Bà gọi con trai lên nhận lại em gái. Nước mắt nữ nghệ sỹ (NS) lăn dài trên má.Sân khấu cuộc đời bà éo le không kém những vở diễn đã từng lấy đi biết bao nước mắt khán giả...
Kẻ bắt cóc đáng thương
Ngày 4/3 vừa qua, 4 ngày sau cuộc trùng phùng đầy nước mắt với người con gái thất lạc 42 năm trước, NS Kim Cương quyết định ghé thăm nhà chị Trầm Như Ngọc Oanh để thắp hương nói lời tri ân với người đã cưu mang và nuôi dưỡng con mình. Căn nhà đơn sơ nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) đầy ắp tiếng cười.
Sửa soạn mâm trái cây đặt lên bàn thờ, bên di ảnh nữ y tá Trầm Thị Ngọc Ánh - người bà từng oán trách vì đã mang bé Thương Thương đi mất, NS Kim Cương nghẹn ngào: "Chị cảm ơn em đã dành cả đời lo lắng chu toàn cho con. Nghe nó nói sinh thời em cưng nó lắm, chị cũng mát lòng, mát dạ!".
Đứng cạnh kỳ nữ Kim Cương, chị Oanh mím chặt môi cố ngăn hai dòng nước mắt chực trào ra. Gần 40 năm sống trong khu lao động nghèo ở Xóm Chiếu (quận 4), chưa bao giờ chị Oanh dám tin mẹ mình là một nghệ sỹ nổi tiếng. Chị kể mình từng đến rạp xem mẹ Kim Cương diễn rồi được trò chuyện với bà và được bà vuốt tóc nhưng oái oăm là hai mẹ con không nhận ra nhau. Và, chị Oanh cũng không dám tin người mẹ suốt bao năm hết mực yêu thương, chiều chuộng, chấp nhận làm mẹ đơn thân để cưu mang và chở che cho mình lại là một kẻ bắt cóc.
Bé Thương Thương (trái) và nữ y tá Trầm Thị Ngọc Oanh. Ảnh: tư liệu gia đình |
Năm 2016, phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo, biết khó qua khỏi, bà Trầm Thị Ngọc Ánh kể hết sự thật và bảo chị Oanh đi tìm NS Kim Cương. Chị nói đã nhiều lần muốn gặp mẹ nhưng rồi không thắng được bản thân mình. Chị mặc cảm, sợ mang tiếng “gặp người sang bắt quàng làm họ” bởi bà là nghệ sĩ danh giá và giàu có, còn chị là dân lao động bình thường. Lần lữa mãi, đến lúc NS Kim Cương lần ra tung tích thì chị Oanh mới đồng ý đến trường quay nhận lại mẹ. Chị chia sẻ muốn tìm gặp Kim Cương để nói lời cảm ơn bà.
"Mẹ là người sinh ra tôi lần hai. Không gặp mẹ, lỡ có gì, tôi day dứt lắm" - chị nói.
Ôm con gái vào lòng, NS Kim Cương vỗ về: "Má biết con tủi vì không biết cha mẹ ruột của mình. Nhưng con phải biết là con rất hạnh phúc, rất có phước vì có tới ba bà mẹ thương yêu con. Má không biết má ruột con tại sao không đi tìm con, nhưng má nghĩ bà khó khăn quá nên để con cho má nuôi với hi vọng con sung sướng hơn. Má Ánh thì đã hi sinh cả cuộc đời cho con. Còn má luôn nghĩ và cầu mong cho con hạnh phúc!"…
Giọng nữ nghệ sỹ nghèn nghẹn. Hồi ức về những ngày cuối tháng 4/1975 bất chợt ùa về.
Bé Thương Thương lúc nhỏ. Ảnh: tư liệu gia đình |
Chuyện về 3 người mẹ
Cuối tháng 4/1975, cùng với các cánh quân giải phóng rầm rập tiến về Sài Gòn, nhiều người dân từ các tỉnh cũng hoang mang rời bỏ nhà cửa tản cư về thành phố và bị chặn lại ngay cửa ngõ. Hàng nghìn người dựng lều bám trụ trên bãi rác ven xa lộ Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội) trong cảnh thiếu thốn mọi bề. Nhóm “Gia đình tình thương” của nghệ sỹ Kim Cương phải chạy ngược chạy xuôi xin quần áo, mì gói, bánh mì tiếp tế cho bà con. NS Kim Cương nhớ lại: “Tôi gặp một chị quê ở Long Bình (Phước Long) bụng bầu vượt mặt dắt theo bầy con nheo nhóc. Tìm được một tấm bạt trải dưới đất cho mẹ con chị nghỉ tạm, tôi dặn chị chờ mai tôi quay lại tiếp tế. Hôm sau quay lại thì thai phụ đã sinh con. Giữa đêm đen, dưới cơn mưa tầm tã, chị vượt cạn một mình, sức khỏe suy kiệt. Bé gái mới sinh người tím ngắt, không còn sức để khóc”.
NS Kim Cương đề nghị giao đứa bé cho bà mang về chăm sóc để bé có cơ hội được sống và sản phụ rảnh tay chăm sóc cho 6 đứa con. Để chị an tâm, bà dặn khi nào muốn nhận lại con, chị cứ vào Sài Gòn hỏi NS Kim Cương, ai cũng biết. Nhưng, NS Kim Cương chờ hoài vẫn không thấy người mẹ đến đón con về. Bà chạy lên xa lộ Biên Hòa thì người dân đã giải tán và về quê.
Manh mối từ một vụ giả mạo
NS Kim Cương kể có lần, bà phải nhập viện điều trị và gặp một cô gái đứng chờ trước cửa phòng bệnh. Tưởng là người hâm mộ, không ngờ cô gái ôm chầm lấy bà òa khóc, tự nhận là Thương Thương và đưa bà xem một số hình ảnh của cô y tá năm xưa. Bà đã tin và đưa cô về nhà, lấy địa chỉ cư trú... Tuy nhiên, vì không thấy cô gái liên lạc lại, bà nhờ người đi tìm thì địa chỉ không có thật. Trực giác của bà mách bảo có gì đó không ổn.
Nhóm tìm kiếm đã lần ra và phát hiện cô gái có quan hệ thân thiết với nữ y tá và khi biết được câu chuyện con nuôi Kim Cương mất tích nên tìm cách tiếp cận bà. Từ manh mối này, NS Kim Cương và chị Oanh đã may mắn đoàn tụ sau gần 42 năm mất tích.
NS Kim Cương trở thành người mẹ thứ hai. Bà đặt tên con là Thương Thương.Vì chào đời trong cảnh thiếu thốn, bé đau ốm triền miên. Lên 3 tuổi, Thương Thương bệnh nặng, được mẹ Kim Cương đưa vào bệnh viện Nguyễn Văn Học (nay là bệnh viện Nhân dân Gia Định). Một nữ y tá chăm sóc cho bé, vì “mến tay, mến chân” bèn đề nghị giao Thương Thương cho cô chăm sóc. Hàng tháng, NS Kim Cương chỉ cần gửi tiền mua sữa. Vì bé cần bảo mẫu có chuyên môn về y tế chăm sóc; quan trọng hơn, lúc đó Kim Cương phải đi lưu diễn, không có nhiều thời gian chăm sóc con nên bà đã đồng ý.
Một lần, Thương Thương được đưa đến xem mẹ diễn tại rạp Quốc Thanh. Thấy bảo mẫu chiều bé quá, Kim Cương nhắc: "Thương con thì phải dạy. Em cưng chiều quá con nhỏ hư!".
Ít hôm sau cô y tá xin nghỉ việc ở bệnh viện, bồng Thương Thương bỏ đi mất, cắt đứt mọi liên lạc. NS Kim Cương lạc mất bé từ ngày đó. Hơn 40 năm qua, bà không ngừng tìm con. Có người quen đòi trình báo công an truy bắt thủ phạm bắt cóc nhưng bà gạt đi. Bằng linh cảm của người mẹ, NS Kim Cương tin nữ y tá làm chuyện dại dột ấy vì quá yêu thương bé.
Dù vậy, mỗi lần chạm vào vùng ký ức nào liên quan đến con gái, bà lại rớt nước mắt. Năm 2019, NS Kim Cương quyết định nhờ “Như chưa hề có cuộc chia ly” tìm giúp bé Thương Thương. Bà thổ lộ: "Không biết cuộc đời con bé ra sao? Cô y tá có đủ điều kiện nuôi con? Lỡ mẹ ruột cháu quay về tìm con,tôi biết ăn nói sao với chị ấy”.
Ôm con gái vào lòng, NS Kim Cương vỗ về: "Má biết con tủi vì không biết cha mẹ ruột của mình. Nhưng con phải biết là con rất hạnh phúc, rất có phước vì có tới ba bà mẹ thương yêu con.
Ê kíp thực hiện chương trình đã lần theo những manh mối ít ỏi và phát hiện cô y tá năm nào tên là Trầm Thị Ngọc Ánh, nhà trên đường Xóm Chiếu (quận 4). Bé Thương Thương được đặt tên là Trầm Như Ngọc Oanh. Chị Oanh hiện nay đang bán đồ ăn qua mạng, đã có chồng, hai con và vừa lên chức… bà nội.