Chuẩn không cần chỉnh! Vậy đâu là mô hình lý tưởng, đâu là điểm sáng để các nước khác học tập và noi theo? Những cuộc hội thảo, hội nghị khu vực, vùng lãnh thổ được tổ chức nhưng vẫn khó chọn ra vị trí số một nếu không có một hội thảo toàn cầu.
Xứ ta tự tin đăng cai tổ chức hội thảo này. Có đến cả trăm báo cáo tham luận. Nước này đưa ra kinh nghiệm giám sát. Nước khác đưa ra bài học quản lý. Nhiều nước đưa ra vai trò của giáo dục, tuyên truyền, động viên, thức tỉnh tính thiện. Có nước khẳng định việc kích động lòng tự trọng và tính tự sỉ của đội ngũ công bộc thì mọi chuyện OK ngay…
Bao kinh nghiệm, bài học hay nhưng kết quả cuối cùng nước nào có đội ngũ công bộc trung thực nhất? Râm ran báo cáo số liệu. Chủ tọa cuộc hội thảo chuyển ngay báo cáo cho nhóm thư kí thống kê. Khán phòng hồi hộp chờ đợi và hy vọng. Một miếng giữa làng, dẫu sao đó cũng là danh dự, là thương hiệu quốc gia.
Những ánh mắt đổ dồn về những đại diện vốn có danh như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Pháp, Nhật…và người ta tin quán quân chắc sẽ thuộc về các nước ấy. Nín thở! Rồi chủ tọa cũng trịnh trọng gọi tên: Quốc gia có đội ngũ công bộc trung thực nhất đó là… đó là Việt Nam!
Nhiều người thì thào hỏi nhau: Có nhầm không nhỉ? Có câu trả lời: Chính xác đấy, bởi theo báo cáo của họ thì trong gần 1 triệu người diện kê khai tài sản chỉ có đúng 1 người bị phát hiện và chịu kỉ luật vì thiếu trung thực thôi!
Vỗ tay!