Dạo quanh một vòng trên mạng xã hội với từ khóa “khóa tu”, “khóa tu ngắn hạn”, “khóa tu mùa hè” hàng trăm đến cả nghìn kết quả về các khóa tu trên toàn quốc xuất hiện. Thông thường, các khóa tu mùa hè thường kéo dài 7-30 ngày tùy theo quy định của từng ngôi chùa. Đây cũng là một hoạt động tiêu biểu của Phật giáo, được tổ chức để người dân trải nghiệm và học hỏi giáo lý nhà Phật, tu dưỡng tâm hồn, rèn luyện trí tuệ.
Các khóa tu mùa hè dành cho trẻ được nhiều phụ huynh săn đón |
Với mong muốn các con có thể học, hiểu các đạo lý làm người, cách sống tự lập và tăng tính kỷ luật, chị Trần Minh Ngọc (38 tuổi) tìm các khóa tu mùa hè cho con. “Trong năm học, con dành quá nhiều thời gian cho học tập, ít phải làm việc hoặc vui chơi, vì vậy tôi mong muốn cho con tham gia khóa tu mùa hè. Sau khóa tu tôi mong con hiểu biết hơn, vui vẻ hơn, nếu tự lập hơn thì càng tốt”, chị Ngọc chia sẻ.
Không chỉ các bậc phụ huynh tìm khóa tu mùa hè cho con, nhiều người trưởng thành cũng tìm đến các khóa tu ngắn hạn để tìm hiểu Phật pháp, tìm đến nơi khiến lòng mình an yên trong cuộc sống đầy xô bồ, bộn bề.
Nhằm lan tỏa, truyền bá Phật giáo các chùa cũng tổ chức các khóa tu ngắn hạn với các buổi thuyết pháp ngắn gọn, cách thiền định.
Cẩn trọng lừa đảo
Mới đây, thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, một nạn nhân tên H đã sập bẫy khóa tu mùa hè và bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng. Cụ thể, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H có kết nối với tài khoản Facebook Tu Sinh Mùa Hè. Đối tượng đưa chị H vào nhóm trên mạng xã hội Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy, vì họ là nhà tài trợ chính cho khóa tu. Khi mua vật phẩm, sau 3-5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền. Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền vật phẩm, chị H được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do: Sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, hoàn thành điểm tín nhiệm. Chỉ trong vòng 2 ngày, chị H đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Trước thông tin về các khóa tu mùa hè, khóa tu ngắn hạn nở rộ trên mạng xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có Thông báo số 100/TB-HĐTS do Thượng tọa Thích Phước Nguyên thay mặt Ban Thường trực ký.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cảnh báo, hiện nay có nhiều đối tượng lợi dụng uy tín và hình ảnh của Phật giáo nhằm kêu gọi tham gia khóa tu mùa hè đăng ký qua các nền tảng mạng xã hội bằng nhiều hình thức như: website, fanpage, hội nhóm trên nền tảng Facebook, Zalo… sau đó lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
“Với hành vi lừa đảo tinh vi thông qua việc giả mạo chữ ký của chư Tôn đức lãnh đạo GHPGVN, tự ý lợi dụng hình ảnh và thông tin của các cơ sở tự viện Phật giáo trong cả nước để thu hút sự tham gia của cộng đồng, đăng tải thông tin tài khoản để kêu gọi chuyển tiền bằng nhiều hình thức. Đây là hình thức lừa đảo, hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức, diễn biến phức tạp trên phạm vi diện rộng và đã có nhiều trường hợp là nạn nhân của các đối tượng này”, thông báo chỉ rõ.
Đại diện GHPGVN nhấn mạnh, nếu phát hiện các trường hợp như vi phạm, vui lòng thông tin đến Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tại địa phương hoặc các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh.