Theo bà Chuyền, ngay sau khi nhận thông tin, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu xem xét lại thực tế này. Hiện, có hai nhóm chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo. Thứ nhất, hỗ trợ người dân vay vốn, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay đi học. Thứ hai, các chính sách cho không trực tiếp, trong tương lai sẽ dần phải giảm.
Bà Chuyền cũng cho biết, bắt đầu từ năm 2016, tiêu chí về hộ nghèo chỉ tính trên phần thu nhập sẽ không phù hợp. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Chính phủ nghiên cứu chuẩn nghèo đa chiều và đang xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân, địa phương để làm cơ sở xác định chuẩn nghèo đa chiều và áp dụng trong giai đoạn 2016-2020.
“Chuẩn nghèo trước đây chúng ta dựa trên thu nhập nhằm hỗ trợ cho người nghèo giảm bớt khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Chuẩn nghèo đa chiều gồm có nghèo về thu nhập, nghèo về thụ hưởng an sinh xã hội (y tế, giáo dục, nhà ở...). Trên cơ sở đó, có đối tượng chúng ta hỗ trợ để tăng thu nhập ngay, nhưng có đối tượng hỗ trợ để cải thiện về y tế, nhà ở”, Bộ trưởng Chuyền nói.