Nói theo cách dễ hiểu hơn, Hikikomori là một căn bệnh xã hội – được phát hiện ở Nhật Bản vào thập niên 90. Ngày nay, bệnh Hikikomori xuất hiện ngày càng nhiều bởi sự phát triển mạnh mẽ của internet. Bệnh này xuất hiện nhiều ở thanh thiếu niên, đặc biệt là những bạn sống khép kín, cô đơn, ít nói, thích tách biệt khỏi cộng đồng và online hơn 10 tiếng một ngày. Những người không bạn bè, không việc làm, ít ra ngoài...thường dễ bị mắc chứng bệnh này.
Ở giai đoạn đầu, những người mắc căn bệnh này tự cách li bản thân với đời sống xã hội, chỉ giao tiếp với các thành viên trong gia đình và gây sự chú ý nơi họ. Đến giai đoạn thứ ba, những người mắc bệnh Hikikomori "ngắt kết nối” với những người thân nhất, kể cả mẹ, chỉ thích nhốt mình trong phòng, online và ngủ, ngày qua ngày. Người thân của những Hikikomori thường phải “tiếp tế” đồ ăn cho họ tận phòng. Những người mắc bệnh Hikikomori hoàn toàn thấy ổn khi sống một mình. Đa số họ không làm hại ai. Người bị hại duy nhất, chính là bản thân họ.
Thời gian để một người mắc phải hội chứng Hikikomori thường diễn ra từ vài tháng đến một năm, khi hoạt động “tự giam lỏng” và “online suốt ngày” trong hoàn cảnh “không bạn bè, không công việc, không ra ngoài” diễn ra đều đặn. Khi đã mắc phải hội chứng này, người Hikikomori thường thích lên mạng để tìm “những gì u ám nhất, tuyệt vọng nhất, bi kịch nhất” để xem hoặc “thưởng thức”.
Những người Hikikomori thường “ẩn mình”, mất dần mối quan hệ với cộng đồng và người thân trong gia đình. Khi nổi giận, họ thường trút giận lên những người thân thiết nhất. Theo số liệu thống kê của Nhật Bản, cả nước có 50 ngàn trường hợp mắc bệnh này, nhưng trên thực tế, con số này có thể lên đến vài triệu.
Căn bệnh Hikikomori có thể khiến kĩ năng giao tiếp của bạn bị thui chột. Càng nhiều tuổi, bạn càng khó hòa nhập xã hội. Theo các chuyên gia y tế Nhật Bản dự đoán, đa số Hikikomori ẩn mình từ một năm trở lên, có thể không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Cho dù họ có ra khỏi phòng, họ sẽ không có một việc làm ổn định hay một mối quan hệ lâu dài.