Không dịp nào ra mắt 'Khát vọng Thăng Long' bằng dịp này

Không dịp nào ra mắt 'Khát vọng Thăng Long' bằng dịp này
TP - Đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã sẵn sàng tâm thế đón dư luận về Khát vọng Thăng Long, ra rạp 12-11 này. Mới chỉ ra mắt báo chí tháng trước, phim nhận được phản hồi khá lạc quan.

 >> 'Lý Công Uẩn' trong bộ veston demi
 >> 'Khát vọng Thăng Long': Khát vọng bình yên
 >> Ra mắt 'Khát vọng Thăng Long'

Cảnh trong phim “Khát vọng Thăng Long”
Cảnh trong phim “Khát vọng Thăng Long”.

Trước khi ra mắt Khát vọng Thăng Long (KVTL), anh nói làm xong phim sợ đến mất ngủ. Bây giờ anh cảm thấy thế nào? Phim ra rạp mà nhận được nhiều lời chê thì sao?

Sợ đến mất ngủ là đúng. Hôm phim ra mắt đầu tháng 10, tôi cũng đoán được một phần phản ứng của khán giả.

Khen chê là chuyện bình thường. Một món ăn thông thường còn có người thích người không, đừng nói sản phẩm văn hóa. Đừng bao giờ hi vọng làm cái gì mà mọi người đều thích.

KVTL sẽ có phần tiếp? Nhà sản xuất sẽ tiếp tục mời anh?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Ảnh: Xuân Phú

Thì khi đó tôi sẽ ở cương vị khác, đòi hỏi cao hơn, làm nhiều điều mình thích hơn. Ví dụ muốn tạo hồn Việt, tôi sẽ nhấn vào nhân gian, không phải chuyện triều chính. Tôi muốn đưa khán giả vào thời kỳ lịch sử đó. Trong KVTL, hai lần Lý Công Uẩn ra đi, tôi đều để kéo cảnh phim ra nhân gian.

Nhìn chung vai Lý Công Uẩn khá ổn. Anh thấy gì ở Quách Ngọc Ngoan để quyết định chọn?

Lý Công Uẩn xuất thân tu hành, rời cửa Phật ra ngoài đời, nên nhân vật mang dấu ấn giản dị, nhân hậu. Tất nhiên để vai Lý Công Uẩn vừa lòng nhiều người là rất khó. Bởi đây là nhân vật rất ảo trong tưởng tượng mọi người. Quách Ngọc Ngoan đóng tốt, có chiều sâu, tải được phẩm chất của Lý Công Uẩn.

Anh từng nói chỉ thích làm phim do mình viết kịch bản? Còn kịch bản KVTL lại không phải của anh?

Thích là một chuyện, làm là chuyện khác. Kịch bản KVTL của Charlie Nguyễn mang nhiều tính hành động, tôi góp ý những yếu tố để mềm đi. Trong phim, tôi đưa vào yếu tố con người, quan hệ Lý Công Uẩn với đứa con người lính ra sao, cảnh cô gái bị thả trôi sông như thế nào.

Nhiều khán giả háo hức chờ phim ra rạp đúng dịp Đại lễ, nhưng phim lỡ hẹn. Anh có nghĩ KVTL đã đánh mất dịp “hot”?

Không dịp nào ra mắt tốt bằng dịp này. Đại lễ có cả nghìn sự kiện, phim ra lúc đó như hạt muối bỏ biển.

Anh không thấy Ngô Mỹ Uyên diễn rất cương?

Phim tư nhân đầu tư, có những yếu tố phải do nhà sản xuất và đạo diễn thương lượng. Nói chung, phải biết thương nhà sản xuất, họ bỏ bao tiền của để làm phim. Ban đầu tôi chọn người khác, nhưng phải cân đối với bên sản xuất. Bản thân Ngô Mỹ Uyên cũng có cố gắng.

Còn Vũ Đình Toàn - Lê Long Đĩnh - là do anh chọn?

Toàn là người có tài. Người ta thấy vai này diễn hay hơn Lý Công Uẩn, vì bản thân nhân vật hay hơn. Lý Công Uẩn là người tròn như mặt trăng, nên khi viết kịch bản, làm phim khó hơn vai phản diện của Đình Toàn.

Trong phim, Long Đĩnh là nhân vật sắc nét, cuộc sống có hai mặt thiện - ác. Tất cả mâu thuẫn xuất phát từ con người đó. Đó là tạng nhân vật dễ hay. Hơn nữa, trong giai đoạn này Long Đĩnh mới là nhân vật chủ động, không phải Lý Công Uẩn.

Ê-kíp người nước ngoài hỗ trợ anh như thế nào để có được KVTL? Phần đề tên nhạc phim hình như không thống nhất, ban đầu ghi Hồ Hoài Anh, sau thấy thêm tên một người khác.

Sự giúp đỡ của ê-kíp nước ngoài rất cần thiết. Là những người chuyên nghiệp nên họ tôn trọng quyết định của đạo diễn. Nếu không có họ, chất lượng âm thanh, hình ảnh không đạt tới tầm như thế.

Nhạc có hai phần: Nhạc thực trong phim (có nhân vật diễn, hát) do Hồ Hoài Anh viết, còn nhạc phim do một Việt kiều Mỹ làm.

KVTL có lẽ hợp với khán giả trong nước hơn là liên hoan phim quốc tế? Vì nhân vật chính và cuộc đời của ông rất quan trọng với người Việt Nam?

KVTL khi chiếu cho một số khán giả nước ngoài xem, họ thấy thú vị về cách làm phim. Xem phim đâu phải đánh giá Lý Công Uẩn, mà đánh giá tinh thần thời đó, cái thần của phim và cái mà phim muốn nói.

Anh chắc còn có điều băn khoăn về bộ phim?

Giá KVTL chỉ tồn tại như phim độc lập bình thường, tôi lấy làm thích và thoải mái hơn. Phim này mang quá nhiều sứ mệnh. Đạo diễn đứng trước bài toán phải thỏa mãn mọi thế hệ, tầng lớp. Nếu tiết tấu phim nhanh có thể người có tuổi không hợp, còn để cho họ hợp thì giới trẻ không chấp nhận.

Về đoạn cuối phim, có ý kiến cho rằng cách anh để Lý Công Uẩn xõa tóc, giang hai tay thuyết trình dễ gợi liên tưởng Chúa Jesu.

Có người lại thích. Theo tôi, phải có người thích, người không thì sự việc đó mới đúng. Nếu tất cả cùng thích, cho rằng phim hoàn chỉnh tôi thấy bộ phim có vấn đề. Quan trọng nhất là người xem cảm nhận thời lịch sử đó thế nào, cảm thấy cha ông ta ra sao, phim đem lại cho họ cái gì. Lý Công Uẩn là vị vua đầu tiên của một chính quyền phong kiến hoàn chỉnh, nên nhân vật có cái khí khái đó, cách hành xử như thế.

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.