Kỵ giơ

Kỵ giơ
TP - Tôi nghe con vắt con đỉa bị chặt làm đôi, nó biến thành hai con. Đem băm vụn nó ra thì mỗi mảnh vụn biến thành một con đỉa mới, con vắt mới. Đem nó đi đốt thành than, thì phần thịt nào chưa cháy hết vẫn có thể sinh ra con vắt mới.
Kỵ giơ ảnh 1
 

Loài sinh vật không xương này sống dẻo dai và có khả năng phát tán rất nhanh, tưởng như không có gì trị nổi nó. Nhưng những khu rừng có vắt chỉ cần thả mấy con dê thì chỉ trong một tháng sẽ chẳng còn con vắt mào. Máu loài dê vắt hút no căng nhưng không tiêu hóa nổi làm con vắt chết và tự phân hủy. Con đỉa thả xuống vôi thì nó cũng chết đứ đừ luôn.

Còn con dê trên rừng có lỡ ăn phải vài cái lá ngón không sao, nhưng ăn nhầm vào cái lá cây có con bọ nẹt thì dê chắc chết mà không thể cứu nổi.

Ngày xưa, đồn rằng giặc Phạm Nhan bên Tàu cũng có khả năng hồi sinh nhanh như loài vắt. Cứ chặt đầu nọ thì mọc đầu kia. Nhưng nếu bôi máu chó vào thanh gươm rồi chém thì Phạm Nhan không còn mọc đầu ra được nữa, phun máu mà chết.

Ở Sapa có một loại cá thịt rất thơm ngon nhưng trứng của chúng ai lỡ ăn vào thì ngộ độc, không kịp cấp cứu là bỏ mạng như không. Rồi con cóc yếu đuối nhưng con vật nào vô tình ăn phải trứng cóc cũng chết chắc! Chính vì thế mà loài cá thịt thơm ngon kia không mất giống, còn con cóc yếu đuối vẫn tồn tại.

Con cá chình, cá đuối giữa biển khơi có cái đuôi biết phóng ra điện để tự bảo vệ mình. Dù hai loài cá này khá hiền lành yếu đuối, nhưng thấy nó những con cá hung bạo cũng phải tránh xa. Con cua có mai giáp, đôi càng chắc khỏe bắt nó không dễ, nhưng con ếch đến vỗ nhẹ là cua rúm cẳng để cho ếch nuốt.

Con rết nọc độc ghê gớm, có thể gây nguy hiểm cho con người. Vậy mà trước con gà, rết đành chịu chết không làm được gì. Đem rết bỏ vào trong vòng tròn nhớt sên, rết cũng nằm so không thoát ra nổi.

Những cái đó người ta gọi là sự kỵ giơ, mà không có cách giải thích nào khác. Con người cũng vậy, dù bất cứ ai ở bất cứ địa vị xã hội nào, trong tình thế nào cũng có cái mạnh và cái yếu. Giống như ngũ hành, có tương sinh tương khắc. “Cao nhân sẽ có cao nhân trị” là thế. Ngẫm cho cùng, con người nếu dụng công cũng học được từ các loài vô khối kinh nghiệm giữ mình.

Biết điều đó là biết mình biết người. Biết rồi sẽ biết phát huy cái mạnh của mình, giảm thiểu những cái yếu của mình. Hiểu được quy luật của thiên nhiên thì con người sẽ sống vững vàng hơn, rắn rỏi hơn. Chắc chắn là thế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG