Luật chơi của “Game lớn”
Cuối tháng 6, cuộc ra mắt cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Quang Thạch: “Những bước chân hy vọng” trở thành một sự kiện “kỷ lục” của NXB Phụ Nữ bởi số người tham dự và lượng bạn đọc từ xa về tham dự. Biết là không thể “tranh giành” Thạch với những người hâm mộ của anh, hai hôm sau, tôi mới có dịp ngồi riêng với “nhà cách mạng khuyến đọc”.
Câu đầu tiên tôi hỏi anh, tạm gọi với tư cách cùng hội cùng thuyền, là sau tất cả những nghi ngờ, từ chối rồi thậm chí suy đoán ác ý... dành cho việc tặng sách, anh có từng nản, có từng muốn bỏ cuộc? Thạch nheo nheo mắt hỏi lại: người ta không nhận sách các cô tặng hay nhận rồi không đưa cho học sinh? Tôi bảo có cả. Thạch kể thêm: “Khi tôi đến Ninh Bình, tự bỏ tiền mua sách, thuyết phục một dòng họ nhận nhưng khi họ xảy ra tranh chấp, một người chỉ mặt tôi mắng: cái thằng này đi tặng sách cũng là để kiếm tiền chứ làm gì! Trường hợp như thế không thiếu. Tôi cười thôi. Khi người ta thiết kế một game lớn, người ta sẽ phải đặt ra những giả định rủi ro, tất nhiên có cả giả định thành công. Cho nên bị hiểu nhầm, bị mắng mỏ, chụp mũ là điều tôi đã lường trước”.
Anh Thạch và bà Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc NXB Phụ Nữ) giới thiệu “Những bước chân hy vọng” |
Sinh năm 1975, học ngành tiếng Anh của Đại học Vinh, Nguyễn Quang Thạch từng nuôi mộng trở thành một nhà văn, một chính khách và ấn định con đường trở thành một nhà cách mạng thư viện để thay đổi nông thôn Việt Nam vào năm thứ ba đại học. Từ đó, anh vừa học, vừa nghiên cứu, thực nghiệm các mô hình thư viện ứng dụng thành công. Để có thêm kinh nghiệm thực tế, trong năm cuối đại học, anh xin làm quản lý thư viện của Khoa Ngoại ngữ ĐH Vinh, chuẩn bị cho hành trình đưa sách về nông thôn.
Tốt nghiệp, Nguyễn Quang Thạch vào Nam ra Bắc, làm nhiều nghề, đóng nhiều vai hòng tìm ra công thức cho “game lớn” của mình. Từng có thời điểm, Thạch làm công nhân ở nhà máy giầy suốt 3 tháng để tìm hiểu tại sao người ta đi làm công nhân và rằng từ nhỏ họ có được tiếp cận sách hay không?
Ở thời điểm Nguyễn Quang Thạch lập ra ba tủ sách dòng họ đầu tiên ở Thái Bình (3/2007), anh vừa từ bỏ công việc có thu nhập 14 triệu đồng/tháng. Người ta gắn sau tên anh một số tính từ như: gàn, điên... Cho đến khi anh quyết định đi bộ từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để vận động mọi người cùng mình “Sách hóa nông thôn” thì các danh xưng này “cứ định thế rồi”!
“Những bước chân hy vọng” vừa giống một dạng hồi ký, ghi lại những việc Nguyễn Quang Thạch đã trải qua, đã theo đuổi, đã làm, lại vừa giống một bức tâm thư gửi gắm rất nhiều mong muốn và dự định mà cái nào cũng vượt thoát “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.
Anh Thạch trên một hành trình Sách hóa nông thôn |
“Tôi muốn khi đọc sách này, người ta có thể được kích hoạt một điều gì đó, việc dễ nhất là đưa sách về quê, những người là cha mẹ thì mua sách cho con đọc. Xa hơn, tôi mong các công dân phải biết suy tư về thực trạng xã hội và hành động. Thanh niên mà cả ngày trùm chăn nằm trong phòng điều hòa lướt mạng thì buồn lắm. Chúng ta có thể làm được rất nhiều việc nếu nỗ lực. Một người học hành bình thường như tôi, đi ra từ làng như tôi, nhưng cần cù chăm chỉ và có khát vọng vì một xã hội tốt đẹp, tôi cũng đã làm được nhiều việc, tác động tích cực đến nhiều người, nhiều nơi”, anh chia sẻ.
Nguyễn Quang Thạch có lẽ là một minh chứng sống cho câu nói “con người không có rễ, nó có hai bàn chân” của B.Brecht. Những bước chân xê dịch thực ra cũng chính là một thái độ chống lại mọi sự mọc rễ, để từ đó mà mở ra hy vọng!
Làm đi, và đừng trông chờ “ai đó”
Mục tiêu mà Nguyễn Quang Thạch đặt ra khi xây dựng chương trình “Sách hóa nông thôn” là gây dựng được 300.000 tủ sách ở nông thôn. Mặc dù hiện nay mới được 1/6 chặng đường nhưng anh ước đoán: sẽ nhanh chóng cán đích thôi, hiện đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức chung tay lập tủ sách cho các làng, các trường, các dòng họ. Có những cá nhân, như anh Lê Minh Tuấn ở Quảng Trị, một mình gây dựng 3.200 tủ sách, hay tiến sĩ Nguyễn Văn Tâm (ĐH Stanford, Mỹ) cùng các cựu học sinh Lam Sơn đã đưa gần 2.000 tủ sách đến các lớp học ở Thanh Hóa, nhóm Phan Ngọc Anh Cương, Nguyễn Anh Tuấn lập được hơn 15.000 tủ sách nhân ái trên khắp cả nước...
Sau khi khuấy động được phong trào lập tủ sách, từ năm 2019, Nguyễn Quang Thạch bắt đầu đem “Sách hóa nông thôn” qua Ấn Độ. Quyết định này của anh gặp nhiều chất vấn, không ít hơn hồi anh phải thuyết phục hiệu trưởng các trường “cho phép” đặt tủ sách miễn phí tặng học sinh ở các lớp. Người ta nói rằng, việc lập tủ sách ở Việt Nam chưa xong, thói quen đọc của người dân còn chưa kịp “nảy số”, anh đã vội đi tìm “tiếng thơm” cho mình ở xứ khác. Đối diện với những lời như thế, Thạch lại vẫn cười bảo: “nếu sốt ruột vì tủ sách chưa đủ nhiều thì tự các anh chị lập ra đi. Đừng chờ “ai đó” đến lập tủ sách cho làng mình, họ mình, lớp con mình. Mỗi một phụ huynh chỉ cần góp vài chục ngàn đồng là lớp con mình đã có thể có một tủ sách vài chục đầu sách. Lại có người bảo: có tủ sách rồi nhưng học sinh không chịu đọc, anh nghĩ cách gì đi chứ? Tôi bảo: muốn có cơm thì trước hết phải có gạo đã. Tôi làm cái việc là đưa “gạo” đến tận lớp, còn việc dạy, khuyến khích trẻ con đọc sách thì phải nhờ vào hệ thống giáo dục, vào chính các phụ huynh. Thói quen đọc phải xây dựng từ nhỏ và tích lũy dần theo năm tháng, sách không phải thứ mà đọc xong thì người ta giỏi ngay hay giàu ngay, có thể phải mười, hai mươi năm sau người ta mới thấy rõ sự thay đổi của một thế hệ biết đọc sách”.
Ngoài việc phổ cập sách, Nguyễn Quang Thạch còn đang nỗ lực “Tiếng Anh hóa nông thôn”. Bốn năm qua, anh liên tục kết nối các tình nguyện viên ở Mỹ, Anh, Úc, Đức... hỗ trợ học sinh và giáo viên nông thôn học tiếng Anh. Có một thứ năng lượng không cạn dường như lúc nào cũng rừng rực cháy bên trong người đàn ông kỳ lạ này.
Một người “kế thừa y bát” của Nguyễn Quang Thạch
Trong cuộc hẹn phỏng vấn anh Thạch, tôi còn có dịp được ngồi cùng kỹ sư Lê Minh Tuấn, từ Quảng Trị bay ra để dự lễ ra mắt sách “Những bước chân hy vọng”. Tuấn sinh năm 1991, nổi tiếng trong cộng đồng khuyến đọc với thành tích đã xây dựng được 3.200 tủ sách cho riêng tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là huyện miền núi Hướng Hóa.
Anh Tuấn mang tủ sách đến tặng các học sinh ở Quảng Trị |
Được Nguyễn Quang Thạch truyền cảm hứng, Tuấn đã chuyển hướng những công việc thiện nguyện mình đang làm sang việc lập tủ sách tặng trẻ em nông thôn. “Việc huy động phụ huynh học sinh cùng tham gia rất khó. Người ta sẵn sàng bỏ ra 20 ngàn để đóng tiền ăn cho con, nhưng bảo họ bỏ ra 20 ngàn để mua sách thì không ai sẵn sàng. Những tủ sách đầu tiên, tôi đều tự bỏ tiền túi ra làm, tự tôi chọn sách, mua giá đựng rồi đến từng lớp xếp sách lên giá. Về sau, thấy hiệu quả của tủ sách, việc vận động của tôi dễ dàng hơn. Nhiều bạn bè cũng chung tay cùng tôi lập tủ. Chủ trương của tôi là không huy động tiền, chỉ nhận sách”, anh Tuấn cho biết.
Gần 10 năm đem sách về nông thôn, Tuấn bảo: “Buồn nhiều hơn vui! Bởi vì công việc khó khăn quá. Trước làm thiện nguyện, tôi cầm 10 két mì tôm đi tặng, ai cũng vui vẻ nhận, nhưng khi tôi thay mì tôm bằng tủ sách, không phải ai cũng hoan hỉ. Nhiều khi người ta nghi ngờ động cơ của tôi, công an thì sợ tôi tuyên truyền tài liệu chống phá, nhà trường thờ ơ. Cũng may, những khó khăn kiểu này ngày càng ít đi”!