Lại kêu ca về phim lịch sử

Lại kêu ca về phim lịch sử
TP - Vừa ít, chất lượng lại không cao là nhận định dành cho dòng phim lịch sử của nhiều đại biểu tại hội thảo do Hội Điện ảnh VN tổ chức, xem ra không thay đổi là mấy so với hội thảo do Cục Điện ảnh tổ chức hai năm trước.

> Lại bàn cách giải cứu phim Việt

Được mời phát biểu đầu tiên tại hội thảo “Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam”, TS. Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh thừa nhận: “Hội thảo nào đó có thành công đến đâu cũng không thể tháo gỡ hay thay đổi ngay toàn bộ nền điện ảnh. Đó là điều không tưởng”.

Dẫu sao thì mỗi dịp hội thảo, các nhà làm nghề lại được dịp đào xới lại những vấn đề không mới, nhưng mãi vẫn chưa được giải quyết.

Nhà văn, nhà phê bình  Ngô Thảo: Làm phim lịch sử để  làm gì?

Tại sao mình cần phim lịch sử, chúng ta không rạch ròi được điều này. Lịch sử cần vì luôn cung cấp bài học về sự phát triển của dân tộc, chứ không chỉ là sự tôn vinh, chính nó làm nên văn hóa của dân tộc. Hiện nay xác định vai trò văn hóa của nước mình chưa ổn.

Các phim được cho là lịch sử không hẳn là lịch sử. Phim của người này với người kia cứ giông giống nhau, chỉ có sự kiện chứ không có con người.

Làm phim lịch sử hiện có hai khuynh hướng: Một là lý tưởng hóa quá khứ, tạo ra các nhân vật lịch sử rất đẹp, rất tuyệt vời mà ngày nay không có, như trường hợp Mạc Đăng Dung mà đại biểu nêu trong hội thảo. Khuynh hướng thứ hai là vì mục đích của mình mà các nhà làm phim bôi nhọ nhân vật lịch sử.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn: Rút tỉa lịch sử kiểu Shakespeare

Đạo diễn Trăng nơi đáy giếng cho biết, ông đang thu thập các nguồn tư liệu để làm phim về vua Thành Thái, Duy Tân và Hàm Nghi, cho cả truyền hình lẫn điện ảnh.

“Riêng điện ảnh Việt Nam có nhiều cái khó quá: Các nhà sản xuất phải đầu tư quá lớn, người làm phim phải làm trong hoàn cảnh khó khăn hơn các phim hiện đại. Nhưng theo tôi khó khăn nhất là nhìn nhận các nhân vật lịch sử thế nào cho đúng. Tôi làm phim về vua Hàm Nghi, không thể không nói đến hai nhân vật rất quan trọng là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Nhưng hai nhân vật này còn đang được nhìn nhận công, tội còn dè dặt, đang trong vòng tranh cãi”, đạo diễn chia sẻ bên lề.

Ông nói thêm, ở các nền điện ảnh khác, các đạo diễn có thể rút tỉa từng nhân vật, giai đoạn, thêm mắm dặm muối cho phong phú, như cách làm của Shakespeare về vua Henri, Charles chẳng hạn. “Hứng thú sáng tác phim lịch sử của các nhà làm phim có lẽ vẫn thế, nhưng quan trọng là các nhà sản xuất có bỏ tiền ra làm phim hay không, phim làm xong có đủ bù đắp kinh phí. Người làm phim chỉ làm khi được đặt hàng, chúng ta nên hỏi nhà sản xuất và nhu cầu thị trường điện ảnh”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đạo diễn cũng thừa nhận không thể đổ thừa cho lí do này nọ, phim hay, dở đều do tài năng của người làm phim. Làm phim gì cũng phải đòi có tài, làm phim lịch sử đòi hỏi nhiều thứ hơn.

Đạo diễn Vương Đức: Nói ít thôi

“Tất nhiên chúng tôi ủng hộ hội thảo kiểu này, nó khơi gợi, làm người ta chú ý hơn đến đề tài lịch sử. Nhưng nghề của chúng tôi là thực hiện, chúng tôi kêu gào được làm chứ không chỉ được nói”, Vương Đức nói.

“Thách thức lớn nhất là không được làm, vì hầu như không ai dám đầu tư quá lớn. Tôi mới đọc thông tin trên báo Lemonde (Pháp): Có đến hơn 200 phim về Jesu, hơn 100 phim về nhà tiên tri của đạo Do Thái, hơn 40 phim về nhà tiên tri đạo Hồi.

Trong khi trong suốt bao nhiêu năm qua, chúng ta mới có dăm bộ phim về lãnh tụ, mà chắc chắn phải làm nhiều hơn nữa mới mong có tác phẩm xứng đáng với chân dung, phẩm chất của Cụ.

Đầu tư thỏa đáng cho phim lịch sử

TS. Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh thông báo sắp ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện đấu thầu và đặt hàng các tác phẩm có đầu tư của nhà nước, dù Luật Điện ảnh có hiệu lực từ 2007.

“Đối với đề tài lịch sử chẳng hạn, Bộ VHTTDL giao Cục Điện ảnh đặt đề tài, khi có kịch bản sẽ tổ chức hội đồng tuyển chọn, mang tính chất đấu thầu. Khi chọn được kịch bản tốt, sẽ mua đứt bản quyền, để không xảy ra tình trạng tranh chấp.

Chủ đầu tư là Cục Điện ảnh dựa trên kịch bản tốt nhất, sẽ mời các hãng sản xuất phim nhà nước, tư nhân xây dựng dự án làm phim, và lại đấu thầu chọn dự án khả thi.

Cục sẽ ký hợp đồng với đơn vị sản xuất, có chế tài nếu vi phạm. Thời gian tới, Cục đề xuất Bộ đầu tư thỏa đáng cho phim lịch sử”, bà Ngô Phương Lan cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.