Những kết quả trái ngược
Ngày 24/8/2019, tài xế M. điều khiển xe ô tô đâm vào cột mốc (đo mực nước) ven đường trên địa bàn huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Vụ việc sau đó được Công an huyện Tam Đảo thụ lý giải quyết, xác định nguyên nhân do tài xế không làm chủ được tốc độ. Kết quả xác định nồng độ cồn tại hiện trường vụ tai nạn lúc 21h09 của Công an huyện Tam Đảo là 0mg/lít khí thở. Như vậy, với kết quả 0mg/lít khí thở, Cty bảo hiểm sẽ phải bồi hoàn gần 1 tỷ đồng cho chủ phương tiện.
Tuy nhiên,theo tìm hiểu của Tiền Phong và sao y bản chính hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, kết quả sinh hóa máu lúc 23h30 ngày 24/8/2019 tại bệnh viện của tài xế là 41.7mg/lít. Như vậy, kết quả đo nồng độ cồn tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt đối với tài xế M. là 41.7mg/lít khí thở, trong khi kết quả kiểm tra của Công an huyện Tam Đảo là 0mg/lít khí thở.
Một vụ việc tương tự, ngày 26/1/2019, một ô tô tông vào 2 người chờ xe buýt trên đường Hùng Vương rẽ Huỳnh Thúc Kháng, TP Tam Kỳ, (Quảng Nam), khiến 1 người chết, 1 người trong tình trạng nguy kịch. Bản kết luận điều tra số 96 ngày 24/6/2019 của Công an TP Tam Kỳ thể hiện, trưa 26/1, ông Ngô Quyền (SN 1959, trú xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đi dự đám cưới ở nhà hàng Thịnh Phát, TP Tam Kỳ. Tại tiệc cưới, ông Quyền có uống một ly bia (lời khai ông Quyền).
Sau đó, ông Quyền điều khiển xe ô tô 92A-070.45 chở một số người bạn về huyện Phú Ninh lấy quần áo đang phơi đưa vào nhà… Tiếp đó, ông Quyền điều khiển ô tô đến giao lộ Hùng Vương - Huỳnh Thúc Kháng và có dấu hiệu buồn ngủ, nhưng vì gần đến nhà người thân nên ông này cố lái xe.
Khi ông Quyền điều khiển ô tô đến trước đường Huỳnh Thúc Kháng thì ngủ gục. Ô tô của ông Quyền leo lên vỉa hè bên trái theo hướng lưu hành, tông gãy cây hoa sữa rồi tiếp tục lao vào chị Trần Thị Phương (SN 1981) và cháu Nguyễn Nho Long (2015, con ruột chị Phương) ở Tiên Phước, Quảng Nam. Vụ tai nạn khiến cháu Long tử vong, chị Phương bị thương nặng với tỷ lệ 68%.
Như vậy, ban đầu, cơ quan chức năng xác định tài xế đã sử dụng thức uống có cồn trước khi điều khiển ô tô gây tai nạn. Tuy nhiên, ngày 8/7/2019, phúc đáp Văn bản số 236 ngày 14/6/2019 của phía doanh nghiệp bảo hiểm, Công an Tam Kỳ xác định nguyên nhân vụ tai nạn trên do ông Quyền điều khiển ô tô trong tình trạng buồn ngủ, với kết quả đo nồng độ cồn trong cơ thể ông Quyền thời điểm gây tai nạn bằng không ( 0mg/lít khí thở).
Với kết quả 0mg/lít khí thở ở vụ tai nạn này của lái xe tại thời điểm gây tai nạn, Cty bảo hiểm sẽ phải chi trả 200 triệu đồng. Tuy nhiên giữa thông tin của Công an Tam Kỳ trả lời báo chí ban đầu và văn bản phóng viên thu thập được có nội dung trái ngược nhau. Cụ thể, theo bản sao y bệnh án của bệnh nhân Ngô Quyền tại Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện, cho thấy, kết quả xét nghiệm sinh hóa xác định nồng độ cồn trong máu của ông Quyền là 2.0mg/lít khí thở (xét nghiệm này được thực hiện sau 20 giờ kể từ thời điểm xảy ra vụ tai nạn).
Chuyên gia nói gì?
Một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm chia sẻ, có trường hợp người được bảo hiểm còn tìm cách lập hồ sơ giả, hiện trường giả, thay đổi tình tiết vụ tai nạn hay giả mạo tài liệu, làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường để được hưởng tiền bảo hiểm.
Có trường hợp còn mua bảo hiểm cho một tài sản tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để được nhận tiền bảo hiểm lớn hơn giá trị của tài sản; khai tăng hoặc khai khống mức độ tổn thất, sự kiện bảo hiểm (chủ yếu diễn ra trong bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe cơ giới). Thậm chí, đối tượng còn gian lận bằng cách dù không có tổn thất nhưng vẫn khai báo có tổn thất để trục lợi bảo hiểm.
Ông Phan Văn Trung, đại diện Tổng Cty CP bảo hiểm Bưu Điện cho biết: Theo quy định của một số cty bảo hiểm, việc tài xế gây tai nạn, nếu kiểm tra có nồng độ cồn trong máu sẽ không được chi trả, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế tại một số vụ tai nạn, khi công an kiểm tra không thấy nồng độ cồn trong khí thở, nhưng y tế xác định được có nồng độ cồn trong máu tài xế . Điều này gây tranh cãi cty bảo hiểm với tài xế và cả với cơ quan chức năng.
Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong giai đoạn từ năm 2008-2017, đã có trên 78.000 vụ trục lợi bảo hiểm với số tiền bị trục lợi khoảng 1.100 tỷ đồng, trung bình tổn thất 110 tỷ đồng/năm.