Nhưng kịch bản cho hai mạng di động VinaPhone và MobiFone sẽ như thế nào thì vẫn còn là ẩn số.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, dự kiến trong tháng 9 này sẽ chính thức triển khai tái cơ cấu VNPT. Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, theo đề án đã trình Chính phủ, khi tái cơ cấu phải đảm bảo mạng viễn thông tách ra sẽ hình thành 1 doanh nghiệp viễn thông mạnh quốc gia và bộ phận còn lại cũng vẫn là một tập đoàn mạnh.
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu sẽ bảo đảm hình thành và duy trì được thị trường viễn thông có từ 3 - 4 mạng viễn thông tầm cỡ quốc gia đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh. Tâm điểm cho việc tái cơ cấu VNPT chính là số phận của hai mạng di động của tập đoàn này sẽ được tiến hành theo mô hình nào.
Theo quy định tại Nghị định 25 thì VNPT sẽ không được cùng sở hữu hai mạng di động mà bặt buộc phải tiến hành cổ phần hóa 1 trong hai mạng di động của mình và chỉ được sở hữu không quá 20% mạng di động được cổ phần hóa.
Sẽ phức tạp và tốn nhiều thời gian nếu cổ phần hóa VinaPhone
Vậy mạng VinaPhone hay MobiFone sẽ được tách ra để tiến hành cổ phần hóa sẽ là tối ưu nhất? Để trả lời cho câu hỏi này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kịch bản giả định cho các phương án tái cấu trúc VNPT .
Các chuyên gia cho rằng nếu tiến hành cổ phần hóa VinaPhone cần phải tách mạng di động này thành 1 đơn vị độc lập. Để làm được như vậy thì sẽ phải mất ít nhất 3 năm giống như trường hợp của Tổng công ty Bưu điện (VNpost).
Khi VinaPhone đã hình thành công ty độc lập thì sẽ tiến hành đánh giá để cổ phần hóa tuy nhiên việc đánh giá sẽ mất nhiều thời gian vì như MobiFone 5 năm sau khi xác định giá trị doanh nghiệp vẫn chưa cổ phần hóa xong.
Điểm khó nhất của phương án này là VinaPhone chưa từng là đơn vị kinh doanh độc lập trong quá khứ do đó việc xác định giá trị doanh nghiệp khó chính xác. Các chuyên gia cho rằng nếu tiến hành cổ phần hóa VinaPhone sẽ phải mất nhiều thời gian vì hiện nay mạng lưới của VinaPhone cũng như tài sản, con người với các viễn thông tỉnh thành rất phức tạp.
Đã nhiều năm các viễn thông tỉnh thành quản lý mạng VinaPhone ở các địa phương và quản lý thuê bao trả sau, trong khi đó VinaPhone chỉ quản thuê bao trả trước và không nắm được mạng lưới ở các địa phương.
Các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp VinaPhone được tách ra độc lập để cổ phần hóa thì để trở thành một tập đoàn viễn thông với đầy đủ giấy phép kinh doanh từ đường trục, cố định, truyền hình thì khả năng thành công chưa chắc đã cao. Thứ nhất, VinaPhone chưa có kinh nghiệm điều hành một doanh nghiệp độc lập ngay cả với di động do đó khó có thể phát triển thành một tập đoàn mạnh. Thực tế hiện nay, tiềm lực tài chính của VinaPhone rất yếu, toàn bộ thu nhập tài chính trước đây đều thuộc về tập đoàn vì đây là đơn vị hạch toán phụ thuộc
Tách MobiFone để hình thành thế chân vạc
Theo quy hoạch thị trường viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt, đối với những thị trường dịch vụ quan trọng như di động phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng để tạo sự cạnh tranh và hình thành từ 3 – 4 tập đoàn viễn thông lớn.
Trong bối cảnh thực tế hiện nay, nếu tiến hành cỏ phần hóa MobiFone lại dễ dàng hơn nhiều so với VinaPhone và thị trường viễn thông sẽ nhanh chóng hình thành thế chân vạc là Viettel - VNPT – MobiFone đúng như quy hoạch của Thủ tướng.
Theo các chuyên gia, MobiFone đã xác định xong giá trị doanh nghiệp do đó việc cổ phần sẽ rất dễ dàng vì chỉ việc đẩy mạnh các công việc là có thể cổ phẩn hóa được. Hơn nữa, MobiFone đang là đơn vị hạch toán độc lập nên việc tiến hành cổ phần hóa không phức tạp như VinaPhone.
MobiFone đã có kinh nghiệm 10 năm với nước ngoài, 20 năm hạch toán độc lập do đó việc tiếp nhận trở thành 1 tập đoàn mạnh sẽ thuận lợi rất nhiều vì có nhiều kinh nghiệm quản lý độc lập, có tiềm lực tài chính nên có thể dễ dàng cổ phần hóa để trở lên mạnh hơn và mang lại lợi ích cho nhà nước cũng như ngành viễn thông.
Khi tách MobiFone ra khỏi VNPT các VNPT địa phương sẽ phải vận động theo cơ chế hiệu quả của thị trường, những đơn vị không hiệu quả sẽ lộ ra và cần có điều chỉnh tái cơ cấu để hiệu quả. Ngay bản thân VinaPhone cũng sẽ phải nỗ lực hơn nữa để cạnh tranh bởi sẽ không còn sự tương trợ từ MobiFone.
Thế nhưng, một kịch bản khác cũng được giả định đưa ra là MobiFone sẽ nằm trong VNPT thì mạng này sẽ ra sao? . Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tách Vinaphone ra khỏi VNPT có nghĩa là MobiFone thuộc về VNPT. Khi đó thì chắc chắn các VNPT tỉnh sẽ cùng tham gia kinh doanh với MobiFone. Lúc đó khó có thể phối hợp hiệu quả giữa gần 50.000 cán bộ của VNPT tỉnh với 4.000 cán bộ của MobiFone bởi sự khác biệt trong cung cách quản lý và điều hành lâu nay khi một bên quen với việc độc lập và hiệu quả với một bên kinh doanh không theo hiệu quả.
Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại đến kịch bản này bởi khi đó MobiFone sẽ khó hoạt động hiệu quả và khó có thể giữ được giá trị thương hiệu MobiFone hay nói cách khác là MobiFone sẽ không còn hoạt động hiệu quả và đánh mất thương hiệu MobiFone.
Về cơ cấu tổ chức thì 63 VNPT tỉnh tương đương với MobiFone do đó không thể điều hành và hợp tác hiệu quả được. Ở góc độ khác, do MobiFone đang có nhiều lợi nhuận nên sẽ có tâm lý ỷ lại không đổi mới dẫn đến hiệu quả hoạt động vẫn không thay đổi của các VNPT địa phương.
Bài toán khó cho VNPT
Trên thực tế hiện nay cho dù là bất cứ kịch bản nào của hai mạng VinaPhone và MobiFone cũng là bài toán khó cho VNPT. MobiFone đang chiếm tới 70% lợi nhuận của VNPT (6.600 tỷ đồng/ 8.500 tỷ năm 2012). Nếu VNPT giữ lại MobiFone và tách ra cổ phần hóa VinaPhone thì được lợi trước mắt là giữ được lợi nhuận lớn từ MobiFone.
Khi tách VinaPhone ra thì phần hạ tầng Vinaphone sẽ phải thuê lại của VNPT với giá cao và có thể điều chuyển 1 lượng lớn cán bộ CBNV viễn thông tỉnh sang VinaPhone. Như vậy, sẽ không có động lực mạnh mẽ để đổi mới các VNPT tỉnh với tâm lý ỷ lại bám vào MobiFone. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại chỉ sau 3 năm áp dụng mô hình này thì cả khối VNPT tỉnh sẽ kéo theo MobiFone và VNPT cùng "chìm".
Như vậy, nếu tách ra để cổ phần hóa MobiFone thì VNPT sẽ mất đi phần lớn lợi nhuận từ MobiFone. Tuy nhiên, VNPT vẫn còn 20% lợi nhuận khi có cổ phần trong MobiFone. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, VNPT có thể chuyển một số hoạt động kinh doanh đang lỗ như vệ tinh Vinasat cho MobiFone để giảm lỗ đồng thời bắt buộc phải loại bỏ và tái cơ cấu triệt để những đơn vị yếu kém không hiệu quả.
Như vậy, kịch bản nào sẽ được VNPT lựa chọn, Bộ TT&TT và Chính phủ quyết định vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Việc tái cơ cấu VNPT để mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy thị trường phát triển đang đặt gánh nặng lên vai cơ quan quản lý.