Làm ăn ở chợ Bến Thành

Làm ăn ở chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành đã trở thành một trong những “điểm nóng” bán lẻ mới trên thế giới với một “làn sóng ngầm” cùng những “công nghệ” mua, bán đang hoạt động cực kỳ sôi động.
Làm ăn ở chợ Bến Thành ảnh 1
Một quầy kinh doanh tại chợ Bến Thành

Với giá sang nhượng một mét vuông sạp lên đến 230 lượng vàng, tương đương 173.000 USD, chợ Bến Thành (TP.HCM) được nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đánh giá hiện đang là nơi có giá đất sang nhượng đắt đỏ nhất thế giới, vượt xa cả khu đất vốn đắt nhất thế giới trước đây là Ginza, Tokyo (Nhật Bản) cũng chỉ khoảng 130.000 USD/m2.

Cũng vẫn giống như bao nhiêu năm trước, bắt đầu từ 4g sáng, ngôi chợ truyền thống và biểu tượng của đất Sài Gòn này trở mình thức giấc và hoạt động nhộn nhịp ở phía cửa Bắc với các sạp hoa quả và mặt hàng tươi sống loại cao cấp cung cấp thực phẩm cho các gia đình, quán ăn và nhà hàng lớn trong TP.

Đến 8-9h sáng, các quầy, sạp ở ba cửa chính Đông, Tây, Nam, các cửa phụ và trong lồng chợ... đồng loạt mở cửa đón khách từ khắp nơi đổ về.

Thoạt nhìn, chợ Bến Thành vẫn vậy nhưng ít ai biết được có những “làn sóng ngầm” sôi động bên trong đang biến nơi đây trở thành một nơi “hút” vốn và “luân chuyển” đồng vốn nhanh một cách chóng mặt.

Doanh nhân “chợ”

Chúng tôi thử đi một vòng các dãy sạp dọc ngang chợ Bến Thành. Nơi nào cũng diễn ra cảnh mua bán tấp nập từ khu vực các cửa ra vào đến khu nhà lồng chợ khá chật hẹp, oi bức. Nhà lồng chợ với bảy gian giữa lớn và sáu gian nhỏ bố trí ở hai bên, dày đặc các sạp lúc nào cũng tấp nập người vào, kẻ ra, chen chúc nhau ở các lối đi.

Những cô bán hàng trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc thời thượng, nói tiếng Anh, tiếng Nhật... như gió, lúc nào cũng nở nụ cười đon đả chào đón khách hàng. Những tiếng chào “Hello”, “Ni hảo” “Sawadee”... vang lên khắp nơi như các khu trung tâm thương mại quốc tế sầm uất.

Bà Trần Thu Nguyệt, Phó ban quản lý chợ Bến Thành, lý giải một trong những nguyên nhân khiến chợ Bến Thành ngày càng nhộn nhịp, sầm uất hơn so với một số chợ lớn khác ở TP đang gặp nhiều khó khăn chính là vị trí trung tâm TP và “thương hiệu”... Bến Thành.

Khách vãng lai, khách du lịch, nhất là Việt kiều, khách nước ngoài... đã đến TP.HCM thì đều thích ghé qua chợ Bến Thành, vì nó là đặc trưng văn hóa chợ của người Sài Gòn.

Do vậy, hầu hết các công ty du lịch, các hãng lữ hành... trong và ngoài nước đều đưa chợ Bến Thành vào tour của mình. Lượng khách du lịch, khách làm ăn đến TP.HCM ngày càng nhiều hơn nên chuyện buôn bán của tiểu thương chợ Bến Thành cũng ngày càng “dễ thở” hơn trước.

Các tiểu thương ở chợ Bến Thành ngày nay không còn là hình ảnh những bà lớn tuổi, buôn bán kiếm từng bạc cắc như ở các ngôi chợ truyền thống mà đều là những nhà kinh doanh thực thụ, biết nghiên cứu, áp dụng các “công nghệ” mới trong kinh doanh, không thua kém bất kỳ doanh nhân nào trong các lĩnh vực khác.

Bà H., chủ một sạp kinh doanh vải sợi, quần áo khá qui mô gần khu trung tâm nhà lồng chợ, nói bà đã gắn bó với ngôi chợ này gần 25 năm. Dù có bị các siêu thị cạnh tranh, nhưng so với hàng chục năm trước, chưa bao giờ người ta có thể buôn bán kiếm tiền một cách dễ dàng như hiện nay ở chợ Bến Thành.

Có một vài người chỉ cần sở hữu một, hai cái sạp nhỏ xíu nhưng có vị trí thuận lợi, gặp tháng “trúng lớn” có thể kiếm được bạc tỉ là chuyện bình thường. Tính ra có khi còn cao hơn cả doanh thu của những công ty kinh doanh đồ sộ.

Tuy nhiên, thu nhập thực tế của tiểu thương thì chỉ có người trong cuộc mới biết, hoặc là dân cùng kinh doanh mặt hàng biết “ngầm” với nhau. Bởi chẳng ai dại gì thừa nhận mức lợi nhuận thật sự của mình vì sợ thuế má, sợ các tiểu thương khác “dòm ngó”...

Do vậy, bà H. bảo chẳng có gì làm lạ khi có những cái sạp người ta sẵn sàng trả đến 600-700 lượng vàng mà chủ sạp kiên quyết không bán. Cái sạp của bà tuy không ở gần cửa ra vào nhưng cũng từng có người trả đến 300 lượng. Bà không đồng ý thì người ta nâng lên 350 lượng và có ý nâng giá lên tiếp nếu thương lượng không thành.

Tuy nhiên, theo nhiều chủ sạp, mức độ cạnh tranh trong buôn bán giữa các tiểu thương với nhau cũng rất khốc liệt mà các “doanh nhân” ở chợ muốn tồn tại được thì phải có “công nghệ” kinh doanh và “bí quyết” săn, giữ khách của riêng mình.

Công nghệ kinh doanh

Chuyện người bán hàng nói hai, ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa, Nhật... một cách thông thạo không còn là mới ở chợ Bến Thành. Theo một nhân viên ban quản lý chợ, ít nhất cũng có đến 80-90% nhân viên bán hàng của các quầy quần áo, mỹ phẩm, thổ cẩm, hàng lưu niệm... nói được ít nhất hai ngoại ngữ trở lên.

Bây giờ nhân viên bán hàng ở các sạp trong chợ còn được chủ cho đi học cả tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Đức và thậm chí học luôn cả tiếng... Campuchia.

Khá nhiều cử nhân, kỹ sư thậm chí cả thạc sĩ... con em các tiểu thương trong chợ sau khi tốt nghiệp lại quay về buôn bán ở sạp, nối nghiệp gia đình. Chính lớp người trẻ này đã hình thành nên một lớp doanh nhân mới ở chợ; khá năng động, bắt nhịp được với thời cuộc và biết tính toán căn cơ trong kinh doanh.

T.V.H., chủ ba sạp hàng lưu niệm, mỹ phẩm, quần áo, mới ngoài 30 tuổi, kế nghiệp ba mẹ quản lý các sạp, tự hào nói: để có thể “moi” được nhiều tiền của khách hàng vừa “dễ mà khó”.

Dễ là vì lượng khách, nhất là khách nước ngoài, đến chợ Bến Thành sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để mua sắm. Chỉ cần nắm được “gu”, thuyết phục được khách là kiếm được một khoản “kha khá”. H. bảo có ngày các sạp của anh bán hàng được cả chục ngàn USD. Cái khó là “công nghệ” moi tiền khách hàng được áp dụng như thế nào, bài bản ra sao.

Ba sạp của H. có tất cả sáu nhân viên, lương mỗi người 4 triệu đồng/tháng. Cả sáu người đều tốt nghiệp đại học và THCN. Trước khi vào bán đều phải trải qua một “khóa đào tạo” do chính H. và ba mẹ đứng ra hướng dẫn trong vòng một tháng, thử việc ba tháng. Mỗi tuần đều có họp “giao ban” vào cuối tuần. Nhân viên bán hàng phải học từ lời chào khách.

Lương giúp việc ở đây 3-5 triệu đồng là chuyện bình thường. Các chủ sạp sẵn sàng “săn” nhân viên giỏi của sạp khác đưa về và trả mức lương cao hơn. Mới đây, chủ một sạp giày dép đã nhận một nhân viên của sạp bên cạnh và trả lương 6 triệu đồng/tháng, cao hơn 2 triệu đồng so với mức lương cũ vì cô này xinh đẹp, giỏi ba ngoại ngữ, nổi tiếng là được lòng khách.

Từ việc không được chèo kéo khách, sau lời chào phải là hỏi thăm sức khỏe và tiếp đó là nghệ thuật “nịnh” khách. “Nịnh” khách có thể qua một vài câu nói, có thể là một bó hoa tặng người khách nữ đi chung... Cuối cùng là việc kiên trì, nhẫn nại “đấu trí” thuyết phục khách mua hàng.

Đây là khâu quan trọng nhất để lấy lòng khách nên phải biết nói chuyện khéo, có kiến thức rộng vì vừa phải tư vấn cho khách cách sử dụng, cách bảo quản, thậm chí cách đưa hàng... “lọt” qua hải quan đối với một số mặt hàng thường bị xét giữ lại.

H. chỉ tôi nhìn về phía trước quầy của mình. Một ông khách nước ngoài đầu hói, bụng phệ đang đứng trước các bức tranh thêu lưu niệm. Cô nhân viên bán hàng bước ra chào nhỏ nhẹ, sau vài câu xã giao bằng tiếng Anh, cô gái khen “nịnh” ông khách là một người có vóc dáng trông phúc hậu và thông minh. Ông khách cười có vẻ rất mãn nguyện.

Sau đó là chuyển sang câu chuyện về sông Hương, núi Ngự, những hình ảnh thêu trên bức tranh bày bán. Cuối cùng, khi đồng ý bán cho khách các món hàng với giá giảm xuống chút đỉnh, cô nhân viên ngọt ngào nói: “Thật ra chỉ vì anh thích nên em bán rẻ chứ trước nay không bán cho ai bằng giá này bao giờ...”. Cả khách và người bán đều cười rất tươi.

H. bảo đã bán hàng ở chợ thì phải nâng giá lên ít nhiều cho người ta trả dần xuống. Có ai đi chợ mà không thích trả giá? Nhưng nếu thuyết phục “khéo” như trường hợp vừa rồi thì anh đã lời... gấp đôi trị giá món hàng. “So với bán ở các cửa hàng, các siêu thị thì buôn bán ở chợ Bến Thành này là dễ bán nhất và thu được một khoản hời nhất”.

Thương hiệu ngày càng được các tiểu thương quan tâm như “nâng cấp” sạp sao cho lịch sự, bắt mắt, bảng hiệu phải thật ấn tượng. Bà Nguyễn Thị Thịnh, chủ sạp giày dép, túi xách Hạnh An, khẳng định: Để cạnh tranh, quan trọng vẫn là đầu tư mẫu mã và tạo dựng mối mang. Nhiều món hàng phải đặt thợ và có xưởng làm riêng, mẫu mã thì phải sưu tầm ở các catalogue của nhiều nước. Nhiều mặt hàng sau khi mua về còn được đầu tư trang trí, kết cườm, thêu tay riêng...

Nhiều sạp không chỉ sống được nhờ vào bán lẻ mà còn nhờ bán sĩ cho khách hàng các nước. Vài năm trở lại đây, khách du lịch Nhật và châu Âu, nhất là Việt kiều, thường tìm mối mang để cất hàng về nước bán hoặc sang nhượng lại cho bạn bè. Mỗi sạp chỉ cần một vài mối quen dạng này cũng đủ sống khỏe trong cả năm trời.

“Làn sóng” ảo?

Giá đấu thầu trước đây mà Ban quản lý chợ Bến Thành đưa ra chỉ khoảng 300-500 triệu đồng/cái sạp. Nhu cầu mua bán tăng theo qui mô thị trường trong khi số sạp lại không thể “nở” ra thêm đã làm giá sạp tăng nhanh.

Đồng thời, chợ vẫn còn giữ hơn 80% trong hệ thống phân phối hàng hóa, chiếm 2/3 doanh số của các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng nên có một cái sạp ở chợ Bến Thành vẫn là ước mong của nhiều tiểu thương. Theo thông tin của Sở Thương mại, nhiều năm qua, chợ Bến Thành luôn đứng đầu về các khoản giao nộp thuế.

Những thông tin về giá sạp “trên trời” như 500-700 lượng vàng, thậm chí từng có thông tin một sạp dự định được sang nhượng với giá 800 lượng vàng, không phải là không có cơ sở. Với giá này, người ta có thể sang nhượng một căn nhà mặt tiền khang trang ở các con đường lớn trong TP. Nhưng vẫn có người đồng ý bỏ ra để sang nhượng một cái sạp nhỏ chứng tỏ việc kinh doanh, hoạt động ở đây phải hiệu quả như thế nào.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương nói với chúng tôi rằng bên cạnh “làn sóng ngầm” đầu tư làm ăn ồ ạt ở chợ Bến Thành cũng có những “làn sóng” ảo thổi phồng chuyện giá cả ở ngôi chợ này.

Theo một thành viên ban quản lý chợ, giá sạp cao chỉ ở các trục chữ thập thuộc các cửa chính của chợ. Còn những sạp ở bên trong giá thấp hơn rất nhiều và khó sang nhượng. Trong 1.400 sạp ở chợ thì những sạp góc khuất giá chỉ 70-80 lượng vàng nhưng cũng không sang nhượng cho ai được.

Những “làn sóng” ảo đẩy giá sạp lên cao cũng chỉ nhằm nâng giá trị các sạp trong chợ để giúp các tiểu thương thuận lợi trong việc sang nhượng hay thế chấp tài sản.

Ông Phong, một tiểu thương bán khung làm bánh ở khu nhà lồng chợ, nói nhiều chủ sạp nói giá sạp “trên trời” cũng chỉ để tự nâng giá trị mà thôi. Chứ như sạp của ông được giá lắm cũng không quá 100 lượng vàng. Những sạp bán vật dụng gia đình cũng tương tự.

Nhưng ít ai “phiêu lưu” đồng ý sang lại cho người khác. Trong khi đó, cũng có người bỏ vốn hàng trăm lượng vàng đầu tư sang nhượng sạp rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Ông H.H., chủ một sạp quần áo được sang nhượng với giá gần 300 lượng vàng, cho biết: “Năm ngoái, tôi được một người quen giới thiệu có người sang sạp ở chợ Bến Thành. Nghĩ ngon ăn nên sang lại... Bây giờ việc kinh doanh không hiệu quả như ý, muốn rút ra nhưng không được. Vốn đầu tư sang sạp nằm chết một chỗ, muốn sang nhưng không tìm được mối”.

Trước đây, khi Chi cục Thuế quận 1, TP.HCM định tăng mức thuế khoán ở chợ thì rất nhiều tiểu thương phản đối vì cho rằng chỉ có một số sạp kinh doanh có “siêu lợi nhuận”, còn việc kinh doanh ở các sạp còn lại đang gặp khó khăn chứ không phải như những lời đồn.

Theo Vũ Bình - Hoài Trang
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG