Ngày 4/12, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TPHCM cho biết, sau gần một năm đưa vào hoạt động tòa nhà mới được xây dựng từ nguồn ngân sách của thành phố song đến nay các gói mua sắm trang thiết bị vẫn chưa thể triển khai do vướng nhiều thủ tục. Sự thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đang ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. “Bệnh viện hy vọng những quy định mới từ Nghị quyết 98 của Quốc hội sẽ sớm đi vào thực tiễn để tháo gỡ khó khăn chung cho y tế”- lãnh đạo bệnh viện này chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề trên, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định 35/2021 của Chính phủ quy định, quy mô đầu tư các dự án trong lĩnh vực y tế phải có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên. Điều này khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn khi mời gọi đầu tư bởi trong bối cảnh sau dịch bệnh các bệnh viện cần kiến thiết nhiều hạng mục khác nhau từ cơ sở hạ tầng đến trang thiết bị phục vụ người bệnh, song không phải dự án nào cũng có tổng mức đầu tư lớn hơn hoặc bằng 100 tỷ đồng.
Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Public - Private Partnership gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
TS Vĩnh Châu cho biết : “Nghị quyết 98 của Quốc hội, các dự án theo hình thức đối tác công tư PPP sẽ không bắt buộc phải có quy mô đầu tư trên 100 tỷ đồng như quy định của Nghị định 35. Theo đó, HĐND thành phố sẽ quyết định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong các lĩnh vực đầu tư y tế, giáo dục và thể thao - văn hóa (quy định tại Điểm B, Khoản 5, Điều 4 của Nghị quyết 98)”.
Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết thêm, quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án về mức đầu tư PPP trong các lĩnh vực khám chữa bệnh cũng như y tế dự phòng, kiểm nghiệm sẽ có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận với hình thức PPP. Mới đây, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết số 16 quy định quy mô, tổng mức đầu tư tối thiểu theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục và thể thao - văn hóa. Theo đó, tại Điều 2 của Nghị quyết số 16 nêu rõ, tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế là từ 30 tỷ đồng trở lên.
Đây là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh triển khai, trong đó đáng lưu ý nhất là các dự án tại y tế cơ sở theo phương thức PPP.