Các phương tiện truyền thông Trung Quốc mới đây đưa ra cảnh báo, các bậc cha mẹ phải cảnh giác với một xu hướng mới xuất hiện trên mạng xã hội của giới trẻ là dùng kim, chỉ tự thêu vào da của chính mình. Ít nhất một thanh niên Trung Quốc đã bị giới chức "hỏi thăm" vì cổ súy cho trào lưu kinh dị này trên mạng xã hội.
Một trào lưu rất đáng lo ngại
Theo tờ People's Daily, thời gian gần đây, người dùng mạng xã hội liên tiếp đăng ảnh chụp các mẫu thêu trên da của mình. "Bí mật đang lan rộng trong nhóm người trẻ tuổi.
Hình ảnh được đăng trực tuyến trên trang Sina Weibo", tờ People's Daily đưa tin. Trào lưu được cho là "lấy cảm hứng" từ nhân vật Juuzou Suzuya trong bộ truyện tranh Nhật Bản bị cấm có tên là "Tokyo Ghoul". Mặc dù chính thức bị cấm nhưng bộ truyện tranh vẫn "âm thầm" phổ biến, len lỏi trong giới trẻ.
Các phương tiện truyền thông cảnh báo rằng, hình thức tự gây hại cho cơ thể có thể gây nhiễm khuẩn hoặc virus, dẫn đến nhiễm khuẩn đường huyết. Nhiều hình ảnh cho thấy, thanh niên trẻ sử dụng các sợi chỉ màu để thêu lên da tay, chân và thậm chí là môi của mình.
Một số cũng đính thêm hạt lấp lánh và ruy băng như vật trang trí. Các bức ảnh đã nhận được hàng chục nghìn ý kiến phản hồi từ người dùng mạng xã hội. Có người gọi họ là "bệnh hoạn", "điên rồ", hành động "tự làm hại bản thân".
"Làm sao mà trào lưu này lại được coi là một hình thức thời trang", người dùng mạng xã hội có nickname "idodyu" đặt câu hỏi. Nickname "Yanliang520" bình luận: "Điện thoại thông minh không đủ để giải trí hay sao mà phải chụp những bức hình kinh dị như vậy để đăng tải?".
Ít nhất một thanh thiếu niên Trung Quốc đã bị bắt vì "lan truyền những bức ảnh kinh dị" sau khi đăng những hình ảnh và ý kiến khuyến khích thanh thiếu niên tham gia trào lưu này.
Tờ People's Daily cảnh báo phụ huynh cần cảnh giác cao độ với những biểu hiện khác thường của con cái.
Bắt nguồn từ trò chơi tự tử "Cá voi xanh"?
Một số người cho rằng, trào lưu này bắt nguồn từ trò chơi trên internet "tự gây tổn thương và tự tử" - "Cá voi xanh - Blue Whale". "Blue Whale" gây tranh cãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc trong vài tháng gần đây.
Vào tháng 5/2017, trang China.cn chính thức báo cáo rằng, công cụ tìm kiếm hàng đầu "Baidu" đã chứng kiến sự gia tăng của người dùng web tìm kiếm từ khóa "Cá voi xanh" và các thuật ngữ liên quan.
Khi tham gia vào trò chơi "Cá voi xanh", người chơi sẽ được các "bậc thầy" trên mạng giao nhiệm vụ và kiểm soát trong khoảng thời gian 50 ngày. Mỗi ngày, người chơi sẽ thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Nếu hoàn thành, ngày tiếp theo, người chơi sẽ được giao nhiệm vụ mới.
Vào ngày thứ 50, các "bậc thầy" đứng sau trò chơi sẽ hướng dẫn các bạn trẻ cách tự tử. Đầu năm nay, phụ huynh ở Anh đã được giới chức cảnh báo về trào lưu "Cá voi xanh". Một trường học ở Basildon thậm chí còn liên hệ với cảnh sát Essex để được trợ giúp giải quyết vấn đề đang lan rộng trong học sinh toàn trường.
Sự hoảng loạn về thách thức trực tuyến tăng cao khi hai thanh thiếu niên Nga tìm đến cái chết vì trò chơi "Cá voi xanh" vào tháng 2/2017. Yulia Konstantinova, 15 tuổi và Veronika Volkova, 16 tuổi ở Ust-Ilimsk tự tử bằng cách nhảy lầu. Một cô gái tên là Ekaterina, 15 tuổi ở thành phố Krasnoyarsk bị thương nặng sau khi tìm đến cái chết bằng cách tương tự. Trước đó hai ngày, một cô gái 14 tuổi ở Chita nhảy tàu tự tử.
Các nhà điều tra Nga cho biết, đã phát hiện một trang web có ảnh hưởng đến quyết định tự tử của các cô gái. Trên trang web này, Yulia và Veronika đều để lại dòng chữ "Kết thúc" kèm theo hình ảnh một con cá voi xanh lớn. Trong trường hợp Chita, cảnh sát giao thông xác nhận rằng, trò chơi "Cá voi xanh" là nguyên nhân khiến cô gái trẻ tự tử.
Liên quan đến cái chết của những cô gái trẻ, cảnh sát Nga xác nhận đã bắt giữ một số đối tượng, trong đó có Philipp Budeikin, 21 tuổi. Philipp Budeikin đang bị giam giữ vì cáo buộc đã kêu gọi, khuyến khích ít nhất 16 cô gái tự tử bằng cách tham gia trò chơi trực tuyến "Cá voi xanh".
Philipp Budeikin đã thừa nhận tội ác của mình. Philipp Budeikin nói, các nạn nhân cảm thấy hạnh phúc khi tìm đến cái chết và việc khuyến khích tự tử là cách giúp "làm sạch xã hội".