Các hợp đồng được ký kết gồm Hợp đồng mua bán khí (GSPA) giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các Chủ mỏ, Hợp đồng đấu nối (TSA) giữa các Chủ mỏ và Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) và Hợp đồng bán khí (GSA) giữa PVN và PVGAS thuộc Dự án khí Mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt đã diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tham dự lễ ký các thoả thuận quan trọng này.
Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt nằm tại khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện địa chất phức tạp (nhiệt độ cao, áp suất cao) của Bể Nam Côn Sơn thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300 km về phía Đông Nam, độ sâu mực nước biển từ 110m – 130m.
Tỷ lệ tham gia của các Chủ Mỏ trong Hợp đồng Dầu khí (PSC) bao gồm: Idemitsu Kosan Co., Ltd. 43,08% và là Nhà điều hành; Teikoku Oil (Con Son) Co. Ltd. 36,92% và PVN 20%.
Thử vỉa giếng khoan Sao Vàng - 1X ngày 19/08/2014, giàn khoan Songa Murcur. Ảnh PVN
“Việc ký kết các thoả thuận này đạt được sau hơn 2 năm đàm phán khó khăn giữa các bên. Việc ký kết này có ý nghĩa quan trọng để mỏ cho dòng khí Sao Vàng- Đại Nguyệt đầu tiên vào quý III/2020 với sản lượng dự kiến khoảng 1,5 tỷ m3 khí/năm và 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate/năm. Dự án đưa vào khai thác cũng sẽ đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách và đảm bảo nguồn khí cho các hộ tiêu thụ ở miền Đông Nam Bộ”, ông Sơn nói.
Trước đó, ngày 4/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1550/QĐ-TTg phê duyệt trữ lượng dầu khí mỏ Sao Vàng và Đại Nguyệt, làm cơ sở cho việc triển khai phát triển mỏ.
Ngày 7/3/2017, Bộ Công Thương có Quyết định số 706/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch phát triển đại cương (ODP). Ngày 11/12/2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 1996/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ (FDP). Theo đó, mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt dự kiến bắt đầu khai thác dòng dầu, khí thương mại đầu tiên trong quý III/2020.