Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk:

Không khoan nhượng với vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa xử lý nhiều trường hợp liên quan đến buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại xảy ra trên địa bàn. Dù quyết liệt đấu tranh song cuộc chiến vẫn còn nóng bỏng, bởi các đối tượng vi phạm tìm đủ mọi cách để qua mặt cơ quan chức năng.

Theo ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, nguồn cung đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá đột biến.

Không khoan nhượng với vi phạm ảnh 1

Lực lượng Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm đếm số lượng thuốc lá nghi nhập lậu ngày 1/8

Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu sở hữu trí tuệ, vi phạm về không niêm yết giá, điều kiện kinh doanh... trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra.

Mới đây, ngày 6/9, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra hộ kinh doanh thế giới linh kiện phụ kiện Á Châu (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột). Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hơn 13.390 sản phẩm linh kiện điện thoại của hộ kinh doanh này không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội 1 đã trình hồ sơ vụ việc đến lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk để ban hành Quyết định xử phạt theo thẩm quyền. Kết quả, hộ kinh doanh bị phạt tiền 45 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, ngày 1/8, Đội QLTT số 1 phối hợp Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh Đắk Lắk), kiểm tra ô tô tải biển số 50H-148.79 tại Quốc lộ 14, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột. Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Anh Tuấn (trú xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin), người điều khiển phương tiện trên có hành vi vận chuyển 700 bao thuốc lá điếu hiệu JET (hàng cấm). Cơ quan có thẩm quyền đã phạt ông Tuấn 40 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng cấm trên.

Trong 9 tháng qua, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra 921 vụ (trong đó, kiểm tra đột xuất 343 vụ), tổng số hành vi vi phạm là 799 gồm: Hàng cấm (17 hành vi); Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ (61 hành vi); Quyền sở hữu công nghiệp (46 hành vi); Lĩnh vực an toàn thực phẩm (107 hành vi); Lĩnh vực y tế (106 hành vi); Giá, niêm yết giá (181 hành vi)...

Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước (phạt hành chính + buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp + bán hàng hóa tịch thu) hơn 5,3 tỷ đồng (đạt 88,7% chỉ tiêu đăng ký thi đua năm 2023).

Theo Cục trưởng Mai Mạnh Toàn, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trao đổi nghiệp vụ đợt 1, nhằm phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, kinh doanh trên không gian mạng; hướng dẫn các kỹ năng và cách phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với một số hàng hóa lưu thông trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh với vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Cục QLTT Đắk Lắk cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cam kết chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ, trong kỳ đã ký được 520 bản cam kết.

Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk, Cục QLTT Đắk Lắk đã tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn, kiểm soát thị trường, xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán... Nhờ đó, trên địa bàn không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

MỚI - NÓNG