Người có nghề "không giống ai" là vợ chồng ông Lê Văn Hiếu (59 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán, Đồng Nai). Năm 2005, ông tình cờ phát hiện đàn kiến nhọt (côn trùng có thân to màu đen, dài) vào hang tấn công bọ cạp khiến loài động vật có nọc độc phải chạy ra ngoài. "Tôi quan sát và nghĩ đến việc sử dụng kiến săn bọ cạp thay cho việc đào hang. Nghề câu thứ côn trùng lạ lùng bén duyên với tôi từ ngày đó", ông Hiếu kể.
Kiến nhọt sống ở những hang sâu trong các khu rừng đất đỏ, rẫy cao su... nên việc săn bắt phải khéo léo. Theo thợ câu, họ dùng dây buộc xác bọ cạp rồi cho vào hang nhử kiến. Không lâu, loài côn trùng màu đen kéo đến bám kín nguồn thức ăn ưa thích.
Côn trùng háu ăn ra miệng hang, vợ chồng ông Hiếu sử dụng bông cỏ mềm làm cần câu. Kiến vây mồi nhưng phát hiện có sự xâm nhập thì lập tức lao ra đánh đuổi. Khi chúng bám chặt, cắn vào bông cỏ ông sẽ rút cần rồi bỏ chúng vào xô nhựa.
Người cầm cần phải đảo đều tay, không đảo quá mạnh cũng không quá nhẹ để kích thích côn trùng bu bám. Việc làm không nặng nhọc nhưng đòi hỏi người câu nhẫn nại.
Theo nông dân 59 tuổi, kiến nhọt chiếm hang mối và sống năm này qua năm khác. Mỗi tổ có nhiều cửa hang, mỗi hang có đường kính 5-6 cm. Người đánh kiến phải có kỹ năng xác định đâu là cửa chính để tránh. "Câu các cửa phụ, kiến sẽ đến nhiều và tổ vẫn được duy trì cho lần sau. Nếu câu trúng cửa chính, đàn côn trùng còn lại sẽ đưa tổ đi nơi khác sinh sống", ông Hiếu chia sẻ kinh nghiệm.
Mỗi kg "thợ săn bọ cạp" có giá từ 130.000 đến 160.000 đồng.
Nghề lạ giúp vợ chồng nông dân có thu nhập trang trải cuộc sống. Bà Trần Thị Phe - vợ ông Hiếu cho biết, mỗi ngày họ bắt trung bình 5 kg kiến. Vào mùa mưa, côn trùng sinh nở nhiều nên có ngày đạt 9,7 kg. Mỗi tháng, cặp vợ chồng thu nhập từ nghề 15-30 triệu đồng.
Người săn bọ cạp chỉ mua kiến sống nên việc bắt, nhốt... phải có cách nuôi đặc biệt. Khi cho côn trùng vào thùng nhựa, người câu phải dùng củi khô xếp tầng để chúng bu bám. Thùng chứa được đặt ở nơi có bóng râm, tránh nắng trực tiếp.
Ông Hiếu cho biết: "Nuôi nhốt không tốt, đàn sẽ chết và thất thu. Có lần thời tiết nắng nóng, đưa về đến nhà thì kiến chết phân nửa. Để tránh rủi ro, lâu lâu tôi phải vỗ đáy thùng chứa kiểm tra. Nếu âm thanh trong thì đàn sống tốt, ngược lại nghe 'bục bục' là xác kiến phủ kín bên trong, phải di chuyển đàn".
Những năm gần đây, cặp đôi 59 tuổi phổ biến kỹ thuật bắt côn trùng đặc biệt cho những lao động nghèo cùng xã, giúp họ có thu nhập nuôi sống gia đình.
Công việc của thợ câu kiến bắt đầu từ mờ sáng đến chiều tối. Để có nguồn hàng bán cho người có nhu cầu, vợ chồng ông Hiếu phải lùng sục khắp các khu rừng, rẫy cao su ở huyện Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành (Đồng Nai), thậm chí sang các huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước.
Người săn bắt không tận diệt côn trùng, mỗi tổ họ chỉ câu một lượng nào đó rồi đậy cửa hang để kiến sinh sản, duy trì đàn. Sau 20 ngày họ sẽ quay lại kiểm tra tổ và đưa ra quyết định tiếp theo.
Tuổi cao nhưng mỗi ngày, vợ chồng ông Lê Văn Hiếu vẫn chạy xe máy hàng trăm km đi săn kiến. Ông cho biết, đường xa, đi lại vất vả nhưng đổi lại có niềm vui và thu nhập. "Việc làm nhẹ nhàng, tạo sự hứng khởi. Nghỉ việc ngày nào tôi thấy buồn chán ngày đó nên không nghĩ đến chuyện bỏ nghề", nông dân có mái tóc lấm tấm sợi bạc nói.