Lá xoài khô mất cơ hội sang Nhật vì tin tức không rõ ràng?
> Thương lái mua rễ cây lạ
> Thương lái Trung Quốc ép giá dưa hấu miền Trung
Lá xoài khô là một phế phẩm nông nghiệp thường được người dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà bỏ đi. Tận dụng đơn hàng từ Nhật Bản, một doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Tuy nhiên, đang có những tin đồn loại lá này bị thương lái Trung Quốc tìm mua với dụng ý xấu khiến nhiều người cảnh giác, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó.
Lá xoài khô xuất đi Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc. |
Ngày 24/3, trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Tuyến, giám đốc công ty P., trụ sở ở quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết thông tin trên. “Công ty được thành lập mới hai năm, là những bạn trẻ sinh năm 1983. Mua phế phẩm nông nghiệp là ý tưởng kinh doanh non trẻ của chúng tôi, rất khó để kiếm đơn hàng thì giờ đây có nguy cơ phế bỏ chỉ vì tin tức không rõ ràng”, anh Tuyến giãi bày.
Theo anh Tuyến, hiện nay bên Nhật Bản, xuất phát từ nỗi lo đất nhiễm phóng xạ sau sự cố động đất nên người ta tìm đến các loại đất sạch từ Việt Nam, Indonesia...
Loại đất sạch đó được chế biến từ các loại phế phẩm nông nghiệp như lá – bã mía, thân bắp... và lá xoài khô xuất thân từ vùng quê nghèo dưới chân đèo Cả, nhiều lần về quê và nhìn thấy ở Cam Lâm có nhiều cây xoài, mùa lá rụng có thể thu gom hàng tấn nên anh Tuyến thành lập công ty thu mua, mỗi ngày khoảng 10 tấn. Gọi là thu mua, nhưng thực chất là người dân tự gom lá khô lại bán cho doanh nghiệp theo đơn giá từ 800 – 1.100 đồng/kg.
Mới đây, báo chí rộ lên thông tin Trung Quốc sang thu mua lá điều. Chưa biết họ làm gì với thứ lá cây khô ấy thì dư luận râm ran, người Trung Quốc làm đất nghèo dinh dưỡng, ảnh hưởng đến cây điều. Ngay sau đó là các báo tiếp tục tìm hiểu việc thu mua các loại phế phẩm nông nghiệp khác, trong đó có lá xoài khô làm doanh nghiệp của anh Tuyến và những doanh nghiệp khác bị thiệt hại vì người dân lầm tưởng là Trung Quốc thu mua. Trong một diễn biến khác, UBND huyện Cam Lâm cũng ra văn bản chỉ đạo các xã khuyến cáo người dân không được bán lá xoài khô.
Theo anh Tuyến, tập quán trồng xoài ở Cam Lâm khác nhiều địa phương khác. Cây xoài Cam Lâm có thân to như cây cổ thụ chứ không nhỏ như giống xoài cát trong miền Nam. Mỗi mùa lá rụng, người dân thường gom lại rồi đốt bỏ vì lo ngại vi trùng và các loài sâu bệnh ủ dưới lá. Khi đốt bỏ lá, nguy cơ thứ hai dẫn đến là cháy rừng. Việc thu mua sản phẩm này làm cho người dân có thêm thu nhập và hạn chế rủi ro như trên. Hơn nữa đơn hàng của công ty là xuất qua Nhật, một đối tác có quan hệ đang rất tốt với Việt Nam.
“Là một doanh nghiệp và trước hết là người Việt Nam, chúng tôi luôn ý thức làm điều tốt cho cộng đồng, không vì lợi nhuận mà làm những điều ngược lại lợi ích dân tộc. Chúng tôi có đầy đủ tờ khai hải quan thể hiện nơi nhập khẩu là thành phố Chigasaki của Nhật Bản.
Hiện nay, sau khi UBND huyện Cam Lâm có văn bản, người dân không còn bán lá khô cho chúng tôi”, anh Tuyến nói. Theo anh Tuyến, hiện nay gần 60 lao động của công ty không có việc làm, trong khi đó đến cuối tháng 7 công ty phải có 700 tấn lá khô xoài xuất sang Nhật theo hợp đồng, nếu không đủ số lượng sẽ bị đối tác phạt theo những ràng buộc trong hợp đồng.
Theo Thanh Nhã
Sài Gòn tiếp thị