Kinh nghiệm triển khai hiệu quả Chương trình RB-SupRSWS ở Thái Nguyên

Theo biên bản đánh giá giữa kỳ Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (RB-SupRSWS) của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Thái Nguyên là một trong 4/21 tỉnh duy nhất đạt được tất cả DLI trong năm 2017. Hơn thế, Thái Nguyên còn là tỉnh đạt “Vệ sinh toàn xã” cao nhất với 8/27 xã.

Những kết quả đạt được

Thái Nguyên là 1 trong số 21 tỉnh được chọn tham gia Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (RB-SupRSWS) giai đoạn 2016-2020. Tham gia chương trình, tỉnh Thái Nguyên triển khai tại 53 xã thuộc 6 huyện. Riêng năm 2017, chương trình triển khai tại 6 huyện với 13 xã.

Từ khi bắt đầu triển khai chương trình đến nay, Thái Nguyên đã thực hiện đấu nối cấp nước sạch cho 6.392 người dân trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xây dựng 1.759 nhà tiêu hộ gia đình; nâng cấp, sửa chữa 15 công trình vệ sinh trạm y tế; 48 công trình cấp nước và vệ sinh trường học. Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 70%.

Kinh nghiệm triển khai hiệu quả Chương trình RB-SupRSWS ở Thái Nguyên ảnh 1 Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình RB-SupRSWS (Ảnh: Đài PT-TH Thái Nguyên)

Hiện nay, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt trên 89%, tăng 1,7% so với năm 2016; tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 69%, tăng 2% so với năm 2016; tỷ lệ trường học có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 94%, tăng 3% so với năm 2016. Bàn giao đưa vào sử dụng 14 trạm y tế xây dựng mới các công trình vệ sinh và bố trí các điểm rửa tay năm 2017.

Với kết quả đạt được, năm 2017, Thái Nguyên nằm trong 4 tỉnh dẫn đầu về thực hiện tốt các tiêu chí của Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới, với tỷ lệ xã đạt vệ sinh toàn xã cao nhất.

Kinh nghiệm triển khai và định hướng mục tiêu

Để có thể thực hiện tốt các mục tiêu trong chương trình, ngay sau khi tiếp nhận nguồn vốn, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lập kế hoạch chi tiết, đánh giá tình hình thực tiễn tại địa phương để có những hoạt động mang lại hiệu quả cao. Sau đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành liên quan, phối hợp thực hiện một cách đồng bộ và chặt chẽ.

Tỉnh Thái Nguyên cũng xác định, giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan điều phối Chương trình ở cấp tỉnh. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình của tỉnh; phê duyệt các kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020.

Kinh nghiệm triển khai hiệu quả Chương trình RB-SupRSWS ở Thái Nguyên ảnh 2 Tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng đến tiến độ thực hiện các hợp phần trong chương trình để người dân nhanh chóng được hưởng lợi ích từ dự án (Ảnh: Đài PT-TH Thái Nguyên)

Để hoạt động đi vào chiều sâu, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh các hoạt tổ chức truyền thông - vận động dưới nhiều hình thức, biện pháp để người dân hiểu và tham gia tích cực trong công tác vệ sinh môi trường hộ gia đình và cộng đồng, sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe.

Sau những kết quả tích cực đã đạt được, tỉnh Thái Nguyên cũng xác định rõ mục tiêu còn lại trong giai đoạn cuối triển khai chương trình. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%; 75% số hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% số trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh và công trình nước sạch.

Để các chỉ tiêu đến năm 2020 “về đích” sớm, tỉnh Thái Nguyên cần có sự chung tay vào cuộc của toàn bộ cấp cấp, các ngành, đơn vị chức năng trong toàn tỉnh cùng toàn bộ nhân dân vì một mục tiêu chung xây dựng diện mạo mới cho nông thôn đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và nguồn nước sử dụng.

MỚI - NÓNG