Tài liệu vừa giải mật:Cuộc chiến trên mặt trận ngoại giao

Kỳ 3: Hội đàm bí mật như hoạt động tình báo

Kỳ 3: Hội đàm bí mật như hoạt động tình báo
Việc đàm phán ở Paris mang tính hai mặt, một mặt là hội đàm chính thức, mặt kia mới là cuộc thương thảo thực sự (họp kín) giữa phái đoàn VNDCCH và Mỹ.

Nỗi ám ảnh của Nixon và Kissinger về hoạt động bí mật đã gây ra hậu quả tai hại.

Số người biết về những cuộc họp kín này rất ít, gồm một số cố vấn của Hội đồng An ninh quốc gia, Kissinger, Tổng thống và Đại sứ Ellsworth Bunker. Đến ngày 25/1/1972, ngay cả Bộ Ngoại giao, Bộ tham mưu liên quân, CIA và Lầu Năm góc đều bị đặt ra ngoài các cuộc mật đàm này. Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu được thông báo về cuộc mật đàm, nhưng chỉ ở những giới hạn nhất định.

Ngày đầu năm mới 1970, Kissinger viết 1 công hàm “tối mật” gửi tướng Walters, tuỳ viên quân sự cấp cao của Đại sứ quán Mỹ tại Paris. Là người nói thạo nhiều thứ tiếng, lại biết kín đáo nên Walters là người lý tưởng để Kissinger giao sứ mệnh chuyển thông điệp “tối mật” bằng miệng tới ông Xuân Thuỷ hoặc ông Mai Văn Bộ rằng Mỹ sẵn sàng họp kín.

Kissinger có thể gặp ông Xuân Thuỷ  ở bất kỳ lúc nào, nơi nào. Kissinger còn nhắc nhở Walters, sau khi chuyển thông điệp xong cần nói rõ Mỹ muốn họp vào ngày cuối tuần để hạn chế những lời đồn về sự vắng mặt của họ ở Washington. Kissinger chỉ thị cho Walters nhấn mạnh rằng người Mỹ muốn tiếp xúc với ông Lê Đức Thọ.

Để giữ bí mật, Walters rất cẩn thận khi tới khu ngoại ô mà phái đoàn VNDCCH đang ở để chuyển thông điệp bằng miệng. Xe của Walters mang biển số ngoại giao nên để tránh sự chú ý, ông ta đậu xe cách đó khá xa rồi bắt xe buýt và sau đó đi bộ tới nơi cần đến.

Walters trao thông điệp xong rồi về. Các cuộc họp kín được chuẩn bị một cách ráo riết. Vài ngày sau, tại nhà mình, Walters nhận được điện thoại từ một nhân viên của VNDCCH yêu cầu ông ta đến nhà của phái đoàn, số 78, đường Jules Lagaisse ở Choisy-le-Roi vào thứ Hai, 16/2/1970 để gặp ông Mai Văn Bộ.Walters nhớ lại: “Sau khi tiếp đón niềm nở, ông Mai Văn Bộ rút trong túi ra một tờ giấy và đọc cho tôi nghe”.

Phái đoàn VNDCCH đồng ý gặp gỡ vào ngày 20 hoặc 21/2/1970 tại số 11, đường Darthe, ở Choisy-le-Roi, trong 1 ngôi nhà bí mật và an toàn, nơi trước đây họ đã từng đón Đại sứ Harriman. Walters kể lại: “Mai Văn Bộ hỏi có phải tôi đang học tiếng Việt không và tôi bảo đúng. Ông ấy nói mình đang học tiếng Anh và rằng hai dân tộc không phải lúc nào cũng đánh nhau, rồi một ngày nào đó ông có thể đi Mỹ...”.

Hồi ký của Nixon, Kissinger và Walters đã miêu tả chi tiết kế hoạch đưa Kissinger đến và đi khỏi Paris một cách bí mật. Tuy nhiên, các tài liệu vừa giải mật cho biết thêm nhiều câu chuyện ly kỳ.

Người phi công lái máy bay cho Kissinger cũng cần một lý do hợp lý. Anh ta được giao nhiệm vụ huấn luyện bay ở căn cứ không quân Rhein Main, tại Đức nên có quyền bay đi bay về. Ngay cả chuyện chuẩn bị cái thang để lên xuống máy bay, “thủ tục đặc biệt” để đi qua hải quan...cũng được chuẩn bị kỹ. Walters tiết lộ, Kissinger đã vào và ra khỏi nước Pháp 15 lần mà không bao giờ nhìn thấy một nhân viên hải quan.

Tại Nhà Trắng, trợ lý của Kissinger là Alexander Haig đã cẩn thận tổ chức “kỳ nghỉ cuối tuần” cho Kissinger. Tổng đài điện thoại của Nhà Trắng được báo cho biết rằng Kissinger ở Trại David với Tony Lake và thư ký Dianne Matthews.

Đó chỉ là vỏ bọc, hành trình thực sự được ghi lại trong một tài liệu vừa giải mật: “Kissinger, Lake xuất phát từ Ellipse (khu đất trước đài tưởng niệm Tổng thống Lincoln ở Washington - ND) tới Andrews bằng trực thăng và từ đây sẽ lên ngay máy bay đi Paris”.

Walters có 2 phòng ngủ trong căn hộ của mình ở Neuilly. Trong các chuyến đi bí mật của mình, Kissinger ngủ trong phòng ngủ của Walters và các trợ lý của ông ngủ phòng bên cạnh.

Trước khi các cuộc họp kín được tiết lộ cho công chúng Mỹ vào tháng 1/1972, các nhân vật của cả 2 bên đều được đặt mật danh. Kissinger là “Luke”, Xuân Thủy là “Yul”, Lê Đức Thọ là “Michael” và tướng Walters là “Xerxes”.

Trước đây, trong thời điểm Sainteny đang đứng ra “môi giới” cho các cuộc hội đàm bí mật giữa phái đoàn Mỹ và VNDCCH còn có những mật danh khác. Thủ tướng Phạm Văn Đồng được Kissinger và Sainteny thống nhất gọi bằng tên mật là “Paul”, Lê Đức Thọ là “Louis” và Mai Văn Bộ là “Maurice”...

Cuộc gặp đầu tiên giữa Kissinger và Lê Đức Thọ diễn ra ngày 21/2/1970 tại “một căn phòng nhỏ” ở đường Darthe như miêu tả của Kissinger. Nội dung cuộc gặp này đã được tiết lộ trong nhiều cuốn sách ở Mỹ và Việt Nam, nhưng tâm sự của Kissinger về đối thủ thì ít người được biết: “Không may cho chúng tôi là Lê Đức Thọ được giao nhiệm vụ bẻ gãy tinh thần chiến đấu của Mỹ, vì thế những việc ông làm khiến chúng tôi khó chịu.

Tuy nhiên, tôi rất kính trọng ông. Ông là người có kỷ luật. Ông không bao giờ phạm một lỗi lầm…”. Kissinger cũng nói thẳng: “Bất hạnh của tôi là phải điều đình với VNDCCH suốt 4 năm… Họ là những người cứng rắn nhất mà tôi từng thấy”.

Kết thúc họp kín đầu tiên giữa Kissinger và Lê Đức Thọ (kéo dài 7 giờ), hai bên đồng ý gặp lại nhau vào ngày thứ Hai 16/3/1970. Kissinger sợ sự vắng mặt của ông ở Washington gây dị nghị và muốn đi vào thứ Bảy chứ không phải Chủ Nhật.

Kissinger nói: “Nếu tôi rời Washington vào Chủ Nhật, mọi người sẽ nghĩ tôi có bạn gái”. Xuân Thuỷ đáp: “Hãy để bạn gái của ông ở nơi nào đó và đến đây đàm phán”. Kissinger trả lời: “Bộ trưởng Xuân Thủy quên yếu tố quan trọng. Trước hết tôi cần có bạn gái đã”. Xuân Thuỷ hóm hỉnh: “Hãy tìm lấy một người. Tôi được biết ông có nhiều bạn gái”.

Với những câu nói đùa trên, kênh đàm phán bí mật đã được thiết lập. Tiếp sau đó đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ tương tự và hầu hết những vấn đề quan trọng đều được đàm phán trong những cuộc họp đó. Các cuộc mật đàm không thảo luận những vấn đề được thảo luận song hành tại những phiên họp công khai ở đại lộ Kleber.  

(Lược dịch từ “No Peace, No Honor...”)

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.