Không làm công chức vì môi trường và thu nhập

Không làm công chức vì môi trường và thu nhập
TPO - Nhiều bạn trẻ rời công sở hoặc không làm việc trong các cơ quan Nhà nước vì nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do môi trường làm việc “nặng nề” và thu nhập không đảm bảo cuộc sống.

>> Đất nước cần người trẻ ở khu vực công
>> Công chức CNTT ồ ạt rũ áo ra đi
>> Bàn chuyện thu phục nhân tài
>> Vì sao nhiều thủ khoa từ chối lời mời của Hà Nội?

Không có mạng Internet

Đào Vũ Hiệp (sinh năm 1981, quê Thái Bình): Sau khi tốt nghiệp khoa Quản lý Môi trường (Đại học Kinh tế Quốc dân) tôi về làm việc tại Phòng Tài nguyên Môi trường, huyện Ya Súp (Đắc Lắc).

Tổng thu nhập của tôi được 1.189.000 đồng/tháng. Với số tiền ấy, tôi phải lo liệu cho một cuộc sống xa nhà: Tiền thuê nhà, xăng xe, điện thoại, ăn uống và hàng trăm nghìn khoản phải chi khác…

Đây là một trong những lý do khiến tôi không tiếp tục làm việc ở cơ quan Nhà nước. Bởi lẽ, khi đi làm, cũng phải có thu nhập để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Nếu sau này lập gia đình, sinh con, thử hỏi tôi sẽ trang trải thế nào với số tiền đó?

Thêm nữa, công việc của tôi không được hỗ trợ của mạng internet. Điều này làm hạn chế khá nhiều khả năng cập nhật thông tin phục vụ nghề nghiệp, cũng như thông tin xã hội.

Một nguyên nhân nữa khiến tôi quyết định không làm việc ở Đắc Lắc vì quá xa quê. Mỗi lần từ nơi sinh sống, làm việc về thăm nhà phải mất một quãng đường dài. Thu nhập thấp nên tôi không có điều kiện về thăm quê thường xuyên.

Tôi muốn làm việc trong môi trường sôi động hơn, có sức ép hơn với cơ chế đãi ngộ cao hơn. Vì thế, tôi đã chuyển về làm việc cho một công ty tư vấn thiết bị môi trường ở Hà Nội với mức lương khởi điểm hơn 2 triệu.

Dù chưa thật sự hài lòng với mức lương và môi trường làm việc ở đây nhưng nó vẫn tốt hơn công việc cũ. Nó là bước đệm để tôi lựa chọn những công việc như mình mong muốn trong tương lai.

Đãi ngộ kém

Nguyễn Quỳnh Anh (Hà Nội): Tôi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Glamorgan (Vương quốc Anh). Về nước, tôi xin vào làm marketing tại Cty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái với mức lương khởi điểm “chấp nhận được”.

Nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu, làm việc với đối tác ở một số nước, trước khi tư vấn cho Cty nhập hàng để phân phối ở thị trường Việt Nam. Tôi thấy công việc hiện tại phù hợp với mình: Được làm đúng ngành nghề đào tạo, đòi hỏi sự năng động, làm việc trong môi trường quốc tế.

Theo tôi, làm cho Cty tư nhân, nước ngoài, phần lớn là người trẻ. Môi trường làm việc ở đó năng động hơn rất nhiều. Thời gian cũng không bị bó buộc, miễn sao tôi đảm bảo được công việc, chứ không nhất thiết ngày nào cũng phải “điểm danh” 8 giờ ở cơ quan mà thực tế chưa biết hiệu quả công việc đến đâu.

Một vấn đề nữa là thu nhập. Đây không phải là mối quan tâm riêng của tôi, mà của không ít người trẻ khi đi làm. Nhiều người mới ra trường thường chọn Cty nước ngoài và tư nhân vì họ trả lương cao gấp đôi, thậm chí gấp ba Nhà nước. Họ cũng có nhiều chế độ ưu đãi tốt cho nhân viên ...

Một số người cho rằng, làm cho Nhà nước sẽ ổn định lâu dài và chắc chắn, còn tư nhân thì phập phù. Tôi thì không nghĩ như vậy. 

Nên thay đổi cách quản lý

Trần Anh Quang (sinh năm 1984): Tôi tốt nghiệp loại giỏi khoa Toán (Đại học Sư phạm Hà Nội). Khi còn là sinh viên năm thứ ba, thầy giáo bộ môn đã thẳng thắn trao đổi: Hãy cố gắng phấn đấu để khi tốt nghiệp có thể ở lại trường. Nhưng tôi đã từ chối sự “quy hoạch” đó.

Sau quãng thời gian làm cho Cty chứng khoán, hiện tôi lên kế hoạch thành lập Cty riêng. Tôi thích làm việc trong môi trường năng động, nhiều thử thách. Tôi muốn tự mình làm cái gì đấy chứ không phải được cho cái gì đấy.

Môi trường làm việc là quan trọng nhất. Tôi thấy mình không hợp với môi trường làm việc công sở. Đa phần (tôi không nói là tất cả) làm ở công sở nhàn rỗi hơn, hiệu quả thấp hơn.

Bất cập mà nhiều người thấy và đã nói ở không ít các cơ quan nhà nước là cơ chế kìm hãm sự phát triển. Việc quản lý nhân sự chưa khoa học, chưa tạo được cơ chế cho người có năng lực phát huy hết khả năng.

Theo tôi, để thu hút người có năng lực, một trong những yếu tố quan trọng là thay đổi tư tưởng quản lý, cách nghĩ, cách làm, tránh tình trạng “đánh đồng” khi đánh giá hiệu quả công việc.

Thu nhập cũng là "vấn đề" ở các cơ quan Nhà nước. Tôi có một số người bạn ở lại trường, tổng thu nhập chỉ có 1 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo cuộc sống, họ phải đi làm gia sư, giảng thêm ở một số trường dân lập. Như vậy, thời gian “toàn tâm, toàn ý” cho công việc sẽ bị ảnh hưởng. 

Phải biết nhân viên muốn gì?

Mai Trường Giang (sinh năm 1983): Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp London (Vương quốc Anh), tôi quyết định về nước làm việc. Ngay khi hồi hương, tôi đã phải cân nhắc rất kỹ việc làm cho Nhà nước hay tư nhân.

Công bằng mà nói, ngay cả ở nhiều nước tư bản, đơn vị Nhà nước cũng trả lương thấp hơn khối tư nhân rất nhiều. Tuy nhiên, môi trường làm việc trong Nhà nước cũng rất năng động và hấp dẫn do bộ máy gọn gàng, quản lý vĩ mô tốt.

Ở nước ta, phần lớn môi trường ở các công sở thiếu năng động và tự chủ trong công việc. Thực trạng này dẫn đến việc duy trì một bộ máy phức tạp, cồng kềnh, với quá nhiều ban bệ. 

Vì thế, sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định không xin vào Nhà nước. Cùng với những người bạn tốt nghiệp Đại học Lancaster (Vương quốc Anh), Đại học Tokyo (Nhật Bản), chúng tôi lập Cty Cổ phần Beyond Việt Nam (305 Kim Mã, Hà Nội), chuyên kinh doanh các sản phẩm trang trí nội thất và tư vấn, thiết kế nội thất.

Để giữ chân người có năng lực, chúng tôi luôn tìm hiểu xem “người làm muốn gì”, trên cơ sở đó xem xét khả năng đáp ứng của mình để thỏa thuận sòng phẳng. giúp họ yên tâm ở lại công tác.

>> Ý kiến của bạn về vấn đề này?

MỚI - NÓNG
Lý do Bộ GD&ĐT khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm, không quá 20%
Lý do Bộ GD&ĐT khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm, không quá 20%
TPO - Quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra tại dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh  trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đang nhận được sự quan tâm của các trường và phụ huynh, học sinh.