Kỳ vọng tăng lương, phụ cấp cho nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chính sách đãi ngộ có vai trò quan trọng để nhà giáo giữ lửa và thu hút người giỏi vào nghề. Nhiều năm qua, nhà giáo vẫn đau đáu với tiền lương vì vẫn chưa có một chính sách giải quyết được triệt để vấn đề này.

Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết năm nay, số lượng nguyện vọng đăng kí vào nhóm ngành sư phạm tăng tới 85%, tăng cao nhất trong các nhóm ngành đào tạo tuyển sinh năm nay. Chuyên gia đánh giá những thông tin về tăng lương, khả năng có việc làm, có chế độ đãi ngộ trong quá trình học đã có tác động tích cực đến thí sinh. Trong đó, chế độ đãi ngộ trong quá trình học, việc làm sau khi tốt nghiệp đã có hành lang pháp lí thực hiện là Nghị định 116 của Chính phủ ban hành năm 2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Vấn đề được nhà giáo trông chờ nhất hiện nay là chế độ lương và phụ cấp trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào. Ngày 1/7 vừa qua, lương cơ sở được điều chỉnh tăng chung, chưa có đặc thù của nhà giáo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội tại kì họp thứ VIII tới. Trong đó, có đưa ra một số chính sách cho nhà giáo bao gồm đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Kỳ vọng tăng lương, phụ cấp cho nhà giáo ảnh 1

Chất lượng giáo dục phụ thuộc một phần quan trọng vào đội ngũ nhà giáo. Ảnh: p.v

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng bộ cần định danh rõ khái niệm nhà giáo trong Luật Nhà giáo, đặc biệt là xác định rõ những đặc trưng nổi bật về vai trò, vị trí và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để làm cơ sở cho việc quy định các yêu cầu về quản lí nhà giáo phù hợp các đặc trưng của nghề dạy học - giáo dục trong giai đoạn mới. Nhà giáo không chỉ là viên chức, là lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục; mà quan trọng hơn, nhà giáo là nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước... Điều đó đặt ra những yêu cầu mới về tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ và chính sách đãi ngộ nhà giáo.

“Chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào một phần rất quan trọng là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần học tập không ngừng nghỉ của mỗi nhà giáo, các chính sách, môi trường làm việc, cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển nhà giáo như thế nào đóng vai trò quan trọng”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Ông Hiển bày tỏ hi vọng, Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được tốt mối quan hệ giữa ngành Giáo dục và ngành Nội vụ từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt, giải quyết được 2 việc cơ bản nhất là thu nhập nhà giáo và quyền tự chủ của nhà giáo.

Cần quy định thống nhất các yêu cầu về chức danh nhà giáo, chuẩn nhà giáo và chuẩn nhà giáo đứng đầu cơ sở giáo dục, làm căn cứ để quy định các chuẩn cụ thể tương ứng với từng chức danh nhà giáo, người đứng đầu cơ sở giáo dục của từng cấp học và trình độ đào tạo, áp dụng cho cả nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Ông Hiển chia sẻ tại Kết luận số 91 mới đây của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29/TW năm 2023 của Trung ương khẳng định nhà giáo thuộc thang bảng lương cao nhất, vậy nên đề xuất Bộ GD&ĐT khi xây dựng Luật Nhà giáo nên đưa ra thang bảng lương riêng cho nhà giáo để phù hợp với các chức danh được định danh sau này.

Đây là căn cứ quan trọng đề trả lương cho nhà giáo theo vị trí việc làm khi thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. “Nếu khắc phục được vấn đề thu nhập, tôi cho rằng tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc sẽ được khắc phục”, ông Hiển nói.

Kiến nghị nâng phụ cấp cho giáo viên Mầm non, Tiểu học

Khi trao đổi với phóng viên về vấn đề lương giáo viên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, khá dè dặt. Ông cho biết đây là lần thứ 3 ông cùng với ban soạn thảo của Bộ GD&ĐT đưa vấn đề tiền lương vào luật. Trong đó, lần thứ nhất là Luật Giáo dục 1998, lần thứ hai là Luật Giáo dục 2005 và lần này là dự thảo Luật Nhà giáo. Hai lần trước đều nhận được sự ủng hộ, kì vọng của xã hội cũng như nhà giáo nhưng khi trình Quốc hội đều không được thông qua. Lần này, tuy được đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo nhưng ông Tiến cũng nhận thấy có khó khăn là Nghị quyết 27 của Trung ương quy định lương trong hệ thống hành chính sự nghiệp như nhau, chỉ khác nhau ở phần phụ cấp. Vì vậy, rất khó để hiện thực hóa vấn đề lương nhà giáo xếp cao nhất trong thang bảng lương ở Luật Nhà giáo. Căn cứ duy nhất để thực hiện là Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo của Ban chấp hành Trung ương. Vì vậy, ông cho rằng, chỉ còn cách là ban hành một nghị quyết riêng về lương nhà giáo.

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện mới tăng lương cơ bản, còn trả lương theo vị trí việc làm vẫn cần thời gian nữa. Vì vậy, điều cần thiết trước mắt hiện nay là Bộ GD&ĐT kiến nghị nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giáo viên hiện nay đang được hưởng song song 2 phụ cấp bên cạnh lương là phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi. Trong đó, phụ cấp ưu đãi đang được thực hiện theo 6 mức, cao nhất là 50%. Năm 2022, Bộ GD&ĐT có trình Chính phủ tờ trình xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Tại dự thảo này, Bộ GD&ĐT đề xuất phụ cấp ưu đãi nhà giáo được thực hiện theo 8 mức, cao nhất là 100% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

MỚI - NÓNG