Giá tăng đột biến
Từ sau Tết Nguyên đán 2018, giá chuối già hương cấy mô tăng giá liên tục, thương lái từ phía bắc cùng thương lái Trung Quốc đến tận vườn đặt cọc mua chuối khiến giá chuối tăng liên tục. Đầu vụ, chuối được mua với giá từ 10 ngàn đồng/kg nhưng đến nay đã tăng lên 14-14,5 ngàn đồng/kg. Tại các nhà vườn, thương lái đưa xe đến tận nơi, tổ chức cho nhân công thu hoạch rồi đóng thùng đưa thẳng sang Trung Quốc tiêu thụ.
Hợp đồng thuê khoảng 10 ha đất đang trồng cây cao su non ở xã Bàu Hàm (huyện Thống Nhất) để trồng chuối già hương xuất khẩu nhưng vụ chuối năm trước, ông Nguyễn Văn Mạnh lỗ hàng tỷ đồng khi chuối không tiêu thụ được. Nhưng không vì thế ông Mạnh từ bỏ. Diện tích chuối tiếp tục được ông Mạnh duy trì, đến nay chuối đã gần đến ngày thu hoạch. Ông Mạnh nhẩm tính với giá chuối 14 ngàn đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí đầu tư, ông sẽ thu lợi nhuận trên 5 tỷ đồng.
Với giá chuối đang “sốt” giá lên liên tục, bà Nguyễn Thị Lượng trồng chuối ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) lấy làm tiếc khi 3 tháng trước cây chuối chưa trổ buồng thì thương lái Trung Quốc đến bao vườn mua đứt 170 ngàn đồng/cây. Tổng cộng bà Lượng bán cho thương lái 600 triệu đồng và nhận ngay tiền mặt 500 triệu đồng. Bà Lượng cho biết với giá tầm 15 ngàn đồng/kg, mỗi buồng chuối bình quân 30kg sẽ có giá trên 400 ngàn đồng. Nếu giữ lại đến nay bà Lượng sẽ thu được hơn gấp đôi.
Bà Lượng cho hay, với giá chuối tăng cao như năm nay, ở địa phương nhiều người đã đầu tư thêm diện tích trồng chuối cấy mô, có người đã phá bỏ vườn tiêu đang mất giá để chuyển sang trồng chuối. Giá chuối giống hiện nay đã lên 8 ngàn đồng cây, nhưng phải đặt tiền trước mới có cây giống.
Không riêng gì bà Lượng, mùa chuối năm trước giá chuối rớt thê thảm nên mùa này, nhiều người đã bán sớm cho thương lái. Có người bán chuối non cho thương lái từ ngay đầu vụ với giá 5.500 đồng/kg và được thương lái hỗ trợ thêm cho cho tiền phân bón. Nay giá chuối lên gần gấp 3 lần, người bán chuối non có tiếc cũng đành chịu không ai dám phá cọc, thương lái cho người đến giữ vườn ngay từ khi chuối chưa thu hoạch.
Thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh chuối mạnh, từ đầu năm đến nay, vựa chuối của bà Nguyễn Thị Hoa (ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) đã đóng chuối xuất khẩu qua Trung Quốc trên 100 tấn. Được thương lái phía Trung Quốc đặt hàng, nhưng lượng chuối bà Trang thu gom vẫn không đủ cho đối tác, bởi theo bà Hoa thì ngay từ đầu vụ thương lái Trung Quốc đã chủ động mua bao vườn, ứng tiền đặt cọc mua chuối. Bà Hoa cho biết năm nay, chuối sốt giá là do Trung Quốc và một số nước khác đều mất mùa chuối.
“Dự đoán được thị trường xuất khẩu sẽ sôi động hơn mọi năm nên thương lái mới mạnh tay trả tiền trước bao tiêu vườn chuối cho nông dân. Chứ như năm trước không thấy thương lái nào xuất hiện mua chuối. Các vựa chuối ở địa phương thì chỉ mua số lượng ít, tiêu thụ trong nước”- bà Hoa nhìn nhận.
Cảnh báo dư thừa
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, tỉnh này có diện tích trồng chuối lớn nhất cả nước với khoảng 7.000 ha. Riêng diện tích trồng chuối già hương cấy mô là 650 ha. Năm 2016 diện tích chuối già hương chỉ khoảng 100 ha đến năm 2017 diện tích này đã tăng hơn 600 ha và trong năm nay là khoảng 650 ha với sản lượng bình quân 50 tấn/ha.
Theo Sở này, chuối già hương cấy mô chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Năm 2017, thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu chuối già hương cấy mô từ Việt Nam, người trồng chuối ở Đồng Nai rơi vào cảnh thiệt hại nặng nề do chuối chín phải tiêu thụ ngay nhưng thương lái vẫn ngó lơ khiến Đồng Nai phải thành lập một ban chỉ đạo “giải cứu chuối” kêu gọi các doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức tiêu thụ chuối giúp dân.
Trong khi cơ quan quản lý cảnh báo việc trồng chuối theo phong trào như hiện nay sẽ dẫn đến dư thừa nguồn cung, dễ lập lại câu chuyện “chuối ế” như năm trước song với việc giá chuối tăng cao như năm nay, người dân lại đua nhau tăng diện tích trồng chuối.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết: “Chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, do đó bà con không nên mở rộng diện tích mà nên tiếp tục duy trì diện tích cũ, trên cơ sở áp dụng kỹ thuật và chăm bón tốt. Hiện nay diện tích chuối già hương cấy mô của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng thì cung đã vượt cầu”.