‘Vỡ mộng’ khi mua đồng hồ chính hãng

TPO - Nhiều khách hàng chi số tiền hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để sở hữu những chiếc đồng hồ đắt tiền được bán tại các cửa hàng được cho là uy tín, chính hãng. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp khách hàng bức xúc khi sản phẩm liên tục bị lỗi.

Đồng hồ chính hãng liên tục trục trặc

Mới đây, trên một diễn đàn mạng xã hội thu hút hàng trăm nghìn thành viên, nhiều khách hàng bức xúc khi mua đồng hồ thương hiệu Thuỵ Sỹ tại các cửa hàng của hãng Y... nhưng liên tục bị lỗi.

Phản ánh với PV, anh Quang L. ở Hà Nội chia sẻ, năm 2017 anh mua một chiếc đồng hồ thương hiệu TISSOT có giá 18.610.000 đồng) ở cửa hàng Y... ở Phố Huế (Hà Nội), nhưng về dùng chưa được 1 tháng đồng hồ liên tục bị trục trặc.

“Mang tiếng đồng hồ mua ở cửa hàng uy tín nhưng mới sử dụng thì liên tục bị lỗi, từ bị chết máy rồi bị nước vào. Mình đã mang đến cửa hàng bảo hành 4 lần liền. Có lần gửi ở cửa hàng cả tháng trời, họ bảo gửi lên hãng kiểm tra nhưng sau đấy vẫn bị lỗi. Mới đây, lại bị lỗi tiếp khi đi trời mưa bị dính nước, chết máy”, anh L. bức xúc nói.

Không chỉ anh L. mà nhiều thành viên trong diễn đàn cũng bức xúc khi mua phải đồng hồ kém chất lượng ở các cửa hàng có tiếng. Anh Thiều Sỹ Quang, ở Bình Dương bức xúc cho biết, trước Tết Mậu Tuất có mua chiếc đồng hồ Orient ở một cửa hàng Y... (có giá 7.300.000 đồng). “Chiếc đồng hồ dùng chưa được 20 ngày đã bị lỗi và chết máy liên tục. Mình gửi bảo hành ở cửa hàng từ Tết đến giờ”, anh Quang nói.

Không chỉ “tố” đồng hồ mua ở Y... bị chết, lỗi liên tục, vào nước trong thời gian bảo hành, nhiều khách hàng còn cho rằng hãng bán hàng không đúng cam kết, kích thước. “Mình đặt mua chiếc đồng hồ OlymPianus ở cửa hàng Y... với giá 2.700.000 đồng. Trên web cửa hàng viết là 39mm mà về đo được 35mm. Về bé quá không đeo vừa tay, nhưng đến cửa hàng nhất quyết không cho đổi. Mãi sau khi lên diễn đàn phản ánh, nhân viên cửa hàng mới gọi điện và đồng ý cho đổi sản phẩm”, Đoàn Mạnh Tiến, một khách hàng ở Hà Nội cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện hãng Y... xác nhận, họ đã nắm bắt được thông tin phản ánh trên của khách hàng. “Chúng tôi đã liên hệ và gặp khách hàng mua phải sản phẩm bị lỗi. Hãng sẽ hỗ trợ cho khách hàng nếu do lỗi của nhà sản xuất”, vị đại diện này nói.

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc lại với anh L., khách hàng này cho hay: “Sau khi đăng lên diễn đàn, có nhân viên của hãng Y... đã gọi cho tôi bảo mang đến để bảo hành. Nhưng tôi đã đưa đồng hồ lên hãng bảo hành nhiều lần mà vẫn bị lỗi. Tôi đã mất niềm tin vào cái gọi là bảo hành của hãng Y...”.

‘Vỡ mộng’ khi mua đồng hồ chính hãng ảnh 1 Bỏ ra số tiền lớn mua đồng hồ ở các cửa hàng quang cáo là chính hãng nhưng nhiều khách hàng bức xúc về chất lượng sản phẩm

Kéo dàn chân dài đến đòi lại tiền mua đồng hồ

Thời gian qua, nhiều trường hợp khách hàng mua đồng hồ ở tại các cửa hàng đồng hồ lớn, uy tín ở Hà Nội cũng đã bức xúc về hiện tượng mua phải hàng kém chất lượng.

Mới đây, chuyên trang thẩm định đồng hồ thật giả của một thương hiệu phân phối đồng hồ chính hãng uy tín đã công bố những số liệu gây kinh ngạc: 20.000 chiếc đồng hồ được thẩm định thì có đến 8.600 chiếc được phát hiện là giả.
Điều đáng nói, hầu hết những người đưa đồng hồ đến thẩm định đều tin chắc rằng đồng hồ của họ là hàng thật 100% bởi đều được mua tại các cửa hàng đề biển đồng hồ “chính hãng” hay thậm chí là các trung tâm thương mại lớn.
Thậm chí có trường hợp khách hàng bức xúc về chất lượng đồng hồ mua ở cửa hàng chính hãng đã treo băng rôn, kéo "chân dài" đến để đòi quyền lợi. Đơn cử cuối năm 2017, anh Nguyễn Đinh T., trú huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã kéo dàn “chân dài” dùng băng rôn, khẩu hiệu, bắc loa… đến cửa hàng Đăng Quang Watch trên phố Trần Duy Hưng (Hà Nội), yêu cầu trả lại tiền đã mua phải đồng hồ anh này cho rằng kém chất lượng.
Theo phản ánh của khách hàng này, anh đã bỏ ra gần 60 triệu đồng để mua chiếc đồng hồ hiệu Epos. Nhưng chỉ trong vài ngày sử dụng, anh T. phát hiện máy có dấu hiệu hấp hơi nước, kim bị kẹt, đồng hồ lúc chạy được lúc không…
Anh T. đã yêu cầu công ty phải đổi cho mình đồng hồ mới, tuy nhiên hãng bắt buộc phải đưa thêm tiền mới được đổi. Sự việc sau đó được hai bên gặp gỡ để giải quyết.
“80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả”, đó là lời khẳng định của ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống hàng giả hàng nhái, phản ánh thực trạng có thật tại thị trường Việt Nam.
MỚI - NÓNG