Doanh nhân trẻ Lê Công Thành. Ảnh: VPG |
Ngay sau khi tốt nghiệp khoa Tin học (Trường Đại học Thủy Lợi), Lê Công Thành (sinh năm 1983) được giữ lại làm giảng viên và theo học thạc sĩ tại Pháp. Tuy nhiên, tình yêu quê hương và khát khao cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam đã dẫn dắt anh trở về, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp khi thành lập Công ty Công nghệ InfoRe vào năm 2011.
InfoRe được thành lập với mong muốn xây dựng một công ty chuyên về xử lý dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng khát vọng của Thành không chỉ dừng ở đó, ngay từ ngày đầu, anh đã xác định InfoRe không phải chỉ là công ty tư nhân đơn thuần, mà còn phải là doanh nghiệp có sứ mệnh với cộng đồng.
Lê Công Thành bắt đầu hành trình ấy với dự án Lietsi.com – một nền tảng trực tuyến nhằm số hóa thông tin về các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp Việt Nam. Xuất phát từ việc trong gia đình có người thân là liệt sĩ chưa được tìm thấy, Thành hiểu rõ nỗi niềm của những gia đình vẫn mãi khắc khoải tìm kiếm thân nhân.
"Mỗi bia mộ là một câu chuyện chưa kể của một người con đất Việt ngã xuống vì màu cờ Tổ quốc. Bản thân mình mong muốn, không chỉ gia đình họ mà cả xã hội có thể ghi nhớ và tôn vinh những hy sinh lớn lao ấy", Thành chia sẻ.
Sau hai năm triển khai, Lietsi.com đã số hóa hơn 700.000 thông tin liệt sĩ, giúp hàng nghìn gia đình dễ dàng tìm kiếm thông tin về người thân trên khắp cả nước. Dự án này không chỉ đưa công nghệ đến gần hơn với người dân mà còn thể hiện tâm huyết chân thành của một người trẻ. Đây chính là khởi nguồn cho thành công của doanh nghiệp trong việc xây dựng những dự án cộng đồng ý nghĩa tiếp theo.
Đến năm 2022, ngay sau khi AI được biết đến tại Việt Nam, dự án "Bình dân học AI" cũng được ra đời và thu hút hơn 250.000 nghìn thành viên tham gia. Mục tiêu của dự án là giúp mọi người học cách sử dụng AI một cách đơn giản và trở thành công cụ làm việc hằng ngày hiệu quả. Theo đó, dự án được chia thành 2 nhóm chính: nhóm người học để ứng dụng vào công việc và nhóm vừa học vừa dạy cho người khác.
Công Thành nhận định, AI giờ đây là một cơ hội mở, một sức bật mới cho mọi người dân ở mọi ngành nghề. Đây không chỉ là công cụ giúp người lao động Việt Nam thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", mà còn là đòn bẩy chiến lược đưa lao động Việt tiến xa trên trường quốc tế.
Với một tầm nhìn xa trong tương lai, Lê Công Thành không chỉ tạo ra một dự án có ích cho xã hội mà còn ấp ủ một giấc mơ lớn: Đến năm 2025, "Bình dân học AI" sẽ chạm tới triệu người lao động Việt Nam, lan tỏa tri thức AI khắp mọi miền Tổ quốc.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.
Chi tiết về các chương trình hỗ trợ của Thành phố tại: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn