Trước khi trở thành một lừng danh kiếm khách, Lệnh Hồ công tử vốn chỉ là một học viên bình thường ở một ngôi trường có vẻ danh môn chính phái mang tên Hoa Sơn. Tất nhiên ngôi trường đấy cũng có một vị hiệu trưởng, hình như tên Nhạc Bất Quần. Và cũng giống như vài hiệu trưởng gần đây ở ta vừa bị bắt, đương nhiên Nhạc hiệu trưởng là một kẻ ngụy quân tử. Chữ “bất quần” có nghĩa cao đạo không thích đám đông, nhưng cũng như vài giáo sư yêu cô đơn hay hiện hình lên tivi, Nhạc hiệu trưởng rất sợ đám đông không biết mình đang “độc hành kỳ đạo”. Vì Hoa Sơn là trường chuyên luyện kiếm nên Bất Quần họ Nhạc hợm hĩnh vui khi được truyền thông gọi mình là “Quân tử kiếm”. Thầy như thế liệu trò sẽ có là như thế.
May thay, Lệnh Hồ Xung khác hẳn. Bởi tuy cốt cách thật quân tử, nhưng khi ứng xử với đời, chàng trai họ Lệnh Hồ đích thực là một lãng tử. Quân tử thì có chân ngụy, nhưng lãng tử thì tuyệt nhiên không. Phẩm chất của lãng tử hoàn toàn dựa trên nền tảng đạo đức của người quân tử. Đó là “tâm tính thanh minh, biết điều gì thì càng ngày càng tinh thâm thuần thục. Dốc lòng làm việc nghĩa không để ý đến nhỏ nhen danh lợi. Bụng dạ tự nhiên thành thực, hòa với mọi người nhưng không về hùa với người. Lúc khốn cùng thì cứ lấy nghĩa mệnh mà tự yên chứ không như tiểu nhân, thế nào cũng làm điều bậy bạ. Với trời đất thì thận trọng kính cẩn, với người thì nhân hậu từ ái”. ("Nho Giáo" – Trần Trọng Kim). Có điều hơi khác, với quân tử, thường làm người ta nghiêm trang rưng rưng, lãng tử tuy hay gặp bất hạnh nhưng thích làm người khác mỉm cười, thậm chí bật cười. Quân tử có thể làm quan nhưng lãng tử muôn đời chỉ thảo dân. Quân tử có thể thành giáo sư nhưng lãng tử lúc nào cũng như thằng sinh viên vừa thôi học. Lệnh Hồ Xung tiêu sái bao dung phóng khoáng, quý rượu hơn tính mạng, yêu đàn bà thì thủy chung có đầu có cuối, đương nhiên mắc vô số sai lầm. Những kẻ như vậy liệu có thành công khi luyện kiếm.
Bởi theo văn hóa cổ trung đại phương Đông, kiếm là vũ khí đứng đầu trong mười tám loại binh khí. Tất nhiên, tùy theo văn hóa của từng quốc gia, số loại binh khí thường đa dạng, đôi khi lên tới vài chục loại. Ví như người Việt chẳng hạn, kiếm hay đao không phải là lợi khí kinh điển. Ở những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của mình, đôi khi nó chỉ là cây gậy tre già hay tầm vông, trong sinh hoạt thường nhật nó bình dị được sử dụng làm đòn gánh. Chiêu số võ công đòn gánh của người Việt đã tới mức thượng thừa. Có phải vậy chăng mà huấn luyện viên bóng đá người Hàn là Park Hang Seo có vẻ ngấm đẫm “văn hóa đòn gánh”, nên đã rất thành công khi sử dụng chiến thuật phòng ngự phản công cho đội tuyển Việt Nam theo kiểu này. Khi công thì chớp nhoáng phang đập, khi thủ thì lỳ lợm đỡ đón. Thế nhưng nói theo Cổ Long, người tề danh cùng với Kim Dung được rộng rãi võ lâm xưng tựng là song hùng kỳ hiệp thì “về thứ hạng, giữa kiếm với bất kỳ vũ khí nào khác luôn có một khoảng cách rất lớn. Vũ khí nào cũng có công dụng đánh giết địch nhân nhưng kiếm còn biểu hiện cho một sự cao quý. Từ xưa, các bậc đế vương, quan tướng, quý tộc, danh sĩ vẫn thường dùng kiếm như vật trang sức sang trọng. Hơn nữa, kiếm có quan hệ mật thiết với tầng lớp nho sĩ và thi gia. Lý Bạch vẫn thường mang kiếm bên người, ông là thi nhân mà cũng là kiếm khách. Nhưng kiếm của ông không bằng thơ của ông, nên người đời chỉ truyền tụng ông là thi tiên mà lờ đi kiếm pháp”. (Kiếm thần nhất tiếu - NXB Hội Nhà văn - 2003). Kiếm mang ngạo khí giống như cao cả văn chương, chỉ đâm trực diện chứ không bao giờ đâm trộm. Những cao thủ trên giang hồ khi tinh tế phá án nhìn vết thương do kiếm thì biết ngay, chỉ ở trước ngực chứ tuyệt không sau lưng. Kiếm của Lệnh Hồ lãng tử y hệt vậy.
Lệnh Hồ Xung được chân truyền kiếm đạo từ một kiếm khách khét tiếng đã chán đời “gác kiếm rửa tay”. Vị này ghét cay ghét đắng tất cả các loại “quân tử kiếm”, vì ông cho rằng không có một chiêu số võ công cao minh nào lại có thể địch được những âm mưu, những quỷ kế từ lòng người nham hiểm. Ông tái xuất giang hồ dạy kiếm cho Lệnh Hồ Xung chỉ vì sự dĩnh ngộ trong trắng ở chàng. Phần nữa, từ trách nhiệm của một bậc thầy không muốn tuyệt chiêu thượng thừa đẫm đầy tâm huyết của cổ nhân bị thất truyền. Bằng sự thông minh tuyệt đỉnh, chàng trai trẻ Lệnh Hồ đã lĩnh hội kiếm pháp vô địch “Độc Cô cửu kiếm” chỉ trong vòng ba đêm, theo hai nguyên lý tối giản. Một là “nếu chỉ thuộc ba trăm bài Đường thi nhưng nếu không tự mình sáng tác cũng không thể trở thành đại thi nhân được”. Hai là “bậc đại trượng phu khi hành sự thì như nước chảy mây trôi theo đúng ý mình, chỉ cần không thấy thẹn với trời đất. Còn cái gì qui củ võ lâm, cái gì giáo điều môn phái, mẹ kiếp, toàn là thứ cứt chó cả”. (Tiếu ngạo giang hồ - Nxb Văn học -2001). Không phải ngẫu nhiên mà rồi đây khi ra hành hiệp giang hồ, với kiếm pháp “cầu bại” đấy, Lệnh Hồ công tử đã làm được không biết bao nhiêu những việc khuyến thiện trừng ác để duy trì công đạo. Đã là nguyên lý lớn thì rất khó sai, những bạn trẻ đang star-up trong phong trào “Quốc gia khởi nghiệp” ở ta nên tham khảo cái bài học muôn đời không cũ này.
Lệnh Hồ Xung là nhân vật tiểu thuyết nên đương nhiên hoang đường, nhưng kiếm đạo là một thành tựu văn hóa có thật, một di sản vô giá cho chung các dân tộc ở phương Đông. Tầng lớp Samurai ở Nhật có hẳn một bộ quy tắc về kiếm (bushido), để kiếm sĩ nhập môn bắt buộc phải tuân thủ. Rất nhiều thế hệ học giả Nhật tự hào là tinh thần võ sĩ đạo đã tạo ra một nước Nhật hưng thịnh hiện đại. Người Việt chắc cũng từng sở hữu những kiếm khách của riêng mình. Theo dã sử thì danh tướng Đặng Dung thời mạt Trần chính là một đại cao thủ về kiếm. Hai câu tuyệt cú nặng lòng ái quốc của ông, Quốc thù vị báo đầu tiên bạch. Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma (thù nước chưa báo được mà đầu đã bạc rồi. Bao lần mang kiếm ra mài dưới bóng trăng), đã phần nào bộc lộ nhân cách của một kiếm thủ thượng thừa. Người Việt vốn bình hòa, trong tranh chấp dân sự chỉ động khẩu chứ ít khi động thủ đơn đả độc đấu, nên có lẽ kiếm pháp của Đặng tướng công bị thất truyền. Người đời thường chỉ nhắc về lòng yêu nước của ông mà “lờ đi kiếm pháp”.
Cha đẻ ra Lệnh Hồ Xung là nhà văn Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung, và quần hùng hai đạo Hắc Bạch đồng thanh kính trọng gọi là Tra đại hiệp. Đầu đông năm vừa rồi, đại hiệp tạ thế, khắp hải nội tam sơn ngũ nhạc đều nghẹn ngào thương tiếc. Cái đêm nhận được tin dữ, vô tình đang đọc lại Tiếu ngạo giang hồ, bản in cũ trước bẩy nhăm, từng trang chữ còn lem nhem mực tím. Đọc ông từ thuở tóc xanh, giờ đây đầu đã ngả sương, cảm xúc vẫn nguyên vậy thì cảm khái ứa lệ. Khóc ông bằng mấy dòng chữ mọn này, một nén tâm hương muộn, chân thành dâng tới Thiên Hạ Đệ Nhất Nhân của rừng võ không kiếm.
Với quân tử, thường làm người ta nghiêm trang rưng rưng, lãng tử tuy hay gặp bất hạnh nhưng thích làm người khác mỉm cười.