ĐT.LA trước nguy cơ rớt hạng:
Không làm bóng đá kiểu rải tiền
> Trọng tài 'cứu V.Hải Phòng' bị dừng làm nhiệm vụ
> Đồng Tâm Long An sa thải McMenemy
Trên bảng xếp hạng, ĐT.LA hiện được 27 điểm, xếp thứ 13, kém V.Hải Phòng và Hòa Phát Hà Nội hai điểm. Ở lượt đấu cuối cùng, ĐT.LA sẽ gặp Thanh Hóa, trong khi đối thủ của V.Hải Phòng và Hòa Phát Hà Nội lần lượt là HN.ACB và K.Khánh Hòa. Cả hai đội trên đều không còn nhiều động lực thi đấu, bởi trong khi HN.ACB đã chính thức rớt hạng thì K.Khánh Hòa cũng đã đủ điểm ở lại V.League mùa sau.
Đây là cơ sở để tin, V.Hải Phòng và Hòa Phát Hà Nội sẽ cầm chắc khả năng giành trọn 3 điểm để trụ hạng. Bản thân chủ tịch Võ Quốc Thắng cũng thừa nhận, cơ hội trụ hạng của đội nhà là không lớn.
“ĐT.LA đã có thể quyết định được số phận của mình ở trận đấu với Hòa Phát Hà Nội. Tiếc là chúng tôi không làm được, một phần vì thiếu may mắn. Trời mưa nên ảnh hưởng đến khả năng chuyên môn của các cầu thủ. Nhưng bóng đá là vậy-ông Thắng nói-Với lại, ĐT.LA bị mất điểm phút cuối nhiều trận quá, nếu không tình hình cũng không như hiện nay. Nói chung trận tới với Thanh Hóa sẽ phải cố hết mình thôi, chứ giờ không tự quyết được nữa”.
Thành tích đi xuống của ĐT.LA gần đây được nhắc nhiều đến bởi việc lãnh đạo đội ngày một ít chịu đầu tư lực lượng cũng như tăng chế độ lương, thưởng cho cầu thủ. ĐT.LA gần như đứng ngoài cuộc đua tiền, vốn đã trở nên phổ biến ở V.League hiện nay.
Đầu mùa giải 2010, ĐT.LA đã chấp nhận để cả 2 trụ cột của đội là Minh Phương và Tài Em đầu quân cho SHB.Đà Nẵng và Navibank Sài Gòn. Nếu so với các đội khác, điển hình như V.Hải Phòng, treo thưởng 10 tỷ đồng cho suất trụ hạng, đây rõ ràng là bức tranh tương phản.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, vấn đề ở đây không hoàn toàn là chuyện tài chính. “Thực ra ngoài chúng tôi thì Navibank Sài Gòn, V.Hải Phòng, The Vissai Ninh Bình, Hòa Phát Hà Nội…vừa rồi đều có khả năng rớt hạng cả. HA.GL cũng chỉ trụ hạng sau khi thắng mấy trận cuối. Bảo về tiền thì đầu tư như Navibank Sài Gòn, có ai nghĩ thành tích lại vậy đâu?
“Mỗi đội có một cách làm bóng đá khác nhau. ĐT.LA có cách làm riêng của ĐT.LA. Mọi thứ đều được lên kế hoạch ngay từ đầu mùa, chứ đâu phải trận nào cũng “quăng” tiền vào rồi cầu thủ mới đá. Đấy đâu phải là cách làm lâu dài. Như thế cầu thủ cứ đến phút cuối mới chịu đá thì sao? Nói tiền thì có ai bảo HN.ACB ít không? Vấn đề theo tôi nghĩ ở đây là cách làm thôi”.
Một mình ĐT.LA liệu có chống lại được xu thế của cả V.League?
Trả lời câu hỏi này, theo ông Thắng, “Nền bóng đá VN chỉ ở mức như vậy. Đâu phải cứ rải tiền là làm bóng đá được. Mọi thứ từ từ thời gian sẽ trả lời. V.League bây giờ, các CLB chi tiêu phải gấp đôi so với các CLB của Thái Lan. Nhưng anh coi cái chuyên nghiệp của mình có bằng họ không, nếu nhìn vào cách tổ chức. ĐT.LA năm nay thua thì sang năm tính. Nếu có rớt xuống hạng Nhất thì lại phấn đấu lên hạng thôi chứ sao đâu”.
Kết thúc mùa giải, ĐT.LA sẽ đánh giá lại tình hình và đưa ra phương hướng phát triển đội bóng trong thời gian tới, ông Thắng cho biết