp thứ hai ở địa điểm khác. Nhưng qua một thời gian hoạt động cô quyết định chỉ giữ lại một hệ thống làm đẹp, để tập trung phát triển tốt nhất.

Khi facebook  thịnh hành, nhiều người Việt làm nghề kinh doanh ở Mỹ đã đưa sản phẩm lên mạng để chào hàng. Jenny Hà cũng tận dụng hiệu ứng của thời buổi công nghệ để giới thiệu sản phẩm xăm trên trang cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Cư dân mạng rất thích, bởi họ nghĩ người Việt chủ yếu qua Mỹ để làm móng (nail), chưa ai nghĩ tới làm xăm. Trong cộng đồng người Việt rất nhiều người  không biết tiếng Anh nhưng mong muốn học nghề xăm. Jenny muốn trở thành giảng viên để giúp đỡ bà con xa quê hương như mình: “Tôi có máu liều, máu điên nên một mình lặn lội bay qua tiểu bang khác, ăn dầm ở dề, xa gia đình, con cái để giành được tấm bằng dạy xăm”.

Cô cho biết, ngay  thời điểm này, tại Mỹ vẫn không có trường chuyên dạy xăm. Để trở thành giảng viên dạy xăm, người có nhu cầu phải tham dự lớp học của những cơ sở được cơ quan chức năng công nhận đủ năng lực cấp bằng, chứ không đơn giản là tìm đến những thợ xăm nổi tiếng học, sau đó tiếp tục truyền nghề. Qua quá trình tìm hiểu, Jenny Hà biết đến một công ty sản xuất mực xăm ở tiểu bang Texas, có mở lớp học để cấp bằng giảng viên dạy xăm. Năm 2007, cô bay sang Dallas (1 thành phố của tiểu bang Texas) tham gia lớp học. Khó khăn vô vàn với một học viên hạn chế về tiếng Anh như Jenny, bởi không đơn giản là ngôn ngữ giao tiếp, cô phải tiếp xúc với những từ ngữ, thuật ngữ của y khoa:  “Người ta học một tiếng, tôi phải học nhiều tiếng. Sau giờ học căng thẳng, tôi trở về khách sạn tiếp tục nghiền ngẫm, mở từ điển ra tra, có khi thức tới sáng mà vẫn không hiểu được một số từ, một số thuật ngữ y khoa. Có hôm tôi phải gọi điện về nhà để nhờ người thân quen đi hỏi giúp nghĩa của từ tiếng Anh khó”. Không giấu dốt, cô trình bày với các giáo sư về hoàn cảnh của mình, đề nghị các giáo sư giúp đỡ. Trước thái độ cầu thị của học viên, các giáo sư người Mỹ sẵn sàng ở lại “gỡ rối” cho Jenny. Chính những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam thật thà, khiêm tốn, chịu khó, tỉ mỉ đã giúp cô chiến thắng hoàn cảnh. Được công nhận trở thành giảng viên lĩnh vực xăm, Jenny mừng rơi nước mắt. Các giáo sư và học viên trong khóa học chúc mừng cô, họ chào đón cô tới nước Mỹ và ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ Jenny trong chuyên môn những khi cô cần.

Hiện nay, hệ thống làm đẹp mang tên Ugo của Jenny Hà đã đào tạo được nhiều thợ giỏi nhưng cô vẫn trực tiếp ở tiệm để chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, cô còn dành thời gian bay qua các tiểu bang khác dạy nghề xăm cho các học viên. Cũng có những học viên từ tiểu bang khác đến cơ sở làm đẹp của Jenny học tập: “Tôi không thích mở lớp lớn để giảng dạy, vì tôi muốn chăm sóc từng em cẩn thận. Chỉ một đường nét của họ sai, tôi biết liền. Nếu lớp đông, lỗi nhỏ sẽ bị bỏ qua”. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, Jenny luôn nhắc tới câu: Kiếm được đồng tiền vô cùng khó khăn. Khi học viên bỏ tiền tới học với cô, phải thu được kết quả tốt nhất, đó là trách nhiệm, là lương tâm của giảng viên. Đến nay, cô vẫn giữ tình bạn với các học viên. Jenny hạnh phúc khi các học viên tốt nghiệp khóa học của cô ra nghề đều vững vàng.

Song song với công việc làm đẹp cho phụ nữ, Jenny Hà còn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện. Hoa hậu Ms World America 2018  là thành viên  của nhóm “Ngọc trong tim” hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam trên toàn cầu. Cùng với hành trình khởi nghiệp thành công, giờ đây người đẹp đã tự tin giao tiếp, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Làm việc thiện để làm Người

Tôi hỏi Jenny Hà, vì sao cô tích cực tham gia công tác thiện nguyện? Jenny cười lớn: “Em chẳng biết nói làm sao hết á? Chỉ nghĩ đơn giản là làm việc thiện để làm Người thôi”.

Jenny Hà nói: Dù sống xa quê gần 20 năm nay nhưng những nếp sống, nếp nghĩ của người Việt vẫn in đậm trong cô. Jenny dạy cho con mình những câu ca dao, tục ngữ của Việt Nam về lòng nhân ái, bao dung: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Lá lành đùm lá rách”; “Thương người như thể thương thân”… Xa xứ, Jenny quan tâm đến quê hương  theo cách của riêng cô: Hỗ trợ âm thầm những hoàn cảnh không may trong cuộc đời. Nhưng hiện nay, công tác thiện nguyện cũng gặp nhiều khó khăn, do có không ít trường hợp lợi dụng lòng hảo tâm của người khác. Trước khi quyết định giúp đỡ một trường hợp nào, Jenny thường bỏ thời gian đến tận nơi tìm hiểu, hoặc thông qua những mối quan hệ thân tín để xác minh. Cô cũng không “khua chiêng gõ mõ” khi làm từ thiện. Từ quê nhà, có người viết lời cảm ơn Jenny qua trang cá nhân: “Cửa đã lắp. Tường đã sơn. Điện đã kéo về. Ngôi nhà đã hoàn tất. Dự định chủ nhật này 22/07/2018 sẽ cho chú Cường ngôi nhà mới. Đã hoàn thành tâm nguyện cuối đời của chú. Tạ ơn Chúa. Cảm ơn tất cả quý ân nhân và cộng tác viên đặc biệt là cô Hà Ugo (tức Jennny Hà-pv) đã giúp đỡ cho gia đình chú”. Nhân vật cần giúp đỡ tên Cường, đây  là một giáo dân ở Việt Nam đang bị ung thư gan giai đoạn cuối.

Đã 5 năm nay Jenny tham gia nhóm “Ngọc trong tim”, một nhóm hoạt động thiện nguyện dành cho người khuyết tật Việt Nam trên khắp năm châu, do nghệ sỹ Thành Lễ, một người anh kết nghĩa của danh ca Như Quỳnh sáng lập.

MỚI - NÓNG