Một Làng Chồ hiển hiện nguyên vẹn và sống động qua 66 bức tranh của 21 bạn sinh viên đến từ Khoa Kiến trúc và Khoa Mỹ thuật Ứng dụng, Trường Công nghệ (SET) thuộc Đại học (ĐH) Duy Tân đã thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu trong suốt thời gian triển lãm từ ngày 16-19/11/2023 tại Bảo tàng Đà Nẵng cũng như đang được truyền tai nhau chia sẻ rộng rãi.
Lấy tên gọi “Ký ức Làng Chồ”, các bạn sinh viên mong muốn gợi nhớ cho người dân Đà Nẵng nhớ về một vùng đất nhỏ trên mảnh đất Đà Thành với nhiều kỷ niệm cùng thật nhiều cung bậc cảm xúc trong quá khứ.
Triển lãm thu hút đông đảo du khách tham quan đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu |
Trong vòng hơn 8 tháng, các bạn sinh viên ĐH Duy Tân đã hoàn thiện tổng cộng 66 bức tranh, trong đó có một bức lớn nhất với kích thước 641x3000mm.
Để lên ý tưởng cho từng bức tranh, sinh viên ĐH Duy Tân đã tham khảo các tư liệu hình ảnh, video, cũng như qua các câu chuyện của những người từng sống tại Làng Chồ. Từ những tư liệu quý giá đó, các bạn đã chọn lọc thông tin và lên ý tưởng về bố cục, câu chuyện để truyền tải những cảm xúc thực vào từng bức tranh. Mang đến sự đa dạng và phong phú trong cách thể hiện, các bạn sinh viên trong CLB Trạm Ký đã sử dụng chủ yếu các chất liệu như kim, chì, màu nước, phấn tiên, chì than với kỹ thuật Ký họa Thâm diễn. Dưới bàn tay tài hoa cùng sự sáng tạo công phu của các sinh viên ĐH Duy Tân, các bức tranh được hoàn thiện đã tái hiện lại rất nhiều mẩu chuyện, khoảnh khắc, hình ảnh ý nghĩa về một Đà Thành xưa, góp phần tạo ra một không gian hoài cổ về thành phố ven sông ven biển này.
CLB Trạm Ký - nơi tập hợp những bạn sinh viên đam mê vẽ ký họa ở Đà Nẵng |
Trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, hơn 2.000 du khách đã đến thưởng lãm tại Bảo tàng Đà Nẵng. Triển lãm tranh “Ký ức Làng Chồ” không chỉ là một sự kiện văn hóa nghệ thuật mà còn là một cách để tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa của Tp. Đà Nẵng. Qua những bức tranh về không gian xưa, khán giả có thể hình dung và cảm nhận được cuộc sống của Đà Nẵng nhiều năm trước đây.
CLB Trạm Ký tiền thân là từ một nhóm các bạn sinh viên thuộc Khoa Kiến trúc và Khoa Mỹ thuật Ứng dụng, ĐH Duy Tân. Với sự dẫn dắt của sinh viên Nguyễn Anh Tài cùng mục đích thiết thực là chia sẻ kiến thức chuyên môn và niềm đam mê vẽ ký hoạ, CLB nhanh chóng thu hút rất nhiều bạn sinh viên ở các trường khác cùng tham gia như: Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH FPT Đà Nẵng, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung,... Từ 2018 đến nay, các thành viên đến từ ĐH Duy Tân thuộc CLB Trạm Ký đã tham gia đóng góp cho Khoa nhiều thành tích nổi bật như: vẽ tranh ký hoạ tặng các trường THPT, vẽ tặng tranh tường ở các địa phương, tham gia các cuộc thi Festival Kiến trúc với nhiều thành tích,...
Hiện CLB đang có các lớp trao đổi kiến thức và kỹ năng như:
- Vẽ ký hoạ chì, ký họa bút sắt, màu nước;
- Kỹ năng PTS, AI;
- Kỹ năng Digital Painting;
- Kỹ năng CorelDraw.
Ngoài mong muốn được phát triển hơn trong học tập, có môi trường để kết nối, giao lưu giữa các lớp, khóa, trường thì nhóm cũng luôn tìm kiếm và lên ý tưởng cho các dự án mang tính cộng đồng, tạo dựng các giá trị nhân văn và bảo tồn các giá trị văn hóa cốt lõi.Cùng ngắm nhìn các tác phẩm của “Ký ức Làng Chồ” tại đây nhé:
Tác phẩm “Đóm” của sinh viên Nguyễn Thị Nhân Hậu, ngành Thiết kế Đồ họa, ĐH Duy Tân (DTU) |
Tác phẩm “Ngóng” của sinh viên Trương Quang Đăng Dương, ngành Thiết kế Đồ họa, DTU |
Tác phẩm “Chồ thơ” của sinh viên Văn Viết Nam, ngành Kiến trúc Công trình, DTU (ảnh trái); và tác phẩm “Thơ” của sinh viên Châu Đức Tín, ngành Thiết kế Đồ họa, DTU |
Tác phẩm “Thả neo” và “Qua bữa” của sinh viên Nguyễn Anh Tài, ngành Kiến trúc Công trình, DTU |
Tác phẩm “Đêm lai rai” của sinh viên Nguyễn Hoàng Diệu Hiền, ngành Kiến trúc Công trình, DTU |
Tác phẩm “Đan” của sinh viên Nguyễn Anh Tài |
Tác phẩm “Anh Hai, ba mô?” của sinh viên Lê Anh Dũng, ngành Thiết kế Đồ họa, DTU |
Tác phẩm “Nhảy thúng” của sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Linh, ngành Thiết kế Đồ họa, DTU |
Tác phẩm “Thất thu” của sinh viên Nguyễn Anh Tài |
Tác phẩm “Hồi ức” của Nguyễn Anh Tài cùng tác phẩm “Chông chênh” của Văn Viết Nam |