Không thơm cũng thể hoa nhài...

0:00 / 0:00
0:00
Một góc Hà Nội xưa
Một góc Hà Nội xưa
TP - Sinh ra ở Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước, tôi may mắn sống qua nhiều thời kỳ, chứng kiến những đổi thay lớn của Hà Nội. Có những điều tốt đẹp hơn ở Hà Nội ngày nay, nhưng cũng có những nền nếp đã mất đi mà người mới đến sau này không nhận ra.

Các con, các cháu thế hệ trẻ bây giờ đôi khi cũng thắc mắc bắt tôi phải đưa ra định nghĩa “thế nào là văn hóa Hà Nội xưa”. Làm sao có thể tóm gọn trong vài câu, vài dòng? Tôi bèn khuyên chúng tìm đọc về một chút dịu dàng đằm thắm của cô Liên trong Gánh hàng hoa; một chút bảo thủ, không thoát ra khỏi vòng lễ giáo của cô Loan trong Đoạn tuyệt; một chút cô đơn trong mơ mộng của anh Trương trong Bướm trắng, một chút thủy chung và nhẫn nại hy sinh của cô Mai trong Nửa chừng xuân… Là thế đó, qua lăng kính của những tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, có thể mơ hồ hình dung về nét văn hóa xưa của mảnh đất kinh kỳ ngày đó.

Hà Nội và những nếp xưa

Hà Nội xưa chỉ là một thành phố xinh xắn, hiền hòa, với 36 phố phường và năm cửa ô. Phố xá Hà Nội ngắn, gọn và sạch sẽ, nhà cửa khang trang. Người Hà Nội hầu như quen biết nhau gần hết. Họ chung sống hài hòa, đối xử với nhau lịch sự. Khoảng cách giữa giàu và nghèo không chênh lệch là mấy.

Không thơm cũng thể hoa nhài... ảnh 1
Không thơm cũng thể hoa nhài... ảnh 2
Không thơm cũng thể hoa nhài... ảnh 3
Không thơm cũng thể hoa nhài... ảnh 4

Ký ức Hà Nội xưa

Trong trí nhớ của tôi, văn hóa của người Hà Nội thời ấy thể hiện qua hình ảnh của những người đàn ông phong lưu, lịch lãm, tề chỉnh mỗi khi bước ra khỏi cửa, qua các bà nội trợ nề nếp, đảm đang, khăn nhung, áo lụa, khoe tài nữ công gia chánh, qua những mâm cỗ thịnh soạn vào các ngày giỗ, ngày Tết, qua các cô thiếu nữ duyên dáng, e ấp trong tà áo nhung, tấm khăn quàng, lên chùa lễ Phật buổi đầu năm…

“Không thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An…” Cái thanh lịch của người Hà Nội thể hiện đầu tiên trong giao tiếp xã hội. Tiếng nói Hà Nội chuẩn xác, phát âm đúng, người Hà Nội với vốn từ giàu có, lại biết sử dụng đúng nơi đúng chỗ, hợp cảnh, hợp tình, tạo nên một phong cách riêng không pha trộn vừa hào hoa, nhã nhặn, vừa lịch lãm nhún nhường.

Trong quan hệ với bạn bè, khách khứa, người Hà Nội bao giờ cũng có một thái độ hiếu khách truyền thống, nồng nhiệt mà không thô bạo, niềm nở mà không suồng sã. Khi khách đến nhà, người chủ dù bận việc cũng phải đứng dậy mời chào. Nếu đang mặc áo ngắn, quần cộc, áo cánh thì mặc quần áo dài nghiêm chỉnh rồi mới tiếp khách.

Trong ăn uống của người Hà Nội cũng có những nét khác biệt và thể hiện một trình độ thẩm mỹ hay nói đúng hơn là năng khiếu trong việc chế biến món ăn. Chỉ cần quan sát mâm cơm ngày tết hay mâm cơm khách của người Hà Nội là thấy ngay được tính lịch sự và chu đáo trong đó. Trong mâm bao giờ cũng có rất nhiều món, mỗi món một chút, mỗi món cho một khẩu vị riêng.

Về cách ăn mặc, phụ nữ hồi ấy khi ra đường đa số mặc áo dài, quần trắng hoặc đen; đi giày nhung hoặc sandal có màu sắc; áo nhã nhặn, nền nã, không lòe loẹt. Nếu không mặc áo dài có thể mặc áo cánh, áo sơ mi với quần lụa đen và đội nón. Cổ áo phải kín đáo, nếu áo mỏng, phải có lót, không được để hở da thịt.

Nam giới thường mặc áo sơ mi, quần âu hoặc complet thắt cravat, đa phần là màu sắc trang nhã, đi giày trắng hoặc đen. Giày mỏ vịt (de canard) và giày hai màu lẫn lộn (deux couleurs) là hai loại giày được ưa chuộng nhất thời bấy giờ. Đầu các ông đội mũ cát hoặc mũ phớt. Công chức Hà Nội bình dị với áo sơ mi sáng màu cùng quần vải kaki.

Cả nam và nữ đầu tóc đều phải gọn gàng. Là nữ trung tuổi thì búi tóc, hoặc vấn tóc trần, trẻ tuổi có thế tết đuôi sam hoặc cặp gọn gàng sau gáy. Tuyệt nhiên không được xõa xượi che mắt mũi và khuôn mặt. Đặc biệt phụ nữ Hà Nội xưa không ưa để tóc mái lòa xòa che hết trán. Các cụ nói rằng vầng trán sáng sủa là nơi thể hiện trí thông minh và khí chất của mỗi người, che đi sẽ khiến khuôn mặt tối tăm, phúc tướng vì thế cũng suy giảm...

Những thói quen, tập quán cũ, gia phong… nơi nào cũng thế, rồi sẽ đến lúc bị bào mòn bởi dòng chảy thời gian và sự xô bồ của cuộc sống. Chỉ có nét văn hóa riêng có của người Hà Nội là vẫn như mạch ngầm dai dẳng ẩn chứa, tại mỗi nếp nhà hay ngoài đời thường. Ẩn trong cách sống, trong lối đối nhân xử thế của người Hà Nội là sự lịch lãm, hào hoa; mang hơi hướng của truyền thống văn hóa lâu đời.

Ra phố, ai cũng đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai. Phụ nữ, đi qua trước mặt người khác phải khép nép, thậm chí phải đi vòng ra đằng sau. Đàn ông luôn có tác phong lịch sự, quần áo, đầu tóc phẳng phiu. Ai cũng nói năng nhỏ nhẹ, chậm rãi, luôn bắt đầu bằng chữ “thưa” phía trước. Cười nói đúng lúc, đúng chỗ. Khi cười luôn lấy tay, hoặc nón mũ che miệng lại. Không bạ đâu nói đấy, chen ngang lời người khác. Không nói to, cười to. Đó là “nét” Hà Nội.

Phải chăng, vì được dạy dỗ kỹ càng như thế, ngay từ trong cuộc sống hàng ngày nên “nước chảy đá mòn”, người Hà Nội xưa ai cũng tinh tế và thanh lịch, bất kể là họ có được học hành nhiều hay không.

Nét riêng của kẻ sỹ

Phải trải nghiệm nhiều năm ở Hà Nội, bạn mới thấu hiểu tính cách người Hà Nội. Những gia đình lâu đời ở Hà Nội (từ 5 thế hệ trở lên), họ có nếp sống điển hình. Từ sinh hoạt gia đình, cư xử giữa các thành viên, cho đến nuôi dạy con cái.

Người Hà Nội, khi vui không sôi nổi, ồn ào. Khi bất bình, giận dữ, biết kiềm chế lời ăn tiếng nói để tránh xung đột. Sự thanh lịch ấy không phải chỉ tập tành trong một sớm một chiều để có được, mà phải có sẵn trong nếp nhà, từ trước khi đứa trẻ sinh ra đời. Để rồi khi lớn lên, đứa trẻ cứ rập khuôn theo nền nếp có sẵn mà học theo cách cư xử, phép giao tế, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt của những bậc trưởng thượng.Thêm vào đó, là sự theo dõi, uốn nắn, dạy dỗ của các bậc phụ huynh, để tới tuổi trưởng thành, người con trai trở nên một thanh niên phong lưu, lịch lãm, mạnh dạn bước vào đời, người con gái trở thành một thiếu nữ đức hạnh, đảm đang, có khả năng quán xuyến một gia đình mới trong tương lai.

Có người nhận xét, người Hà Nội khéo ăn khéo nói, nhưng không thực lòng; xử sự mềm mỏng nhưng thiếu chân tình; lịch sự, nhã nhặn nhưng ngầm kiểu cách… Có lẽ đúng! Có người còn nói, người Hà Nội coi trọng thể diện, giữ gìn mặt mũi, và sợ dư luận, nên họ sống cho người ngoài nhiều hơn cho chính họ. Những nhận xét đó, cũng không phải là sai.

Ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường nhắc nhở: “Ở trong nhà thiếu thốn, thì cũng chỉ có mình biết, nhưng bước ra ngoài, mà xử sự hẹp hòi, thì sẽ bị thiên hạ chê cười, làng nước đàm tiếu”.

Tôi từng theo mẹ tôi tham dự các buổi họp mặt với bạn bè của bà. Có lần tôi nghe bà bạn hỏi ý kiến mẹ tôi về cái áo choàng của chồng bà vừa mua tặng. Mẹ tôi hết lời khen ngợi, nhưng khi bà khách vừa ra về, mẹ tôi lại nói với bố tôi là cái áo màu mè, nhìn thiếu thẩm mỹ. Tôi thắc mắc về thái độ này thì mẹ tôi giải thích rằng: “Áo đã lỡ mua rồi, không thay đổi được. Nói lời hay cho ai nấy đều đẹp lòng chứ việc gì phải làm buồn lòng người khác!”. Đó là một ví dụ...

Ai cũng nói năng nhỏ nhẹ, chậm rãi, luôn bắt đầu bằng chữ “thưa” phía trước. Cười nói đúng lúc, đúng chỗ. Khi cười luôn lấy tay, hoặc nón mũ che miệng lại. Không bạ đâu nói đấy, chen ngang lời người khác. Không nói to, cười to. Đó là “nét” Hà Nội.

MỚI - NÓNG