Nhận tội vì bị treo lên đánh đập
Ngày 24/5, TAND tỉnh Bắc Giang tiếp tục xét xử Vi Văn Phượng (SN 1968, ở Bắc Giang) về tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng là giết mẹ đẻ tức bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926).
Tại tòa, kiểm sát viên nêu quan điểm luận tội và khẳng định, nạn nhân vốn mù lòa, sống cùng con trai và cháu nội Vi Văn Hồ (SN 1997). Ông Phượng vay mẹ 1,5 chỉ vàng để 1 người con khác đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Dù bà Vui nhiều lần đòi nợ, tháng 10/2012, bị cáo Phượng mới mua vàng để trả mẹ nhưng bà Vui cho rằng con trai trả vàng giả nên xảy ra cãi vã.
Sáng 5/10/2012, Hồ nấu mỳ tôm cho mình và bà nội ăn rồi đi học còn Vi Văn Phượng đi làm thuê cùng ông Lăng Đức Mạnh. Đến hơn 10h, cả 2 ăn uống tại nhà ông Lê Quang Trường (ở khác thôn). Đúng 11h, ông Phượng lấy lý do nấu ăn cho mẹ nên về trước rồi tạt vào quán tạp hóa của bà Bùi Thị Tuyến mua mỳ về cho mẹ.
Tới nhà, thấy bà Vui nằm ngủ trên giường, Phượng lấy 1 con dao quắm chém nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Sau đó, Phượng ra ngoài ngồi thút thuốc trước khi thông báo cho mọi người bà Vui bị ai đó sát hại.
Người giữ quyền công tố cho rằng, vì phải nuôi dưỡng mẹ già mù lòa trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn; bà Vui cũng không thông cảm lại thường xuyên đòi vàng nên Vi Văn Phượng đã ra tay sát hại. Vì vậy, HĐXX cần tuyên bị cáo này án tử hình.
Tại tòa, bị cáo Vi Văn Phượng tái khẳng định nhận tội trong giai đoạn đầu vì điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng đánh đập, dọa bắt con. “Ông Lượng bảo tao có quyền, tao bắt ai cũng được. Bị cáo nghĩ mình không có tội vẫn bị bắt, con mình cũng bị bắt và nếu bị đánh cháu sẽ nhận tội nên bị cáo phải nhận trước... Bị cáo bị tra tấn, dùng móc sắt treo cổ bị cáo lên cửa sổ, đánh ở cằm, đốt râu... Bị cáo nghĩ phải nhận xong ra kêu oan còn bị đánh sẽ chết” - ông Phượng khai.
Bị cáo nói thêm, ngày xảy ra sự việc, Vi Văn Hồ bị công an bắt đi từ trường học, tạm giữ 1 đêm nhưng không có người giám hộ. Sau đó, bố con ông nhiều lần phải lên CQĐT làm việc nhưng mỗi bố con một nơi.
Đáp lại, điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng (hiện là Phó phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang) nói: “Những gì Phượng khai hoàn toàn không đúng sự thật, chúng tôi tuân thủ đúng quy định của luật tố tụng, không làm việc luật cấm”.
Luật sư Vũ Thị Nga và các đồng nghiệp bào chữa cho Vi Văn Phượng.
Có chứng cứ ngoại phạm?
Tại phần tranh luận, luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Phượng dẫn lại kết luận điều tra, cáo trạng đã xác định thân chủ của mình ăn xong, rời nhà anh Trường vào đúng 11h00; về nhà mất khoảng 16 phút; giết mẹ rồi hút thuốc trấn tĩnh hết 6 phút và đến 11h23 phút gọi điện cho anh trai và mọi người báo mẹ bị giết.
Luật sư Tuấn cho rằng thời gian biểu trên là sai vì các nhân chứng ăn cơm cùng bị cáo đều khẳng định hơn 11h mới về nhà. Trong đó, ông Lê Quang Trường khai khi ăn cơm, con trai mình ăn xong sớm nhất rồi rời nhà đi học khoảng 10 phút, ông mới thấy Phượng ra về.
Lời khai của vợ ông Trường cũng rất rõ: “Con trai tôi ăn cơm xong đi học, tôi nhìn đồng hồ đeo tay thấy 11h nên hỏi con sao đi học sớm... Sau đó, tôi ăn xong ra ngoài, một lát chồng gọi lên dọn mâm cơm lúc đó vẫn thấy Phượng ngồi”.
Tiếp đến, luật sư Tuấn dẫn lời khai của Vi Văn Phượng tại giai đoạn điều tra cũng như tại tòa thể hiện, bị cáo này rời nhà ông Trường phải đi chậm vì đúng lúc các cháu học sinh tan học. Trong đó, Phượng còn gặp và được 1 học sinh là con gái trưởng thôn chào, hỏi: “Nay chú đi làm muộn thế”.
Luật sư Đinh Anh Tuấn khẳng định đã về trường học nói trên và lập biên bản thể hiện, hiệu trưởng trường này khẳng định vào đầu tháng 10/2012, nhà trường cho học sinh tan học vào 11h15 phút. Luật sư đã nộp biên bản này cho tòa án.
“Vài phút sau thời điểm 11h15, các học sinh mới ra khỏi cổng trường đi về nên Phượng không thể có mặt ở nhà vào 11h15 phút để chém mẹ mình” - vị luật sư nêu quan điểm.
Cũng bào chữa cho Vi Văn Phượng, luật sư Vũ Thị Nga dẫn hồ sơ thể hiện cơ quan giám định căn cứ vào lời khai cháu Vi Văn Hồ và bản ảnh mổ dạ dày bà Vui để kết luận nạn nhân tử vong từ 3 - 4 tiếng sau bữa ăn cuối cùng (lúc 6h30 sáng). Tuy nhiên, khi vụ án bị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy, yêu cầu điều tra lại, cơ quan giám định lại kết luận bà Vui tử vong từ 3 - 5 tiếng sau ăn mỳ tôm.
Việc thay đổi này được giải thích: “Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiêu hóa thức ăn không được tốt của bà Vui như răng rụng nhiều, niêm mạc dạ dày chợt loét và loại thức ăn khó tiêu đã được ăn như gia vị rau củ quả khô”.
Luật sư Nga dẫn tài liệu khoa học giám định thể hiện thời gian tiêu hóa trong dạ dày của người là 1h30 phút với thức ăn nhẹ, nhiều nhất là 4h với thức ăn nhiều mỡ nên kết luận của cơ quan giám định là sai.
Nữ luật sư phân tích, mỳ tôm là thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa nên dù răng bà Vui yếu, dạ dày loét cũng không thể tiêu hóa tới 5h đồng hồ...
Vì nhiều căn cứ khác nhau, luật sư Vũ Thị Nga đề nghị HĐXX tuyên Vi Văn Phượng không phạm tội giết người như cáo trạng quy kết.
Sau sự việc, Vi Văn Phượng từng bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên tử hình trong các phiên xử sơ - phúc thẩm. Năm 2016, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử Giám đốc thẩm đã phát hiện nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên hủy các bản án đã tuyên với ông Phượng, yêu cầu điều tra lại vụ án.