Khuôn khổ pháp lý nào cho hộ kinh doanh?

Khuôn khổ pháp lý nào cho hộ kinh doanh?
Hiện nay Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà quản lý, đặc biệt là khu vực hộ kinh doanh.

Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật lần này là đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Vậy, nội dung về hộ kinh doanh sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong Dự thảo Luật? Đâu là khuôn khổ pháp lý cho hộ kinh doanh? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Xin chào Ông Phan Đức Hiếu!

Thưa Ông, vấn đề hoàn thiện khung pháp lý cho hộ kinh doanh đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Vậy, từ thực tiễn nghiên cứu, Ông đánh giá như thế nào về các quy định pháp luật về hộ kinh doanh hiện nay?

Có thể thấy, từ khái niệm về hộ kinh doanh cho đến địa vị, trách nhiệm pháp lý của hộ kinh doanh đều không rõ ràng. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh đang chịu nhiều hạn chế bởi các quy định như: chỉ được kinh doanh ở một địa điểm, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, không có quy định về thủ tục giải thể, phá sản, không được hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, vấn đề pháp lý của hộ kinh doanh cần được xử lý trong Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp mà cần khung pháp lý riêng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Việc đưa hộ kinh doanh vào trong Luật Doanh nghiệp hay một luật nào khác không quan trọng, quan trọng là tạo được khung pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ.

Quan điểm của cơ quan hoạch định chính sách là không xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không bắt buộc các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Không thể tiếp cận đối tượng hộ kinh doanh theo hướng “buộc” các hộ phải đăng ký lên thành doanh nghiệp.   Thực tế, pháp luật hiện hành đã có các quy định khuyến khích, tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Do đó, việc xóa bỏ hộ kinh doanh hay bắt buộc họ chuyển thành doanh nghiệp đều không đúng, không hợp lý.

Khuôn khổ pháp lý nào cho hộ kinh doanh? ảnh 1  

Vậy, dưới góc độ cơ quan Soạn thảo, Ông có thể cho biết, vấn đề về hộ kinh doanh sẽ được Luật hóa như thế nào trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, thưa Ông?

Dự thảo Luật lần này sẽ làm rõ khái niệm hộ kinh doanh, họ là ai? Ai là người chịu trách nhiệm cho hộ? Quyền và nghĩa vụ của hộ như thế nào…vv

Điều quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn về mặt pháp lý, tức là nhà nước sẽ bảo hộ các hộ kinh doanh, giúp tối đa hóa các nguồn lực, xóa bỏ các hạn chế đang tồn tại.

Đã kinh doanh thì dù là doanh nghiệp hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng phải có đầy đủ các thương quyền để kinh doanh một cách tốt nhất. Chính vì vậy, khuôn khổ pháp lý với hộ kinh doanh phải đơn giản nhất, linh hoạt nhất để các hộ kinh doanh một cách thuận lợi nhất.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG